Trong giai đoạn tình hình kinh tế còn khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh phức tạp thì kết quả đạt được của Bình Dương là một điểm sáng về giáo dục, đáng để các địa phương học tập và thực hiện theo.
Điểm cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt I từ dữ liệu thống kê điểm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, Bình Dương là tỉnh dẫn đầu cả nước với mức điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 với 7,056 điểm.
Đây cũng là tỉnh duy nhất có điểm trung bình trên 7,0 và chênh lệch ít nhất giữa điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm trung bình học bạ lớp 12 là thành tích “kép” đáng nể, quá xứng đáng được tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng cách làm để các địa phương khác cùng thực hiện theo.
Điều đó cho thấy dưới sự lãnh, chỉ đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ngành giáo dục đã đi đúng hướng, kết quả không phải tự dưng mà có mà là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị tỉnh, của cả ngành giáo dục, sự đồng lòng của người dân, sự nỗ lực của học sinh.
Một kỳ thi thật, một kết quả thật thì không có lý gì không tuyên dương ngành giáo dục Bình Dương đã làm nên một kỳ tích tuyệt vời.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 năm 2021. (Ảnh minh hoạ: Baobinhduong.vn) |
Mấu chốt của thành công là dạy thật và không nâng điểm hại học sinh
Phó giám đốc Sở Giáo dục Bình Dương đã chia sẻ thẳng thắn với Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam trong bài viết “Phó giám đốc Sở Giáo dục Bình Dương: nâng điểm học bạ là hại học sinh” ngày 03/08/2021 của tác giả Hữu Đức về cách làm của tỉnh Bình Dương mà các địa phương khác có thể áp dụng.
Thành tích tốt của Bình Dương bắt đầu từ việc cấm nâng điểm học bạ bởi việc này là hại học sinh. Nếu cứ mãi nâng điểm học bạ vì sợ học sinh thi không đạt sẽ là hại học sinh, mải chạy theo thành tích, sẽ không bao giờ có thành công.
Trong bài viết trên chia sẻ thành tích tuyệt vời của ngành giáo dục tỉnh Bình Dương là “Bình Dương là địa phương có độ chênh lệch giữa điểm trung bình thi và trung bình học bạ thấp nhất cả nước với 0,099 điểm. Kế đến lần lượt là: Bạc Liêu (0,421), Lâm Đồng (0,437), Ninh Bình (0,497), Vĩnh Phúc (0,561), Lào Cai (0,564), Tây Ninh (0,579), Phú Thọ (0,604), Tuyên Quang (0,613).
Đặc biệt, Bình Dương có nhiều môn, điểm trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 còn cao hơn điểm học bạ như: Môn Toán (-0,33), Hóa học (-0,314), Giáo dục công dân (-1,061), tiếng Anh (-0,519).
Bình Dương là địa phương dẫn đầu cả nước về mức điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay với 7,030 điểm. Bình Dương cũng là địa phương duy nhất có điểm trung bình tốt nghiệp trên 7,0.
Năm ngoái, kết quả điểm trung bình tốt nghiệp Bình Dương đứng thứ 2, sau Nam Định. Điều này, cho thấy Bình Dương đã đi đúng hướng trong công tác giáo dục và đào tạo nói chung và trung học phổ thông nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, kết quả này càng thuyết phục hơn, khi độ chênh lệch giữa điểm trung bình thi tốt nghiệp và điểm trung bình học bạ của học sinh ở Bình Dương được xếp loại thấp nhất cả nước.”
Một giải pháp theo chia sẻ của ông người viết vô cùng tâm đắc đó chính là việc: “Sau mỗi kì thi, kể cả thi học kỳ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh mở hội thảo, mời tất cả hiệu trưởng của các trường để đánh giá nhận xét tỷ lệ của từng trường, phân tích độ chênh lệch giữa điểm thi và học bạ của từng trường. Sau đó, so sánh đối chiếu một lần nữa giữa các trường với số liệu chung của tỉnh, từ đó đúc kết ra giải pháp tích cực riêng cho từng trường trong những năm tiếp theo.”
