Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hy vọng về thực hiện tự chủ đại học

02/02/2014 07:24
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - “Tôi tán thành với ý kiến Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tự chủ phải đi đôi với trách nhiệm cao trước xã hội”.

GS. Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có đôi lời chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhân đón chào năm mới 2014. Trong bài phỏng vấn dành riêng cho chúng tôi, Chủ tịch Trần Hồng Quân nêu quan điểm: Nền Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp của ta so với yêu cầu của đất nước trong bối cảnh hội nhập là đang thật sự lạc hậu về cả quy mô, cả chất lượng, cả cấu trúc và năng lực của hệ thống. Nhưng không phải quá khó khắc phục.

PV: Thưa Giáo sư, năm 2013 đã qua, một năm đánh dấu nhiều sự kiện giáo dục quan trọng của đất nước như Luật giáo dục đại học có hiệu lực, ban hành Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, hai kỳ thi quốc gia quan trọng... Giáo sư tâm đắc với sự kiện nào nhất, vì sao?

GS. Trần Hồng Quân: Tôi tâm đắc nhất trong các sự kiện đó là sự ra đời NQ TƯ 8 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. NQ này có nhiều tư duy  mới và đúng, nhiều giải pháp tốt và khả thi. 

GS. Trần Hồng Quân. Ảnh Xuân Trung
GS. Trần Hồng Quân. Ảnh Xuân Trung

Tuy trước đây ta cũng có nhiều văn kiện hay nhưng ít khi triển khai thực hiện đến nơi đến chốn. Hy vọng lần này với sự quyết tâm của cấp cao và toàn hệ thống, cộng thêm áp lực của nhu cầu tồn vong và phát triển đất nước, nghị quyết lần này sẽ được thực hiện tốt hơn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nền giáo dục nước nhà.

Đã nhiều năm làm công tác quản lí ngành giáo dục và đào tạo, Giáo sư suy nghĩ gì về Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp ở thời điểm hiện tại và hướng tới tương lai?

GS. Trần Hồng Quân: Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp là khâu cuối cùng của quá trình giáo dục, là bộ phận trực tiếp góp phần quan trọng nhất để xây dựng sức mạnh trí tuệ và nguồn lực lao động của đất nước. Ta chưa làm tròn vai trò và sứ mạng đó. Nước ta không nhỏ mà yếu vì chậm phát triển. Dân số ta đông và tương đối trẻ nhưng lực lượng lao động ta không mạnh. Dân ta thông minh nhưng ít chuyên gia giỏi. Ta đào tạo không ít nhưng chất lượng không cao.

Nền Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp của ta so với yêu cầu của đất nước trong bối cảnh hội nhập là đang thật sự lạc hậu về cả quy mô, cả chất lượng, cả cấu trúc và năng lực của hệ thống. Nhưng không phải quá khó khắc phục. Trước hết là phải khắc phục sự lạc hậu về tư duy quản lý, về cơ chế điều hành. Với những biểu hiện gần đây , chúng ta có thể hy vọng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng đã khẳng định trong bài trả lời phóng vấn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, “Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp sẽ chuyển sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội và nhu cầu của thị trường lao động; sẽ tiến tới thực hiện cơ chế đặt hàng trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng của một số loại hình dịch vụ đào tạo. Các cơ sở Giáo dục đại học sẽ được trao quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm cao”. Giáo sư nghĩ sao về chủ trương này?

GS. Trần Hồng Quân: Cơ chế đặt hàng là tốt, trước hết liên quan đến việc sử dụng ngân sách nhà nước. Nhà nước không bao cấp tràn lan mà chỉ rót tiền về các trường theo sinh viên thuộc diện đặt hàng. Cơ chế này không phân biệt đối xử giữa trường công và trường tư, nơi nào có ngành nghề phù hợp và bảo đảm chất lượng thì nhà nước đặt hàng. Đương nhiên giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp không chỉ và không phải chủ yếu đào tạo theo đặt hàng của nhà nước, bằng ngân sách nhà nước.

