Nhiều thầy cô, phụ huynh Hà Nội không muốn có môn thứ tư trong tuyển sinh lớp 10

08/03/2022 09:25
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh, Hà Nội đã bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10, và tôi thấy chất lượng thi năm đó cũng vẫn tốt đấy thôi, năm nay cũng nên như thế.

Thời điểm này, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2022-2023. Một số nơi tổ chức thi tuyển với 3 môn, trong khi một số tỉnh, thành chọn hình thức xét tuyển. Theo lịch của hầu hết các địa phương, kỳ thi vào lớp 10 công lập đều diễn ra trong tháng 6/2022.

Trong khi đó, tại Hà Nội các phụ huynh và học sinh rất thấp thỏm mong chờ về thông tin chính thức tuyển sinh lớp 10, liệu có thi 4 môn hay không. Trong bối cảnh dịch bệnh tác động khá nhiều đến việc học tập và ôn thi của lứa học sinh 2007, học sinh phải học trực tuyến trong thời gian dài, nhiều phụ huynh tại Hà Nội đề xuất bỏ môn thứ 4 kỳ thi vào lớp 10 năm 2022. Tuy nhiên, Hà Nội cho đến thời điểm này vẫn chưa chốt phương án cho môn thi thứ 4.

Trả lời về vấn đề nhiều ý kiến phụ huynh đề xuất nên sớm công bố môn thi thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2022-2023, hồi tháng 1/2022, ông Phạm Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Ngoài 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, môn thi thứ 4 sẽ được công bố vào tháng 3 hàng năm, đây là quy định đã được duy trì trong những năm gần đây.

Theo thầy Ngọc: "3 môn thi là Toán, Văn, Ngoại ngữ là đặc trưng cho ba chân kiềng trí tuệ của con người". Ảnh: T.D.

Theo thầy Ngọc: "3 môn thi là Toán, Văn, Ngoại ngữ là đặc trưng cho ba chân kiềng trí tuệ của con người". Ảnh: T.D.

Phụ huynh học sinh mong muốn gì?

Anh Nguyễn Hoàng Hà (Mỹ Đình, Hà Nội) có con năm nay chuẩn bị thi vào lớp 10, đã cho biết: “ Không phải bây giờ gia đình tôi mới lo, mà từ năm ngoái chúng tôi cũng đã rất lo lắng bởi lứa học sinh như con nhà tôi phải chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong suốt 3 năm liên tiếp. Các con phải học trực tuyến nên chất lượng dạy và học rất khó đảm bảo như việc học trực tiếp trên lớp. Vậy nên đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bỏ môn thi thứ 4 cho các cháu và gia đình bớt áp lực”.

Anh Phạm Quang Vinh (quận Cầu Giấy) cho biết, hiện nay lịch học trong tuần của con tôi phần lớn là ôn tập 3 môn Toán, Văn, Anh là đã gần hết thời gian, ngoài ra cháu vẫn phải đảm bảo các môn học khác, vậy mà bây giờ vẫn phải thi thêm môn thứ 4 nữa thì quá áp lực cho các cháu.

Cũng theo anh Vinh: “Tôi thấy năm 2020 cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, Hà Nội cũng đã bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10, và tôi thấy chất lượng thi năm đó cũng vẫn tốt đấy thôi, vậy năm nay cũng nên như vậy, chỉ thi 3 môn là hợp lí, phù hợp với tình hình xã hội”.

Vậy với phương án thi 3 môn liệu có đáp ứng yêu cầu, hay nhất định phải có thêm một môn thi thứ 4 thì mới đánh giá được chất lượng thí sinh vào lớp 10? Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc – Cựu giáo chức Hà Nội. Thầy Ngọc nêu quan điểm: “Không cần phải nói đang thời gian dịch bệnh, mà trong thời gian bình thường, đây là một kì thi đánh giá mang tính chất kiểm tra trình độ để học sinh chuyển cấp học, và đây là cấp phổ thông. Vậy nên môn thi để đánh giá theo tôi là vừa đủ với mức độ học sinh chịu đựng được là rất tốt.

Bản thân 3 môn thi là Toán, Văn, Ngoại ngữ là đặc trưng cho ba chân kiềng trí tuệ của con người. Nếu giỏi Toán thì người đó sẽ có tư duy tốt, nếu giỏi Văn là biết thể hiện những suy nghĩ, lời nói, ý tưởng một cách logic mạch lạc và ai nghe cũng hiểu. Giỏi Ngoại ngữ thì đó là cánh cửa mở ra đưa con người hội nhập với thế giới tri thức, vậy chúng ta còn đòi hỏi gì hơn nữa? Thi vào đâu theo tôi cũng chỉ cần ba chân kiềng đó là đủ đánh giá.

