NGƯT Lê Đức Mẫn: một trong "Bộ tứ" dạy tiếng Nga nổi tiếng ở Đại học Hà Nội

10/05/2022 06:35
Minh Tuấn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà giáo ưu tú, nhà thơ, dịch giả Lê Đức Mẫn là người thầy đặc biệt đối với rất nhiều thế hệ học trò tại Khoa tiếng Nga, Trường Đại học Hà Nội.

Nhiều lần đến tham dự các sự kiện văn hoá, giáo dục về nước Nga và một số nước trong không gian hậu Xô Viết, tôi thường bắt gặp người đàn ông dáng gầy gò, khuôn mặt hiền từ, lối nói chuyện rất đỗi khiêm nhường mà chân thành, sâu sắc. Hỏi ra mới biết đó là Nhà giáo ưu tú Lê Đức Mẫn, nguyên giảng viên Khoa tiếng Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Hà Nội), một dịch giả nổi tiếng được nhiều độc giả yêu mến.

Trong một dịp tình cờ, tôi có cơ hội được làm quen và trò chuyện với ông Mẫn ở Đại sứ quán Kazakhstan tại Việt Nam, nhân sự kiện ông và một số dịch giả Việt Nam được Tổng thống Kazakhstan vinh danh về những đóng góp trong hoạt động dịch thuật và giao lưu, quảng bá văn hoá hai đất nước.

Sau đó, qua những lần nghe ông nói chuyện và chứng kiến tình cảm đặc biệt của các thế hệ học trò dành cho người thầy đáng kính, giúp tôi dần hiểu hơn về tấm gương Lê Đức Mẫn - một nhà giáo mẫu mực, một dịch giả uyên bác, một nhà thơ mang những nỗi niềm sâu sắc.

Nhà giáo ưu tú Lê Đức Mẫn (Ảnh: Minh Tuấn)

Nhà giáo ưu tú Lê Đức Mẫn (Ảnh: Minh Tuấn)

Nhà giáo hết lòng vì học trò

Sinh năm 1941, tại Duy Tiên, Hà Nam, Lê Đức Mẫn ham học từ nhỏ. Ông biết chữ Nho, lớn lên học tiếng Pháp ở Hà Nội. Tuổi thiếu niên, ông thường xuyên tiếp xúc với ngoại ngữ và nảy nở tình yêu ngôn ngữ, văn học lúc nào không hay.

Năm 1960, ông bắt đầu theo học tiếng Nga tại Khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đó là khoá đầu tiên được đào tạo ngôn ngữ Nga bài bản dài hạn ở trong nước lúc bấy giờ. Trong quá trình học tập ở trường, ông luôn đạt thành tích học tập cao, và hoàn thành xuất sắc khóa luận tốt nghiệp. Ra trường, ông Mẫn về trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Hà Nội) công tác giảng dạy. Đây cũng là ngôi trường mà ông đã gắn bó từ năm 1966 cho đến khi nghỉ hưu (năm 2002).

Kể từ thời điểm gắn bó cuộc với mái trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, người thầy giáo trẻ Lê Đức Mẫn đã dành hết nhiệt huyết, niềm say mê với nghiệp giảng dạy. Ông dành tình yêu lớn đối với tiếng Nga. Và hơn tất cả, ông dành tình yêu thương, sự quan tâm đặc biệt đối với học trò.

Hơn 35 năm giảng dạy tiếng Nga cho biết bao thế hệ học trò, nhà giáo Lê Đức Mẫn được yêu mến bởi vì vốn kiến thức tiếng Nga chuyên sâu và kỹ năng giảng bài hấp dẫn. Ông từng đảm nhận vị trí Trưởng bộ môn dịch Khoa tiếng Nga, và sau đó vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Ở trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội cuối những năm 1960 từng có câu nói nổi tiếng về “Bộ tứ ” – 4 nhà giáo dục hàng đầu trong lĩnh vực tiếng Nga. Đó là “nhất Thống, nhì Khôi, tam Thư, tứ Mẫn”, tức là các thầy Trần Thống, Vũ Thế Khôi, Đinh Thư và Lê Đức Mẫn. Đến tận hôm nay, nhiều thế hệ học trò vẫn còn nhắc về “Bộ tứ” nổi tiếng này.