Còn vấn đề tự chủ, tôi hoan nghênh ý kiến của BT Phạm Vũ Luận. Tôi quan niệm tự chủ là thuộc tính của các cơ sở GD ĐH. Có tự chủ mới năng động sáng tạo được. Đối với GD ĐH, nhà nước chỉ cần định hướng và xây dựng hệ thống pháp luật và pháp quy, tạo một hành lang thật rộng rãi để các trường hoạt động không thấy gò bó. Hoàn toàn không cần "cầm tay chỉ việc", không nên duy trì cơ chế "xin- cho". Tôi tán thành với BT:  tự chủ phải đi đôi với trách nhiệm cao trước xã hội.

Trong năm 2014 này, Giáo sư kỳ vọng gì ở sự nghiệp Giáo dục đại học ngoài công lập nói riêng và hệ thống Giáo dục đại học nói chung, khi chúng ta sẽ triệt để thực hiện quyền tự chủ? 

GS. Trần Hồng Quân: Dù là thực hiện trao quyền tự chủ thật sự cho các trường ĐH sẽ tạo ra sinh khí mới cho nền ĐH nhưng tôi không nghĩ rằng năm 2014 có thể thực hiện triệt để.  Nếu thông suốt trong tư duy, có quyết tâm thực hiện thì ta có thể triển khai nhanh nhất ở mức có thể. Trong năm 2014 có thể làm được một số việc thiết thực đang bức xúc. Xét về mặt tự chủ, các trường công còn bị gò bó hơn các trường tư, mà đây lại là đa số.

Là cơ quan có vai trò  phản biện chính sách giáo dục, trong thời gian tới và năm 2014 Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập sẽ có phương hướng phản biện như thế nào để góp ý cho nhiều chủ trương, chính sách ngành giáo dục sát với thực tế hơn?

GS. Trần Hồng Quân: Năm 2014 Hiệp Hội trước hết tập trung nghiên cứu quán triệt NQ TƯ 8 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, tham gia góp ý tìm các giải pháp triển khai thực hiện với tất cả tâm huyết và sự sốt ruột nóng lòng.

Hiệp Hội cùng với Bộ GD và ĐT tiến hành tổng kết 20 năm GD ĐH ngoài công lập, quan trọng nhất là phân tích đánh giá các mô hình, chỉ ra các điểm tốt và chưa tốt trong hệ thống chính sách của nhà nước để kiến nghị phát huy hoặc bổ khuyết. Mặt khác cũng cố gắng góp phần làm cho xã hội nhận thức tầm quan trọng chiến lược của chủ trương xã hội hoá GD của Đảng và Nhà nước.

Khép lại năm cũ, năm Giáp Ngọ đã đến, Giáo sư sẽ nói điều gì với ngành giáo dục, với các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam?

GS. Trần Hồng Quân: Xét về  số lượng, các trường ĐH và CĐ NCL mới chiếm khoảng 1/6. Xét về tỷ lệ sinh viên, mới chiếm khoảng 1/7. Xét về cơ sở vật chất, cũng có một số trường cũng tương đối khang trang đàng hoàng, nhưng phần lớn còn khó khăn. 

Xét về chất lượng, có một số trường thuộc lớp  trên, nhiều trường thuộc lớp giữa và lớp dưới. Nói chung, các trường này rất ít được sự hỗ trợ của nhà nước  mà sự trông chờ trước hết là về cơ chế, chính sách. 

Mong rằng các trường coi bối cảnh hiện nay là điều kiện biên của bài toán mà lời giải cần tìm là các giải pháp thích nghi để tồn tại và phát triển, góp phần tăng cường tiềm lực và xây dựng mô hình tốt cho nền đại học nước nhà.

Riêng với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi rất có ấn tượng về sự trưởng thành nhanh chóng của Báo. Nhiều nội dung tốt, hấp dẫn đối với nhiều đối tượng độc giả kể cả các nhà khoa học, nhà giáo dục, các chính khách. Trong sự định hướng chung, báo luôn  theo sát các lĩnh vực được coi là nhạy cảm nhưng nhân dân đặc biệt quan tâm. 

Riêng về giáo dục, càng ngày càng có nhiều bài tốt hơn phản ảnh tình hình và góp phần thiết thực tham mưu, phản biện hoặc cổ vũ thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng và nhà nước. Báo đang làm tốt vai trò là tiếng nói của Hiệp hội các trường ĐH và CĐ NCL.

Xin chúc quý bạn đọc một năm mới có rất nhiều niềm vui.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư, chúc Giáo sư một năm mới sức khỏe. 
Xuân Trung (thực hiện)