Ngũ luân thư: Binh pháp dành cho doanh nhân và chiến lược gia

11/09/2013 13:44
HV
(GDVN) -Nhật Bản là một quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Vậy các doanh nhân Nhật mang trong mình điều gì khi tung hoành tring nền kinh tế thế giới? Họ học gì và học ở đâu khi mà họ không được huấn luyện ở những nơi như trường Đại học Havard? Câu trả lời nằm trong cuốn Go Rin No Sho – Ngũ luân thư - cuốn ‘binh pháp' dành cho doanh nhân và chiến lược gia.
Ngũ Luân Thư bao gồm “Địa chi quyển”,” Hỏa chi quyển”, “Thủy chi Quyển”, “Phong chi quyển” và “Không chi quyển”, chủ yếu bàn về võ nghệ, kiếm pháp, cái Đạo của người học kiếm và là cẩm nang dành cho người muốn học binh pháp…nhưng ngày nay nó lại được nghiền ngẫm khắp nơi, từ giảng đường Harvard cho đến các doanh nhân và các chiến lược gia.

 Ngũ luân thư thể hiện quan điểm của Musashi về cách để đi đến chiến thắng trong các trận đấu. Yếu tố này được các doanh nhân hiện đại coi trọng, họ xem đó là một phần kim chỉ nam giúp họ đạt được thành công trong sự nghiệp. Ngũ luân thư đã được Tạp chí Time ca ngợi rất ngắn gọn: “Ở Phố Wall, khi Musashi cất tiếng, tất cả phải lắng nghe”.

Ngũ luân thư: Binh pháp dành cho doanh nhân và chiến lược gia ảnh 1
Ngũ luân thư: Binh pháp dành cho doanh nhân và chiến lược gia

Miyamoto Musashi là một kiếm khách, lúc 16 tuổi ông đã xông pha vào trận chiến cực kỳ khốc liệt giữa hai phe lãnh chúa Nhật Bản, phe Đông Quân và phe Tây Quân, diễn ra ngày 15 tháng thứ 9 niên hiệu Khánh Trường thứ 5 (ngày 21 tháng 10 năm 1600), tại Sekigahara, thuộc tỉnh Gifu ngày nay.

Người ta gọi đây là tử địa Sekigahara vì sau trận chiến khốc liệt ấy đã có bảy mươi ngàn người chết, còn Seigahara được coi là trận đánh lớn nhất lịch sử Nhật Bản. Dù bên Tây Quân của Musashi bị thua trận, nhưng chàng chiến binh trẻ tuổi Musashi đã anh dũng chiến đấu qua ba ngày của trận chiến.  Chàng không chỉ sống sót và bước ra khỏi tử địa mà còn thoát khỏi chuỗi ngày gian nan bị phe chiến thắng truy sát. Kể từ ngày đó, kiếm khách này vân du khắp nơi chỉ để luyện kiếm, báo thù và tham dự các cuộc quyết đấu sinh tử. Mushashi không thất bại một lần nào và trở thành sư tổ của môn phái sử dụng song kiếm có tên  Nhị Thiên Nhất Lưu. Sau này ông được người Nhật gọi là Kensei (Kiếm Thánh).
Người ta vẫn nói, để hiểu được một người Nhật bước chân ra thế giới bên ngoài để kinh doanh, thì phải hiểu cái tinh thần của một chiến binh bước vào tử địa Seigahara. Và để hiểu được người Nhật tu dưỡng bản thân hằng ngày thế nào, các doanh nghiệp Nhật lập chiến lược kinh doanh của mình ra sao, các chính trị gia ra quyết định thế nào, thì phải đọc tác phẩm kinh điển Go Rin No Sho (Ngũ Luân Thư) của Kiếm Thánh Myamoto Musashi.

 Hình ảnh chiến binh Musashi hùng dũng bước vào trận chiến đã trở thành một hình ảnh rất đẹp. Time Out đã viết  “Nếu bạn tò mò tại sao người Nhật có thể xông pha giữa cộng đồng kinh doanh phương tây dễ như lưỡi kiếm samurai cắt ngang miếng bơ, câu trả lời không nằm trong những xí nghiệp hay những máy móc tự động. Câu trả lời nằm trong sách binh pháp Go Rin No Sho”.
Musashi quan niệm rằng: "Không có nghề cao quý,chỉ có con người cao quý. Không có kiếm pháp vô địch, chỉ có con người vô địch”. Go Rin No Sho ngày nay đứng đầu bảng trong tất cả các thư viện Kiếm đạo. Đây là cuốn sách độc đáo nhất trong các sách binh pháp khi nó đề cập đến binh pháp chiến trận và thuật chiến đấu cá nhân bằng cùng một cách tiếp cận.

Cuốn sách không phải là thuyết về binh pháp thuyết, mà theo lời của Musashi cuốn sách này là cẩm nang cho những người đàn ông muốn học binh pháp. Bởi nó là cẩm nang, nội dung của nó luôn vượt lên trên tầm hiểu biết của những ai đọc nó. Đọc sách này càng nhiều lần, người đọc càng tìm thấy nhiều hơn trong từng trang sách.
Cuốn Ngũ Luân Thư – Go Rin No Sho là bản dịch của thầy Bùi Thế Cần, do Alpha Books xuất bản. Dịch giả Bùi Thế Cần nguyên là Giáo sư Pháp văn Đại học Văn khoa Sài Gòn. Hiện ông lui về chốn vắng để dành thời gian cho niềm đam mê của mình là nghiên cứu và tập luyện song kiếm theo trường phái   Niten Ichi Ryu của Kiếm Thánh Miyamoto Musachi. Ông cũng là võ sư Aikido hệ lục đẳng, có nhiều đóng góp cho phong trào Aikido ở thành phố Hồ Chí Minh.
Tủ sách Omega của Alpha Books xin giới thiệu đến quý độc giả bản dịch Go Rin No Sho rất tài hoa của thầy Bùi Thế Cần mang tên Ngũ luân thư.
HV