Nhật Bản đưa nội dung giáo dục quê hương vào nhiều môn học

21/08/2016 06:00
Nguyễn Quốc Vương
(GDVN) - Nhật Bản đưa nội dung giáo dục quê hương vào nhiều môn học, đặc biệt người Nhật chú trọng tới trải nghiệm và mối quan tâm, hứng thú của học sinh.

LTS: Khi nhìn vào nội dung chương trình của các môn như Xã hội, Lịch sử, Địa lý, Kinh tế-chính trị trong trường phổ thông Nhật Bản hiện tại sẽ thấy một đặc điểm, quê hương là nội dung được đưa vào nhiều môn học, có vai trò quan trọng và trở thành xuất phát điểm của nhiều chủ đề học tập. 

Ngay ở các trường đại học, nghiên cứu địa phương (quê hương) cũng là một ngành học có sức hấp dẫn và kết quả của các nghiên cứu này cũng được ứng dụng ở ngay tại địa phương, thúc đẩy địa phương phát triển. 

Hôm nay, trong bài viết này, nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản) Nguyễn Quốc Vương nêu cụ thể nội dung và hiệu quả về giáo dục quê hương mà Nhật Bản đang thực hiện.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Lịch sử phong trào giáo dục quê hương

Không phải ngẫu nhiên mà giáo dục quê hương ở Nhật Bản hiện tại được chú trọng. Nhìn vào lịch sử phát triển của giáo dục Nhật Bản sẽ thấy điều này là kết quả của cả một quá trình lâu dài. 

Khởi nguồn của nó có thể thấy từ thời Minh Trị khi tác phẩm “Sách địa lý quê hương” được xuất bản năm 1880 (năm Minh Trị thứ 13). Tư duy về giáo dục quê hương mạnh dần lên và phát triển thành phong trào giáo dục vào những năm 30 của thế kỉ XX. 

Phong trào này diễn ra rộng khắp trên toàn quốc, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, có điều kiện kinh tế khó khăn như vùng Đông Bắc nước Nhật nhờ vào nỗ lực của các giáo viên tâm huyết với giáo dục.
 
Trong quá trình phát triển, phong trào giáo dục quê hương đã kết hợp với nhiều phong trào giáo dục khác như phong trào viết văn về đời sống, phong trào giáo dục dân chủ thời Taisho… tạo ra nhiều thực tiễn giáo dục phong phú. 

Tuy nhiên, khi phong trào phát triển đến đỉnh cao thì nó bị chính quyền phát xít đàn áp và tan rã. 

Quê hương là nội dung được đưa vào nhiều môn học ở Nhật Bản (Ảnh: Nguyễn Quốc Vương)
Quê hương là nội dung được đưa vào nhiều môn học ở Nhật Bản (Ảnh: Nguyễn Quốc Vương)

Sau năm 1945 khi cải cách giáo dục thời hậu chiến được tiến hành, những nội dung về quê hương lại được đưa vào chương trình giáo dục, đặc biệt trong môn Xã hội (Nghiên cứu xã hội). 

Nó phát triển mạnh mẽ và sôi nổi nhất là vào khoảng những năm 60-70 của thế kỉ XX khi sự phát triển cao độ của nền kinh tế Nhật Bản đã làm xảy ra hiện tượng “tập trung quá mức” dân số ở thành thị và “hoang phế hóa” ở nông thôn. 

Từ đó trở đi, giáo dục quê hương đã trở thành nội dung quan trọng trong các môn học như Đời sống, Xã hội, Lịch sử, Địa lý, Kinh tế-chính trị, Xã hội của Nhật Bản hiện đại. 

Nội dung và phương pháp “giáo dục quê hương”

Sau 1945, Nhật Bản áp dụng chế độ “sách giáo khoa kiểm định”, thừa nhận sự tồn tại đa dạng của các bộ sách giáo khoa và thực tiễn giáo dục của các giáo viên trên thực tế. 

Vì vậy, nội dung giáo dục ở các trường do giáo viên chủ động thiết kế. Trong cơ chế có tính “mở” và dân chủ đó, những nội dung phong phú về quê hương như: thiên nhiên, con người, sản vật, các vấn đề xã hội, lịch sử, truyền thống, di sản văn hóa… đã được giáo viên nghiên cứu và đưa vào các chủ đề học tập. 