Hàng năm đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, có biết bao thế hệ học trò của thầy Mẫn trân trọng gửi lời chúc mừng, tri ân. Trong đó có nhiều học trò nay đã nghỉ hưu vẫn biết ơn về những kiến thức sâu rộng mà thầy đã truyền dạy, hay nhắc lại những vần thơ chứa chan tình cảm mà thầy dành tặng cho học trò thuở nào: “Học chữ cũng như làm giàu/ Nếu không cóp nhặt lấy đâu được nhiều”.

Có những vần thơ da diết vẫn được các học trò lưu chép lại và khóc thầm khi đọc lên: “Vĩ nhân hoá thân thành các con tem/ Các em hóa thân thành ra đất nước/ Thầy cũng hoá thân mỗi giờ mỗi phút/ Thành một phần tâm thức của từng em..”; hay “Tấm bằng này chỉ viết có tên em/ Tên thầy và đằng sau không ai nhìn rõ chữ/ Cốt sao em nên người, còn thầy thì khỏi sợ/ Hạnh phúc vốn lặng thầm, yêu lộ ở nơi tên…”.

Thầy giáo Mẫn viết nhiều thơ tặng học trò, nhất là trong những dịp gặp mặt, chia tay sinh viên tốt nghiệp. Đó không chỉ là thơ, mà là tình cảm chất chứa từ đáy lòng của thầy dành tặng cho sinh viên trước khi ra trường. Đó cũng là lời dặn dò, khuyên nhủ chân thành, như lời cha dặn con trước giờ rời ghế nhà trường.

Thấu hiểu tấm lòng của người thầy, các học trò đã thu thập những bài thơ thầy viết tặng và in thành tập thơ kỷ niệm, tri ân thầy. Nhà giáo ưu tú Lê Đức Mẫn cũng rất bất ngờ khi nhận được tập thơ in từ tay học trò. Đó dường như là món quà vô giá mà ông luôn trân trọng và gìn giữ trong suốt quãng đời dạy học.

Dịch giả được yêu mến

Ngồi chia sẻ một cách khiêm tốn về con đường dịch thuật, ông Mẫn kể lại những cơ duyên và những dấu mốc quan trọng trong nghề. Vốn không được ra nước ngoài đào tạo bài bản như nhiều dịch giả khác, ông tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Nga ở trong nước. Song với tình yêu tiếng Nga mãnh liệt, mà ông gọi là “tình yêu đơn phương”, cùng với tinh thần lao động không biết mệt mỏi, ông Mẫn được xếp vào danh sách các dịch giả tiếng Nga nổi tiếng ở Việt Nam trước đây và hiện nay.

Ông nói, việc một dịch giả không chuyên như ông có thể “chen chân” vào nhóm dịch thuật tiếng Nga, bao gồm những tên tuổi lớn như Hoàng Thuý Toàn, Vũ Thế Khôi, …là điều ông chưa bao giờ nghĩ đến. Ngoài công việc chính là giảng dạy tiếng Nga tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, dịch thuật đến với ông như một cơ duyên, hay đúng hơn là hữu duyên.

Ông tâm niệm rằng: “Tình yêu sinh ra phương pháp làm việc. Phương pháp dẫn đến kết quả”. Với ông, “tình yêu ngôn ngữ là tự thân”, “là tình yêu đơn phương, chân thật”. Tình yêu đó dẫn ông đến với con đường dịch thuật.

Ít người biết rằng, ông từng dành hơn 15 năm ngồi đọc sách, nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Nga ở các thư viện của Hà Nội, nhất là thư viện ở phố Lý Thường Kiệt, nơi ông có thể tìm được nhiều tư liệu hay và có dịp cùng trao đổi với các đồng nghiệp khác.

