Nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm: 'HS không biết Thủ đô là tội của thầy'

19/12/2012 13:53
Xuân Trung
(GDVN) - GS. TSKH Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, NCV.GV Viện nghiên cứu Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, mọi kiến thức của học sinh mà không đạt về nguyên lí là lỗi của người thầy.
Những vấn đề về kiến thức của học sinh tiểu học vừa qua được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh đã nhận được nhiều ý kiến từ các nhà chuyên môn. Là nhà sư phạm lâu năm, từng làm quản lí, từng đi dạy học hơn ai hết, GS. TSKH Đinh Quang Báo hiểu rõ được nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sư phạm ngày một kém như hiện nay. 
Trước hết, những vấn đề rất đơn giản từ cuộc sống mà học sinh vẫn không biết hoặc mù mờ là điều không bình thường. Về nguyên lí, những cái gì của trò không đạt đều phải từ người thầy, dẫn chứng lời một nhà sư phạm của Hoa Kỳ cách đây không lâu, GS Đinh Quang Báo cho biết, nếu học trò khiếm khuyết chỗ nào thì không được đổ tội cho học trò mà người thầy phải chịu tất.
GS. TSKH Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, NCV.GV Viện nghiên cứu Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, mọi kiến thức của học sinh mà không đạt về nguyên lí là lỗi của người thầy. Ảnh Xuân Trung
GS. TSKH Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, NCV.GV Viện nghiên cứu Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, mọi kiến thức của học sinh mà không đạt về nguyên lí là lỗi của người thầy. Ảnh Xuân Trung
Những vấn đề đơn giản như lịch sử của trường thì các thầy cô chính ngôi trường đó phải nắm rõ nhất, có thể giáo trình trường sư phạm khi đào tạo ra các thầy cô không có yếu tố đó, nhưng những vấn đề đó chẳng phải trường sư phạm mà học sinh tốt nghiệp phổ thông cũng phải biết. Trước đó, trong một đoạn clip do phóng viên ghi lại một học sinh của Hà Nội khi được hỏi về lịch sử của trường, về nhân vật được trường lấy tên, em đều không biết.
GS Đinh Quang Báo chỉ ra rằng, có thể học trò không chịu học hoặc có học nhưng nước đổ đầu vịt. Nhưng cái tội này vẫn ở phương pháp của người thầy, không làm cho học sinh hứng thú với những điều được học, giáo viên dạy xong không đọng lại điều gì cho học trò. Không đưa kiến thức trở thành một giá trị cho người học, đã không có giá trị cũng giống như người uống thuốc nhưng không hấp thụ. 
Những nguyên nhân nữa được GS Đinh Quang Báo chỉ ra là, thầy có biết nhưng không dạy vì trong sách giáo khoa không có. Nhưng cho dù chương trình không có đi nữa nhưng trong quá trình dạy thầy giáo phải chủ động thiết kế ra những hoạt động ngoại khóa, cho học sinh tự tìm hiểu lịch sử đất nước và địa phương. 

Mặt khác, cũng có những lí do khách quan được GS Báo nhận định, có thể những kiến thức tưởng chừng như đơn giản quá nên giáo viên không để ý nên không dạy, những thứ cần thiết cho đứa trẻ ở môi trường tự nhiên, đời sống lại không dạy mà lại rất thích ra những bài toán thật khó để mong học sinh tìm đến học thêm…

“Chúng ta thấy rằng giáo viên hiện nay rất máy móc, không năng động sáng tạo, bảo gì làm đấy, đó có thể làm khiếm khuyết của trường sư phạm khi đào tạo giáo viên. Hiện nay giáo viên thường dạy những thứ quá cao xa, không gắn với thực tiễn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chuyện này như thi cử, kiểm tra” nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm thẳng thắn. 

Từ những nguyên nhân được vạch ra ở trên, GS Báo cho rằng ắt hẳn phải có một nguyên nhân mang tầm vĩ mô, vĩ mô ở chỗ cách dạy ở trường phổ thông hiện nay là hàn lâm, do nhà trường ở phổ thông yêu cầu phải hàn lâm, thi cử cũng yêu cầu theo kiểu hàn lâm, sinh viên được đào tạo ở trường sư phạm cũng theo cách hàn lâm. Do vậy, căn bệnh vĩ mô phổ biến này như một thứ trầm kha mà trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục có khía cạnh này. 