Nhật Bản đưa nội dung giáo dục quê hương vào nhiều môn học ảnh 2

Tính “địa phương” trong giáo dục phổ thông - một bài học sâu sắc

(GDVN) - Các phong trào giáo dục tại Nhật Bản đã có tác dụng lớn trong việc phục hưng địa phương đặc biệt là vùng nông thôn trong bối cảnh xã hội khắc nghiệt.

Ở đó, học sinh ngay từ tiểu học đã được học rất chi tiết và cụ thể về từng ngôi làng, góc phố, con đường, cánh đồng…ở quê hương cũng như những vấn đề bức xúc mà quê hương đang đối mặt. 

Ví dụ như trong tài liệu “Hướng dẫn học tập môn Xã hội”, tài liệu chỉ đạo của Bộ Giáo dục đối với môn Xã hội từ tiểu học đến trung học phổ thông năm 1947 tập II, có thiết lập chủ đề học tập “Đời sống sản xuất ở vùng nông thôn nước ta được vận hành như thế nào?”. 

Đối với chủ đề này, tài liệu hướng dẫn nói trên cũng gợi ý rất nhiều hoạt động học tập về quê hương như: 

(1) Làng ở quê hương được tạo thành từ bao nhiêu thôn? Mỗi thôn được tạo thành từ bao nhiêu xóm nhỏ? Mỗi xóm nhỏ được tạo thành từ bao nhiêu tổ? Những tổ đó được gọi là gì, hãy lập bảng về tên, số hộ của từng tổ và vẽ bản đồ phân bố chúng. 

(2) Thu thập các tư liệu liên quan tới diện tích, dân số, số hộ của quê hương, tính toán tỉ lệ phần trăm diện tích đất canh tác, nhân công nông nghiệp, số hộ nông nghiệp. So sánh chúng với các địa phương khác của Nhật Bản. 

(3) Ở quê hương mỗi người nông dân đang có bao nhiêu diện tích đất dùng cho canh tác?

Tìm hiểu xem có bao nhiêu dân số, người nông dân trên một ki-lô-mét vuông đất canh tác và so sánh nó với các địa phương khác của Nhật Bản. 

(4) Tìm hiểu tỉ lệ phần trăm của ruộng lúa và vườn của quê hương, đồng thời vẽ bản đồ thể hiện tình hình phân bố ruộng lúa và vườn.
 
(5) Sản lượng gạo của quê hương tính trung bình trên một “tan” (Đơn vị đo diện tích của Nhật Bản. Một “tan” tương đương với 991.736m2) là bao nhiêu?

Sản lượng này thay đổi tùy theo đất đai như thế nào? Tìm hiểu và báo cáo xem ở quê hương vẫn thiếu gạo để nuôi sống dân số ở quê hương như thế nào?

Tìm hiểu và thảo luận về phương pháp gia tăng sản lượng và tiết kiệm tiêu thụ gạo ở quê hương. 

Những nội dung học tập như trên vẫn được tiếp tục trong chương trình học tập môn Đời sống, Xã hội…hiện nay của nước Nhật. 

Trong phương pháp giáo dục quê hương, người Nhật chú trọng tới trải nghiệm và mối quan tâm, hứng thú của học sinh. 

Nhật Bản đưa nội dung giáo dục quê hương vào nhiều môn học ảnh 3

Chương trình giáo dục phổ thông Nhật Bản - bước ngoặt về tư duy giáo dục

(GDVN) - Mục tiêu là thứ quan trọng bậc nhất đối với một nền giáo dục, vì vậy chương trình đã dành hẳn chương đầu tiên để trình bày về “Mục tiêu chung của giáo dục".

Các chủ đề học tập được thiết kế phù hợp với các giai đoạn phát triển của học sinh và dựa trên các trải nghiệm đời sống của học sinh. 

Những vấn đề học tập được đưa ra trong nhiều trường hợp cũng chính là những vấn đề mà học sinh phải đối mặt trong cuộc sống thường ngày. 

Sau 1945, lý luận của nhà giáo dục học người Mĩ J.Dewey đã có ảnh hưởng lớn đối với giáo dục Nhật ở phương diện này. 