Trong nghề dịch thuật, ông Lê Đức Mẫn được biết là người cẩn trọng, trau chuốt từng câu chữ, cố gắng tìm đến “cái hồn” của nguyên bản và vận dụng hết “nội lực” của tiếng mẹ đẻ để truyền đạt. Với ông, để chuyển ngữ được một tác phẩm, người dịch phải có đủ 4 yếu tố: Trình độ ngoại ngữ, sự am hiểu tiếng mẹ đẻ, nền tảng văn hóa và kỹ năng nghề dịch. Thiếu một trong bốn yếu tố đó thì khó có một tác phẩm dịch thành công.

Với ông, dịch không chỉ đúng, mà cần dịch hay. “Đó là món ngon gia truyền mà một đầu bếp sành mới làm được. Các bản dịch của tôi là một thứ gia truyền, nó là tinh tuý được rút ra từ cả cuộc đời”.

Một trong những tác phẩm dịch thành công đầu tiên được ông rất tâm đắc là cuốn “Những người thích đùa” của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nexin (dịch từ bản tiếng Nga với Thái Hà). Tác phẩm này ra đời năm 1978 đã gây tiếng vang lớn trong giới dịch thuật Việt Nam và được các nhà in tái bản nhiều lần. Tác phẩm cũng góp phần đánh dấu bước ngoặt lớn đưa ông vào danh sách các dịch giả nổi tiếng về văn học nước ngoài.

Với bề dày kiến thức và kinh nghiệm dịch thuật, hơn 20 năm ông làm Trưởng bộ môn dịch thuật khoa tiếng Nga tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Ngoài ra, dịch giả Lê Đức Mẫn còn là Phó Giám đốc Trung tâm dịch thuật của trường, chủ nhiệm câu lạc bộ dịch thuật, với nhiều dịch giả lớn trong cả nước như: Vũ Ðình Liên, Phạm Mạnh Hùng, Phan Ngọc, Phan Văn Các, Hoàng Thúy Toàn…

Dịch giả Lê Đức Mẫn (thứ hai từ trái sang) cùng các dịch giả Việt Nam được Nhà nước Kazakhstan vinh danh. (Ảnh: Minh Tuấn)

Dịch giả Lê Đức Mẫn (thứ hai từ trái sang) cùng các dịch giả Việt Nam được Nhà nước Kazakhstan vinh danh. (Ảnh: Minh Tuấn)

Cho đến nay, dịch giả Lê Đức Mẫn đã biên dịch hơn 40 tác phẩm văn học Nga sang tiếng Việt. Trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng, như Trường ca “Ác quỷ” (Mikhail Lermontov), “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” (Boris Vasilyev); “Những người thích đùa” (Azit Nexin), “Giáo đoàn nhà thờ” (Nikolai Leskov), cùng hàng trăm bài thơ của A.Pushkin và nhiều tác giả khác.

Mặc dù tuổi tác đã cao, ông vẫn được tín nhiệm bầu làm Phó giám đốc Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam - Nga, vẫn tiếp tục trực tiếp dịch và tổ chức dịch các tác phẩm văn học Nga trong Dự án dịch thuật xuất bản Việt Nam - Nga.

Năm 2017, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng trong lĩnh vực dịch thuật của dịch giả Lê Đức Mẫn, với tác phẩm “Khổ vì trí tuệ” của tác giả người Nga Aleksandr Griboedov (1795 - 1829).

Ở tuổi 80, dịch giả Lê Đức Mẫn vẫn say mê dịch thuật và cho ra đời những tác phẩm mới. Năm 2021, ông và các dịch giả Đoàn Danh Nghiệp, Hoàng Thuý Toàn được Đại sứ quán Kazakhstan tại Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương và Thư cảm ơn của Bộ trưởng Văn hoá Kazakhstan vì những đóng góp to lớn trong việc quảng bá tác phẩm văn học tại Việt Nam, sau khi hoàn thành và giới thiệu cuốn sách dịch “Những lời răn của Abai”.

