Nhiều giáo viên nước ngoài chưa có giấy phép lao động tại Việt Nam

09/05/2012 10:39
Bích Thảo (Tổng hợp từ Thanh niên)
(GDVN) - TP.HCM có hơn 1000 giáo viên nước ngoài nhưng chỉ khoảng 850 người được cấp phép lao động; Có thể xét đặc cách bổ nhiệm giáo sư.

Nhiều giáo viên nước ngoài chưa có giấy phép lao động

Nhiều giáo viên nước ngoài chưa có giấy phép lao động (Ảnh minh họa)
Nhiều giáo viên nước ngoài chưa có giấy phép lao động (Ảnh minh họa)


Ông Thái Quốc Tuấn - Phó phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết hiện TP.HCM có 35 trường phổ thông ngoài công lập có yếu tố nước ngoài.

Hiện nay, hệ thống trường này có khoảng 506 lớp, 11.000 học sinh, gần 500 giáo viên Việt Nam, hơn 1.000 giáo viên nước ngoài. Đáng nói, chỉ có khoảng 850 người nước ngoài có giấy phép lao động. “Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nước ngoài của các trường này chất lượng không đồng đều, chất lượng giảng dạy khó kiểm chứng”, ông Tuấn cho hay.


Có thể xét đặc cách bổ nhiệm giáo sư

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của "Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư".

Theo đó, đối với những trường hợp đặc biệt, những người có đóng góp nổi trội, xuất sắc cho sự nghiệp khoa học công nghệ của đất nước và thế giới, tạo nên sự đột phá trong lĩnh vực khoa học có thể xét đặc cách chức danh giáo sư.

Đối với các ngành, chuyên ngành thuộc khối ngành nghệ thuật chưa đào tạo trình độ tiến sĩ thì tiêu chuẩn chức danh giáo sư phải hướng dẫn chính ít nhất 2 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ có thể được xem xét và thay thế bằng các công trình nghiên cứu, sáng tác được giải thưởng lớn ở trong nước hoặc nước ngoài của cá nhân; hoặc có sinh viên do nhà giáo trực tiếp hướng dẫn chính được giải thưởng cao ở trong và ngoài nước về thành tích nghiên cứu và học tập.


Quá tải kinh tế, ngân hàng bão hòa

Số lượng sinh viên thực học tại các trường ĐH, CĐ trong cả nước theo thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2010 ở khối ngành kinh tế đã vượt hơn 7% so với quy hoạch của Chính phủ đến năm 2020.

Khối ngành này có 140.000 sinh viên, tỷ lệ 27,72%. Các nhóm ngành khác như sau: Kỹ thuật công nghệ: 165.556 (32,78%), thấp hơn quy hoạch 2,2%; khoa học tự nhiên: 14.000 (2,72%), thấp hơn quy hoạch 6,28% và nhóm ngành y dược: 10.000 (2,02%), thấp hơn quy hoạch 3,98%.

TS. Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: “Theo chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngành ngân hàng thì từ nay đến năm 2020 cần khoảng 270.000 người. Hiện nay toàn ngành đang có khoảng 150.000 người, như vậy bình quân mỗi năm cần thêm trên 10.000 người tuyển mới. Tuy nhiên, đó là theo chiến lược phát triển khi nền kinh tế có sự phát triển tốt và ổn định. Những năm gần đây kinh tế thế giới và Việt Nam đang có sự phát triển không ổn định. Hệ thống các ngân hàng trong nước có xu hướng thu hẹp quy mô, sáp nhập... nên có ảnh hưởng rõ rệt đến bài toán nhân sự của ngành”.

Ông Minh cho biết thêm: “Nếu trước đây sự phát triển rầm rộ của hệ thống ngân hàng, nhất là thành lập nhiều ngân hàng mới, cho thấy nhu cầu nhân sự rất cao trong lĩnh vực này, thì nay nhu cầu về lượng trong lĩnh vực này đang ở mức bão hòa. Theo tôi, các ngân hàng hiện nay và trong một số năm trước mắt sẽ chú trọng hơn vào phát triển chất lượng nguồn nhân lực, những sinh viên có năng lực và kỹ năng mềm thực sự mới có cơ hội”.

Theo công bố thông số nhân lực cuối năm 2010 của Vietnamworks - nhà cung cấp các dịch vụ tuyển dụng trực tuyến, nhu cầu của ngành ngân hàng giảm 14%. Dự báo các nhóm ngành khối kinh tế, ngân hàng sẽ bão hòa và rất khó khăn khi tìm việc trong vòng 4-5 năm sau. Lúc ấy, ngành này sẽ chỉ cần nhân lực chất lượng cao.

Bích Thảo (Tổng hợp từ Thanh niên)