Người Nhật cũng chú trọng tới các hoạt động học tập tự chủ, tự giác của học sinh như điều tra xã hội học, phỏng vấn nhân vật, chuyên gia, điều tra thực địa, thảo luận, tranh luận…thay vì các bài giảng được tiến hành bởi giáo viên. 

Kết quả học tập của học sinh thường được thể hiện dưới nhiều hình thức biểu đạt như tập san, tạp chí, biên bản tranh luận, báo, tiểu luận, kịch, sách….giúp học sinh từ chỗ có hiểu biết sâu sắc về quê hương sẽ hiểu được tình hình và những vấn đề tổng thể của nước Nhật. 

Những tác phẩm này sẽ được trưng bày, triển lãm ở lớp, trường, các địa điểm công cộng ở quê hương hoặc tặng cho phụ huynh… 

Cách thức sắp xếp những nội dung ấy là kết quả của việc du nhập lý luận “vòng tròn đồng tâm khuếch tán” từ Mĩ. 

Nguyên lý này là lý luận xây dựng cấu tạo nội dung môn Xã hội ở Nhật Bản mà chủ yếu là ở tiểu học. 

Theo đó những nội dung giáo dục sẽ mở rộng dần với tâm điểm xuất phát ban đầu là gia đình, sau đó đến trường học, khu phố, thành phố, tỉnh, quốc gia. 

Các nhà nghiên cứu cho rằng lý luận này xuất phát từ Kế hoạch học tập ở bang Virginia dành cho lớp 3 năm 1934. Trong cách sắp xếp nội dung học tập này, học sinh sẽ học từ gần đến xa dựa trên các trải nghiệm của bản thân trong cuộc sống thường ngày. 

Hiệu quả của chương trình giáo dục quê hương

Trong chương trình giáo dục của Nhật Bản, nội dung học tập của học sinh đại thể gồm hai bộ phận: tri thức khoa học và tri thức đời sống. Giáo dục quê hương trong các môn học xã hội đã hòa trộn cả hai bộ phận đó để tạo ra sức hấp dẫn.

Nhật Bản đưa nội dung giáo dục quê hương vào nhiều môn học ảnh 4

Nhật Bản đưa quần đảo tranh chấp với Trung, Hàn vào SGK trung học

(GDVN) - Bộ Giáo dục Nhật Bản đã lên kế hoạch lệnh cho các nhà xuất bản bổ sung bài học về Takeshima và Senkaku vào sách giáo khoa địa lý cho học sinh trung học.

Nhờ giáo dục quê hương, nhà trường đã trở thành một trung tâm văn hóa của địa phương và có vai trò thiết thực trong việc thúc đẩy các hoạt động học tập suốt đời. 

Nhận thức của học sinh đối với địa phương được nâng cao trong suốt thời gian đi học đã góp phần quan trọng tạo ra những người công dân hành động và các nhà hoạt động xã hội ở địa phương. Chính họ đã không ngừng nỗ lực giải quyết các vấn đề của quê hương. 

Trên thực tế, nhờ giáo dục quê hương mà cuộc sống của trẻ em ở vùng nông thôn nước Nhật đã giảm bớt mức độ khắc nghiệt và tạo ra môi trường cho trẻ em học tập sáng tạo ngay cả trong thời kì chủ nghĩa phát xít cai trị. 

Những thực tiễn giáo dục trong giai đoạn này được văn bản hóa thành sách lưu lại về sau đã chứng minh điều đó. 

Đặc biệt, nhờ giáo dục quê hương, nước Nhật đã khắc phục được hậu quả ô nhiễm môi trường nặng nề do sự phát triển kinh tế với tốc độ cao những năm 60-70 của thế kỉ XX gây ra. 

Việt Nam hiện tại đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường và các vấn để nảy sinh từ quá trình đô thị hóa. Khuôn mặt nông thôn đang biến đổi và biến dạng từng ngày với tốc độ nhanh. 

Trong quá trình ấy, nhiều vấn đề đang nảy sinh và tác động trực tiếp tới thanh thiếu niên. Không thể giải quyết vấn đề của các địa phương nếu như không có sự tham gia chủ động với tinh thần tự giác cao của chính những người ở địa phương đó. Cho nên, giáo dục chú ý đến quê hương sẽ là một giải pháp có ích. 






Nguyễn Quốc Vương