Nghịch lý sinh viên SP miễn học phí, giáo viên học nghiệp vụ phải đóng tiền

09/12/2021 06:27
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Người viết đề nghị, mọi hoạt động bồi dưỡng giáo viên, kinh phí phải từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương...

Sau khi một số trường sư phạm thông báo tuyển sinh lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí ở trường Trung học cơ sở, giáo viên đơn môn Sinh, Lý, Hóa, Sử, Địa lại được phen “hoảng loạn” vì “Trường sư phạm mở lớp chứng chỉ 2 môn tích hợp, phí 3-5,4 triệu đồng”.[1]

Thế nhưng, không ít giáo viên đơn môn Sinh, Lý, Hóa, Sử, Địa vẫn “vô tư” mình không có tiền, không học, có sao đâu.

Ngày 21/7/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định Số: 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên; Quyết định Số: 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý.

Cả hai quyết định trên đều quy định: Kinh phí bồi dưỡng

- Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương;

- Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng:

- Do người học tự đóng góp.

Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn

Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn

Đến lúc này, giáo viên đơn môn Sinh, Lý, Hóa, Sử, Địa không thể vô tư nữa, không học, không có chứng chỉ, không được dạy môn “tích hợp”; nên “Thưa Bộ, giáo viên lấy tiền đâu ra để học chứng chỉ bồi dưỡng môn tích hợp?”;[2] cũng không ít giáo viên nghi ngờ, phải chăng có “lợi ích nhóm” trong việc bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn tích hợp?

Sinh viên được đào tạo miễn học phí, giáo viên học nghiệp vụ phải đóng tiền thì quá vô lý!

Thầy giáo H. (xin giấu tên) ở Vũng Tàu chia sẻ: “Giữa mùa dịch bệnh phải dạy trực tuyến, mệt bơ phờ, vậy mà trên mạng xã hội cứ chia sẻ lời mời gọi học lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp, thấy muốn nản luôn.

Đã vậy, trong thông báo đều quy định kinh phí do người học tự đóng góp, càng vô lý hơn. Thôi kệ, đến đâu thì đến, khi nào nhà nước cho kinh phí, bắt phải học, thì đi học.

Còn bắt mình tự bỏ kinh phí, tôi không học, không cho dạy thì cho tôi giảm biên chế cũng được”.

Hiện nay sinh viên sư phạm đào tạo theo “đơn đặt hàng” hay sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, nếu cam kết làm trong ngành giáo dục, đều được miễn học phí, trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.

Theo đó, tại điều 4 của của Nghị định 116 quy định, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Sinh viên sư phạm ra trường công tác trong ngành giáo dục, đều được miễn học phí, trợ cấp hàng tháng; trong lúc đó giáo viên đi học bồi dưỡng để dạy môn tích hợp lại phải đóng tiền?

Môn “tích hợp” là môn học mới, chưa có giáo viên nào được đào tạo để dạy môn này, đúng ra giáo viên đi học bồi dưỡng để dạy môn tích hợp phải được nhận trợ cấp 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập, mới công bằng trong đào tạo giáo viên.

Tại sao sinh viên sư phạm được miễn học phí, trợ cấp hàng tháng, khi đi học; giáo viên đi học bồi dưỡng dạy môn tích hợp nói riêng, các nội dung bồi dưỡng giáo viên nói chung, lại phải đóng tiền? Như thế có công bằng không với người đang công tác trong ngành giáo dục và người “cam kết” sẽ công tác trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp?

Người viết đề nghị, mọi hoạt động bồi dưỡng giáo viên, kinh phí phải từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng.

Trong các văn bản của Bộ phát hành về bồi dưỡng giáo viên, phần kinh phí, tuyệt đối không có cụm từ “Do người học tự đóng góp”; có như thế mới đảm bảo công bằng trong chính sách đào tạo nhân lực của ngành giáo dục, giữa sinh viên sư phạm và giáo viên.

Giáo viên không phải đóng kinh phí khi tham gia học bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đó là cụ thể hóa khẩu hiệu “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/truong-su-pham-mo-lop-chung-chi-2-mon-tich-hop-phi-3-5-4-trieu-dong-post219318.gd

[2]- https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thua-bo-giao-vien-lay-tien-dau-ra-de-hoc-chung-chi-boi-duong-mon-tich-hop-post219891.gd

Quyết định Số: 2454,2455/QĐ-BGDĐT

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến