"Nhà rùa học" bàn chuyện GV ĐH Kiến trúc quỳ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám

09/08/2012 06:04
Bích Thảo (Thực hiện)
(GDVN) - Khi nhìn những bức ảnh trèo đầu, cưỡi cổ cụ Rùa, "nhà rùa học" PGS.TS Hà Đình Đức đã phải thốt lên rằng: "Khi tôi xem những hình ảnh ấy thấy vô cùng sốc, các bạn trẻ đó thật là thiếu văn hóa, không thể chấp nhận được".
Hình ảnh cụ Rùa bị trèo đầu cưỡi cổ ở khắp các di tích trên cả nước thời gian qua đã gây rất nhiều bức xúc trong dư luận. Để mổ xẻ những hành động "bất thường" của một số bạn trẻ ấy, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu văn hóa - "nhà rùa học" Hà Đình Đức.
"Nhà rùa học" Hà Đình Đức quá sốc khi nhìn các bạn trẻ trèo đầu cụ rùa
"Nhà rùa học" Hà Đình Đức quá sốc khi nhìn các bạn trẻ trèo đầu cụ rùa

Trèo đầu, cưỡi cổ cụ rùa là vô văn hóa

- Thưa PGS.TS Hà Đình Đức, là một người tâm huyết với việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa, đặc biệt là có nhiều năm nghiên cứu về cụ rùa, ông có cảm nghĩ gì khi nhìn những bức ảnh các bạn học sinh, sinh viên trèo lên đầu cụ rùa ở các khu di tích?

PGS.TS Hà Đình Đức:
Khi tôi xem những hình ảnh đó tôi thấy vô cùng sốc, các bạn trẻ này thật là thiếu văn hóa, không thể chấp nhận được. 
Đã có quy định ngăn cấm, nhắc nhở rồi mà các bạn học sinh, sinh viên vẫn còn đứng trên đầu rùa thì thật là một hình ảnh vô văn hóa, rất phản cảm. Tôi nghĩ cần phải có một quy chế, hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn để đủ sức răn đe. Phải nói thẳng là họ chẳng có chút hiểu biết gì về văn hóa cả, sự quan tâm của gia đình đến các cháu không đúng mức. Rồi cũng bởi tính hiếu kì muốn chơi trội, hơn người của các bạn trẻ mà không hiểu rằng hành động đó là phản văn hóa.
Thưa ông, hình ảnh rùa mang ý nghĩa như thế nào trong đời sống tinh thần của người Việt?
PGS.TS Hà Đình Đức: Trước tiên, rùa là một trong bốn tứ linh được thờ phụng trong văn hóa Việt Nam: Long là rồng không có thật, Li cũng không có thật, Quy là rùa hiện hữu trong đời sống, Phượng là phượng hoàng chim quý. Rùa biểu hiện cho sự cao quý, trường tồn với sức sống lâu dài. Rùa còn xuất hiện trong văn hóa "Đẻ đất, đẻ nước" của người Mường: Vòm trời là cái mai. Đất là cái yếm, đồng thời cũng dạy cho chúng ta biết cách làm nhà. Trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, rùa thường đội các tấm bia rất cổ, quý và giá trị. Ví dụ rùa đội tấm bia Vĩnh Lăng ghi lại cả một giai đoạn lịch sử của nhân dân ta. Ở Văn Miếu rùa được đội các tấm bia ghi người đỗ đạt ở các khoa thi có lịch sử hơn 500 năm và được thế giới công nhận là di sản văn hóa cần được bảo vệ.
Người dân sờ đầu rùa ngày càng nhiều, nhất là vào những mùa thi cử, vậy ông có lí giải gì cho việc làm này?

PGS.TS Hà Đình Đức: Ngày xưa, ở đền Ngọc Sơn thờ Văn Xươg Đế Quân trông nom việc giữ gìn văn chương nên ngày trước nhiều sĩ tử trước ngày thi vào đền thắp hương hoặc ngủ lại để mong thần mách cách làm bài thi.
Tôi cũng nghe nói về việc sờ đầu rùa để lấy lộc từ lâu rồi. Nhưng trước đây số trường học rất ít nên việc sờ đầu rùa cũng không có mấy. Càng ngày càng có nhiều trường học mở ra nên số lượng người vào sờ đầu rùa rất đông. Nhân dân ta có câu rằng “Nước chảy đá mòn”, sờ nhiều di sản quý của quốc gia cũng sẽ mòn đi theo năm tháng.
Đừng ảo tưởng rùa sẽ cứu vớt sự lười biếng
Thưa ông việc sờ đầu rùa có thực sự đem lại lợi ích, đỗ đạt cho các sĩ tử hay không?

PGS.TS Hà Đình Đức: Tôi nghĩ rằng không có thực lực thì không thể nào tăng thêm kiến thức cho các bạn sĩ tử được. Việc vào Văn Miếu thắp nén nhang cầu khấn có thể tăng thêm lòng tin nhưng không thể ảo tưởng rằng cứ sờ đầu rùa thì không học hành chăm chỉ vẫn đỗ đạt được, rùa không thể cứu vớt được sự lười biếng của bất kì ai cả.
Ngoài thờ Khổng Tử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn thờ Chu Văn An - người thầy đầu tiên của chúng ta. Khi đến thắp hương, chắp tay bái vọng là tốt, chứ việc xoa, sờ ảnh hưởng đến các di tích thì rất không nên. Thực tế mà nói trước đây không ai ngăn cấm, sau này vì có quá nhiều người làm như vậy nên nếu cứ để thoải mái thì sẽ gây ra hỗn loạn, mất trật tự. Nếu chúng ta không bảo quản tốt thì các công trình văn hóa sẽ bị mài mòn, hư hỏng và xuất hiện những hình ảnh phản cảm như vừa rồi.
Bức ảnh gây xôn xao dư luận
Bức ảnh gây xôn xao dư luận

- Ông cũng đã xem bức ảnh của họa sĩ Phạm Huy Thông, giảng viên Trường ĐH Kiến Trúc quỳ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và để bảng chữ "Xin đừng sờ đầu rùa" trên lưng. Vậy ông có ý kiến gì về hành động này? 
PGS.TS Hà Đình Đức: Tôi cho rằng việc làm ấy có thể chấp nhận được để tuyên truyền, cảnh báo cho giới trẻ về ý thức cộng đồng, nhưng không nhất thiết phải làm như thế. Trách nhiệm giáo dục ý thức thuộc về các thầy cô, gia đình và toàn xã hội. Không cần thiết phải quỳ như vậy. Vì hình ảnh đó thoáng qua thôi, sẽ không có tác động nhiều đến ý thức của các bạn trẻ khác.
- Theo ông việc quản lí và quy định đã chặt chẽ để đủ sức cảnh báo giới trẻ hay chưa?
PGS.TS Hà Đình Đức: Vấn đề là ý thức của khách chứ không thể đổ hết trách nhiệm cho ban quản lí di tích được. Ví dụ như tìm được địa chỉ của các bạn trẻ đó và đưa về địa phương, trường học giáo dục. Tuy nhiên, cũng không nên có hình phạt đao to búa lớn vì sẽ chẳng giải quyết được gì cả, cái chính là phải thay đổi nhận thức của các bạn trẻ.Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Bích Thảo (Thực hiện)