“Do vậy, chúng ta phải cải tổ mục tiêu giáo dục. Ở đây, đi tìm nguyên nhân rất khó để cắt nghĩa vì trường sư phạm đào tạo cả một chuỗi, phản ứng Domino ấy xuất phát từ con bài nào, có phải do trường sư phạm đào tạo giáo viên như thế nên bậc phổ thông mới như thế, cho nên học trò mới như thế? Cú hích cho phản ứng dây truyền kém đó nằm ở đâu thì chưa rõ”, GS Báo nói.

Tuy nhiên, theo suy nghĩ chủ quan của GS Đinh Quang Báo thì, xuất phát từ mục tiêu giáo dục phổ thông, mục tiêu này được đánh giá theo cách không phù hợp dẫn đến phụ huynh đuổi theo mục tiêu ấy là học thêm, theo đó học sinh cũng phải chạy theo, ngay cả bản thân giáo viên cũng biết nhưng vì đáp ứng yêu cầu của khách hàng nên…?

Nhưng ở tầm vĩ mô hơn, theo GS Báo có xuất phát từ việc quản lí đánh giá giáo dục: “Tôi tin rằng sẽ phải có một thước đo học trò, thước đo thế nào thì người học phải theo thước đo ấy, phụ huynh phấn đấu cho con mình theo thước đo ấy - đo một giá trị. Nếu thước đo này thay đổi thì sẽ làm rung chuyển tất cả, trường sư phạm phải thay đổi để cho sinh viên ra có một giá trị khác…” GS Báo tin tưởng.

Trong những năm qua, khách quan để nói yếu tố trình độ chuyên môn của các nhà sư phạm đang một ngày yếu hơn. Nguyên nhân cũng đã nói nhiều và chủ yếu vẫn là đầu vào của các trường sư phạm ngày một thấp, phương pháp và chương trình đào tạo có tác động nhất định, tuy nhiên không làm thay đổi sản phẩm của đào tạo ấy.

GS Đinh Quang Báo chia sẻ, còn nhớ một thời hoàng kim của hệ thống sư phạm, trong đó có trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Đó là vào những năm 1996-1997 khi đầu vào của trường gần như nhất nước, muốn vào khoa Toán phải đạt 27 điểm (3 điểm 9), thời đó 3 điểm 9 đối với  một giảng viên đại học còn khó huống chi là học sinh. Do vậy, những lớp sinh viên này không cần đào tạo vẫn giỏi. Vì sao thời đó lại hoàng kim? Chúng ta nhớ lại học sư phạm thời điểm đó được miễn học phí, ngoài ra người học nhìn thấy tương lai của mình sau khi ra trường. 

“Đầu vào thời đó cao nhưng đầu ra lại kiếm được việc làm, không như bây giờ dư thừa giáo viên, lương thấp.  Nhưng nếu lương thấp mà có việc làm thì tạm chấp nhận, đằng này kiếm được vị trí để hưởng lương thấp đó cực kì khó” GS Báo chia sẻ.

Trở lại câu chuyện trên, từ việc năng lực chuyên môn của số đông giáo viên thấp dẫn tới tình trạng trò cũng không có gì khá hơn. Xuất phát từ bài toán đầu vào, nhưng muốn nâng cao đầu vào các trường sư phạm, theo GS Đinh Quang Báo cần giải quyết một cách hệ thống, chứ không thể muốn là có thể tuyển đầu vào cao ngay được, làm như vậy là duy ý chí. 

“Về hệ thống quy trình sản xuất đầu vào quyết định đầu ra nhưng đầu vào có nhiều yếu tố, có nguyên liệu có công nghệ để tác động. Không có chuyện bột mỳ mốc mà cho ra bánh ngon được. Nhưng trong sư phạm đầu ra lại quyết định đầu vào, nếu đầu ra có việc làm, nhìn thấy học xong có tương lai, lương cao thì ắt nguyên liệu sẽ đổ xô vào”, GS Báo ví von về việc nâng cao chất lượng sinh viên các trường sư phạm hiện nay.

Để khắc phục vấn đề này cần nhiều giải pháp, trong đó có vĩ mô cho việc đãi ngộ với giáo viên, thiết kế chương trình đào tạo phải thay đổi. Từ đó mới nghĩ tới vi mô, các trường sư phạm phải đổi mới đào tạo, nhất là việc quản lí tại các cơ sở giáo dục phổ thông cần được đổi mới.

Suy cho cùng, cái trước mắt có thể do giáo viên kém, nhưng nguyên nhân vì đâu giáo viên kém lại ở chỗ khác. Triệu trứng lâm sàng này theo GS Đinh Quang Báo  không thể biết hết được. 
Xuân Trung