Nhà văn Nguyên Ngọc: 'Muốn vào trường tôi, đừng học thuộc lòng'

20/03/2013 07:48
Ngọc Quang
(GDVN) - "Tôi có một niềm tin rằng người nào cũng có một điểm gì đấy giỏi, không ai là hoàn toàn tăm tối. Ngay trong tuyển sinh, nên cố gắng làm sao thăm dò khả năng giỏi nào đó của từng em, để giúp các em lên đường phát triển. Vì hạnh phúc của chính em, và vì xã hội".
Với cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Phan Châu Trinh (Hội An, Quảng Nam), nhà văn Nguyên Ngọc đã dành cho Giaoduc.net.vn cuộc phỏng vấn xoay quanh đề án tuyển sinh mới được cho là đột phá của trường. 
- Thưa nhà văn Nguyên Ngọc, vì sao ĐH Phan Châu Trinh lại chọn 5 tiêu chí này để tuyển sinh mà không phải là các tiêu chí khác?

Xây dựng phương án tuyển sinh theo gợi ý và khuyến khích của Bộ trưởng, chúng tôi cố gắng tìm một lối làm hợp lý, khả thi, hiệu quả nhất, đồng thời chú ý đến tình hình rất cụ thể về nhiều mặt đang có ở ta nay.

Trước hết chúng tôi không thể hoàn toàn bỏ qua kết quả kỳ thi đại học có tính chất quốc gia. Đơn giản vì kỳ thi ấy đang còn, ít nhất là cho đến năm nay, tất cả thí sinh năm nay đều phải dự kỳ thi này. Điểm thi của các em trong kỳ thi này cũng là một chỗ dựa nhất định để đánh giá. Chúng tôi coi đây là một tiêu chí, nhưng không phải là tiêu chí duy nhất. Và không loại ngay các em “dưới sàn”, vì dưới “sàn” chỗ này nhưng lại có thể trên “sàn” chỗ khác, mà chung ta còn nhiều “sàn” để đánh giá một người dự tuyển, có thể cũng quan trọng không kém.

Vả chăng cái “sàn” thi đại học cũng đã chứng tỏ không cò gì là đảm bảo thật chính xác. Nếu còn duy trì quan điểm “sàn” mà chỉ dùng có mỗi “sàn” này thôi thì sẽ không công bằng. Chúng tôi xác định giá trị của nó là 20% trong đánh giá.

Để hạn chế sự không đảm bảo công bằng nếu chỉ dựa vào kỳ thi ấy (khi nó vẫn còn) chúng tôi bổ sung thêm một số tiêu chí đánh giá khác.

Tiêu chí thứ hai của chúng tôi là điểm thi tốt nghiệp phổ thông. Cũng là thi, cũng là đánh giá, tại sao không coi là một tiêu chí để chọn.

Và tiêu chí thứ ba, có thể còn đáng tin cậy hơn, là điểm tổng kết ba năm trung học phổ thông. 

Và ở cả ba tiêu chí này, sẽ nhân hệ số hai cho môn chủ chốt đối với ngành người dự tuyển sẽ theo học. Tức là chọn có định hướng. Cũng là thêm một cách đảm bảo công bằng, vì tránh được trường hợp có em rớt ở môn không quan trọng trực tiếp đến ngành sẽ theo học trong khi giỏi ở môn cần thiết cho định hướng phát triển của mình hơn. 

Để tăng độ tin cậy hơn, chúng tôi thêm hai bước, hai tiêu chí: Một cuộc kiểm tra tư duy và một cuộc phỏng vấn trực tiếp.

Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Châu Trinh.
Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Châu Trinh.

- Kết quả phỏng vấn trực tiếp của Hội đồng tuyển sinh ĐH Phan Châu Trinh về kiến thức tổng hợp, thái độ, kỹ năng, hành vi, sở thích... của thí sinh. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn, vì đây là một phần thi mở, và rất nhiều thí sinh quan tâm?

Về điều này xin được nói rõ: chúng tôi không chú trọng kiểm tra kiến thức. Chúng tôi quan niệm kiến thức phải được biến thành tư duy. Sẽ có những câu hỏi nhằm thăm dò xem các em đã “tiêu hóa” kiến thức được học ra sao, một biểu hiện tiêu hóa nhuần nhuyễn sẽ được đánh giá cao hơn. Xin nhắc: các em chớ nên học thuộc lòng. Hiểu vấn đề và nói, chỉ cần thế. Cũng sẽ có những câu hỏi, hoặc trao đổi để thăm dò tố chất cho những ngành học mà các em sẽ theo.