Tình yêu lớn với thơ ca

Sinh ra trong một gia đình nhà nho, ông Mẫn là người thích đọc văn thơ từ thuở bé. Từ khi 6 tuổi, ông thường được nghe cha và các bậc tiền bối luận bàn về văn chương, chính trị. Những tác phẩm văn chương lớn như “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc”, ... đã để lại trong ông nhiều ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp ngôn ngữ văn chương, và hun đúc trong ông niềm say mê thơ văn.

Thuở nhỏ, ông Mẫn thường chép lại thơ vào quyển sổ từ các cuốn sách hay trên báo mà cha ông đọc. Mỗi ngày giở ra đọc, ông thuộc từng đoạn, từng câu, và cảm nhận được vẻ đẹp của thi ca, và bắt đầu làm thơ. Ông biết làm thơ theo thể Đường luật từ năm 11 tuổi. Đó là những tác phẩm thơ đầu đời mà ông rất thích và vẫn lưu giữ đến hôm nay. Thời niên thiếu, ông bắt đầu học tiếng Pháp ở Hà Nội. Ông thích đọc và nghiên cứu ngoại ngữ và không ngừng làm giàu tri thức của mình. Sau thời gian rèn luyện, ông đã có thể đọc thi ca, văn học Pháp bằng nguyên bản.

Cùng với đó, ông hoạt động phong trào đoàn thể ở trường phổ thông, tích cực và đạt thành tích học tập cao ở Hà Nội. Một kỉ niệm đáng nhớ nhất của ông là nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/1956, ông cùng nhiều bạn bè được đến Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ.

Nhà giáo ưu tú Lê Đức Mẫn phát biểu trong một sự kiện văn hoá, giáo dục năm 2020. (Ảnh: Minh Tuấn)

Nhà giáo ưu tú Lê Đức Mẫn phát biểu trong một sự kiện văn hoá, giáo dục năm 2020. (Ảnh: Minh Tuấn)

Nói về con đường đến với thơ văn, ông cho rằng có 2 “cơ duyên” dẫn lối. “Đó là tình yêu ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ (Tiếng Việt) dẫn tôi đến tình yêu thơ văn. Và tình yêu ngoại ngữ tiếp tục dẫn tôi đến tình yêu thơ văn”.

Ở Lê Đức Mẫn, con người thi ca hoà quyện vào trong đời sống, công việc và lao động. Vậy nên, trong giáo dục ông dùng thơ ca để giảng dạy cho học trò. Trong nghề dịch, ông chuyển ngữ tinh tế, đến mê hoặc nhiều bài thơ tiếng Nga của các tác giả kinh điển.

Trong những năm học đại học (1960-1964), Lê Đức Mẫn say mê sáng tác, không ngừng học hỏi. Ông bắt đầu dịch tuyển tập thơ của “Mặt trời thi ca Nga” A.Puskin, sau đó dịch một số tác phẩm của M.Lermontov. Trường ca “Ác quỷ” của Lermontov dài 1.000 câu là tác phẩm dịch thành công của nhà thơ, dịch giả Lê Đức Mẫn. Gần đây là tác phẩm “Khổ vì trí tuệ” của Aleksandr Griboedov (1795 - 1829) dài 5.000 câu thơ, với rất nhiều ngữ cảnh và cảm xúc tâm lý khác nhau, đã khẳng định tài năng thơ ca của ông.

Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả Lê Đức Mẫn thường xuyên tham gia sáng tác và trao đổi văn chương trên các diễn đàn xã hội. Thơ của ông mộc mạc, chân thành và sâu sắc. Trong bài thơ “Thăm đền thờ Chu Văn An”, ông viết: “Cũng là núi, cũng cheo leo/ Mà chân bước mãi, càng trèo càng xa/ Gần vì Cụ giữa tim ta/ Mà xa – gương Cụ bao la thế nào”.

Quả thực, vốn am hiểu văn hoá, tâm hồn thi sĩ nhạy cảm, lãng mạn, tinh thần lao động không biết mệt mỏi đã tạo nên một Lê Đức Mẫn luôn trân trọng vẻ đẹp và nâng niu ngôn ngữ tiếng Việt. Trong ông hội tụ một cách đồng điệu ba con người tài năng – nhà giáo, nhà thơ và dịch giả.

Minh Tuấn