Và ông Nguyễn Văn Phong thẳng thắn cho biết, quan điểm nhất quán của ngành giáo dục và đào tạo Bình Dương là tuyệt đối nói không với "bệnh thành tích", việc cho đề thi dễ để nâng điểm học bạ, làm đẹp học bạ là hại học sinh. Và tất nhiên, yêu cầu chất lượng giáo dục thực phải đặt lên hàng đầu.
Như vậy, 3 giải pháp then chốt là dạy thật, học thật, thi thật; chống bệnh thành tích và chống nâng điểm học bạ được ngành giáo dục Bình Dương vận dụng rất tốt, đó chính là nguyên nhân đem lại kết quả thành công rực rỡ cho giáo dục Bình Dương trong năm nay và là tiền đề vững chắc cho các năm tiếp theo.
Các địa phương khác nếu làm tốt 3 điều này giống Bình Dương thì người viết tin rằng kết quả giáo dục cũng sẽ nâng cao.
Đề nghị có hình thức tuyên dương, khen thưởng cho ngành giáo dục tỉnh Bình Dương
Theo người viết, hiện nay có 2 kỳ thi thật nhất để đánh giá giáo dục cả nước và đánh giá địa phương đó chính là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Nên lấy kết quả thi tốt nghiệp kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm căn cứ tuyên dương, khen thưởng các địa phương đạt hạng I, II, III và có ít chênh lệch với điểm học bạ, bên cạnh đó căn cứ điểm của các trường trung học phổ thông để các địa phương tuyên dương, khen thưởng.
Và không chỉ thống kê của các địa phương mà cũng thống kê các trường có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông tốt và ít chênh lệch với điểm học bạ để các địa phương khen thưởng, khích lệ tinh thần để họ cố gắng, phấn đấu và đạt thành tích cao.
Bên cạnh đó, cũng nên lấy kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 để tuyên dương, khen thưởng các trường trung học cơ sở, và cũng nên có việc so sánh điểm thi tuyển sinh lớp 10 so với điểm học bạ để biết việc dạy thật, học thật của học sinh tránh việc nâng điểm học bạ, làm đẹp hồ sơ, hại học sinh.
Do đó, để tuyên dương, ghi nhận sự nỗ lực cố gắng các địa phương đã làm tốt việc dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật nên có hình thức tuyên dương tỉnh Bình Dương, ngành giáo dục Bình Dương và các địa phương đạt thành tích cao.
Đó là niềm động viên, khích lệ kịp thời và lấy đó làm cơ sở để các địa phương khác phấn đấu noi theo, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tránh việc chạy theo bệnh hình thức, thành tích, gian dối trong giáo dục.
Từ những cơ sở trên, từ thành công của tỉnh Bình Dương thì các địa phương xin hãy có kế hoạch hành động, bắt tay vào các công việc, kế hoạch cụ thể để đưa giáo dục từng bước học thật, thi thật nhân tài thật như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, và Bộ Giáo dục từng bước triển khai.
Do đó, những biện pháp mà tỉnh Bình Dương đang làm rất tốt mà chúng ta thực hiện theo đó là: Không nâng điểm học bạ, làm như vậy là có lỗi với học sinh; sau mỗi kỳ kiểm tra, thi thử có so sánh với kết quả các kỳ kiểm tra, điểm học trong lớp; quan điểm dạy thật, học thật,… thật tuyệt vời nếu chúng ta thực hiện đồng bộ những điều đó.
Quan điểm nâng điểm học bạ, chạy theo thành tích đã quá lỗi thời trong thời điểm hiện tại, hãy xem việc đó là hại học sinh, làm cho học sinh ỷ lại, không phấn đấu.
Năm học mới sắp bắt đầu việc dạy thật, học thật, chống bệnh thành tích, gian dối,... phải được thực hiện quyết liệt hơn từng bước giáo dục sẽ lấy lại uy tín, sự trung thực và phát triển mạnh mẽ.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.