Chúng tôi sẽ công bố một hội đồng cho hai bước tuyển này, tôi nghĩ sẽ là một hội đồng có nhiều kinh nghiệm và thân thiện.
- Thưa ông, trên thực tế thì xét tuyển các môn thi tốt nghiệp + học bạ chiếm 40%, tuy nhiên rất nhiều môn học phổ thông hiện nay đang bị cho là thừa thãi kiến thức, thậm chí có những phần học, học xong cũng không áp dụng vào cuộc sống. Vậy thì kết quả này chưa chắc đã phản ánh thực chất năng lực của thí sinh khi các em học 1 chuyên ngành, thưa ông?

Đây có thể đúng là một thực tế hiện nay. Và tôi nghĩ không chỉ trong chuyện thi tốt nghiệp phổ thông và điểm học bạ. Ngay cả trong thi đại học như hiện nay thí sinh thật độc lập tư duy và không chịu học thuộc lòng chắc gì đã có kết quả cao. Chính vì thế mà phương án đã có những tiêu chí “mở” ngoài các mục điểm kia. Và ngay trong các mục ấy cũng có hệ số cho các môn mà người học sẽ muốn đeo đuổi.
- Trong 1 bài viết gần đây, ông có nói rằng kết quả thi tốt nghiệp có thể coi là "điểm sàn" rồi. Vậy tại sao trong 5 tiêu chí xét tuyển, ngoài điểm thi tốt nghiệp, ĐH Phan Châu Trinh vẫn đưa cả kết quả thi ba chung vào?

Như đã nói ở trên, đơn giản vì kỳ thi ấy vẫn còn! Chắc là cho đến khi Bộ chịu tâp trung sức giải quyết cho một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông đàng hoàng, chứ không phải cứ thả rông đầu ra ở phổ thông và ra sức chặn đầu vào đại học đến khốn khổ như hiện nay.

Xin chú ý, ở trên khi nói đến “sàn” tôi luôn để trong ngoặc kép. Có một cái “sàn” buộc người ta phải chui qua cho kỳ lọt là thi tốt nghiệp phổ thông rồi, sao còn giăng ra lắm “sàn” cản người ta học nữa? 

Cố gắng tìm một phương án hay trong tình hình cụ thể hiện nay, nhưng cũng là phương án bất dắc dĩ khi còn chưa được giải phóng khỏi bao điều vô lý. 
- Lâu nay, chúng ta không lạ gì tình trạng thi cử có nhiều tiêu cực, mà vụ việc ở trường Đồi Ngô năm trước là một thí dụ điển hình. Nhiều người lo ngại, kết quả thi tốt nghiệp phổ thông không phản ánh thực chất khả năng của các em. Và ngay cả kết quả học tập trong học bạ cũng rất có thể không phản ánh thực chất. Ông có chia sẻ gì trước những lo lắng này? 

Lo lắng ấy là chính đáng. Hôm nay chúng ta mới đang nói về chuyện vào đại học. Đúng ra chuyện này nằm trong chuyện lớn hơn là cả nền giáo dục, không thể giải quyết rốt ráo riêng mình nó, ngoài những vấn đề chung, lớn của cả nền giáo dục. Xin cho được nói trong một dịp khác.

Chính vì biết rõ những lo lắng ấy là có cơ sở nên phương án của chúng tôi đã cố dùng nhiều tiêu chí khác nhau để trong chừng mức có thể điều tiết lẫn nhau, cho một kết quả tương đối đáng tin cậy nhất.
Cuối cùng xin nói một điều, tôi có một niềm tin rằng người nào cũng có một điểm gì đấy giỏi, không ai là hoàn toàn tăm tối. Ngay trong tuyển sinh, nên cố gắng làm sao thăm dò khả năng giỏi nào đó của từng em, để giúp các em lên đường phát triển. Vì hạnh phúc của chính em, và vì xã hội. 

Trường Đại học Phan Châu Trinh phấn đấu vì điều đó.

- Xin cảm ơn nhà văn!

Ngọc Quang