Có thể nói “họ” bảo thủ, cứ đi trên một lối mòn bởi lâu nay họ vẫn làm thế vì không dám thay đổi. Chúng ta nên bình thường thôi, với ba môn là đã đủ đánh giá năng lực một học sinh có thể tiếp thu chương trình học cấp trung học phổ thông hay không, không cần phải thêm môn nào nữa.

Còn vẫn thêm môn thi thứ 4, theo tôi cũng không cơ bản bởi chọn ngẫu nhiên, rồi lại chậm thông báo úp úp mở mở, vậy là thế nào? Hay họ sợ thông báo sớm thì học sinh sẽ đầu tư vào học môn đó nhiều quá, hay là mục đích đánh đố học sinh?

Theo tôi môn thi thứ 4 cũng là môn học thuộc lòng, và lâu nay chúng ta quen đánh giá một con người làm việc theo kiểu thuộc lòng, mà quên mất xã hội đang cần một con người tư duy, sáng tạo. Vậy nên tư tưởng bảo thủ, đi theo lối mòn kiểm tra môn thứ 4 cho dù đó là môn gì thì cũng không chuẩn để đánh giá. Bản thân sự việc đó đã sai rồi, thừa, vô ích lãng phí tiền của công sức”.

Thầy Ngọc kiến nghị: “Trong lúc dịch bệnh hiện nay diễn biến phức tạp, học sinh phải học online, chất lượng kiến thức các môn học cũng chưa đạt được như mong muốn, vậy thi thêm môn thứ 4 nữa là không hợp lí. Đang lúc dịch bệnh, bớt một buổi thi tập trung là bớt một cơ hội làm dịch lây lan, tiết kiệm ngân sách, thời gian công sức của bao con người

Với 3 môn Toán, Văn Ngoại ngữ, thi tuyển lấy điểm cao từ trên xuống dưới để đạt yêu cầu về năng lực, như vậy là sẽ lọc được những em có trình độ, không nhất thiết phải dùng thêm môn thi thứ 4 để đánh giá mới là chính xác”.

Cô Nguyễn Thị Thuần – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cổ Loa trong giờ dạy Địa lý. Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thị Thuần – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cổ Loa trong giờ dạy Địa lý. Ảnh: NVCC.

3 môn thi cũng đã đánh giá được trình độ của học sinh

Cũng về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Quản lí Giáo dục Nguyễn Thị Thuần – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cổ Loa ( Hà Nội) đã chia sẻ: “Quan điểm của tôi, cũng như của nhiều thầy cô giáo, cha mẹ học sinh khối 9 năm nay thi vào lớp 10 đều không muốn thi môn thứ 4, bởi khóa học sinh này đã 3 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các con phải học trực tuyến vất vả hơn rất nhiều.

Sau thời gian dài học trực tuyến để phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc tiếp thu kiến thức của học sinh ảnh hưởng do nhiều nguyên nhân như: Điều kiện đường truyền, thiết bị học, môi trường học tập hay ý thức, khả năng tự học của học sinh…

Theo tôi không nhất thiết phải có thêm môn thi thứ 4 thì mới đánh giá được học sinh, chỉ 3 môn Toán, Văn, Anh là đầy đủ rồi, nên bỏ môn thi thứ tư cho các con đỡ áp lực, hơn nữa học trực tuyến nên kiến thức không thể được như học trực tiếp trên lớp, đó cũng là một “rào cản” nếu vẫn thi môn thứ 4.

Tôi thấy rất nhiều tỉnh hiện nay cũng đã bỏ môn thi thứ 4, vậy nên Hà Nội cũng bỏ cho học sinh đỡ vất vả, áp lực, chỉ 3 môn cũng đã đánh giá sát thực được trình độ của học sinh rồi”.

Cũng theo cô Thuần: “Việc có thi môn thi thứ 4 hay không, theo tôi Hà Nội nên công bố sớm để giúp học sinh định hình cho việc ôn tập, không nên bắt các con dàn trải quá. Trong thời gian chờ đợi thì sự tập trung của các em vẫn dành cho 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Vì vậy, Sở cần sớm đưa ra thông báo về môn thi thứ tư để các em biết sớm và có thời gian xây dựng kế hoạch học tập hiệu quả hơn, từ đó cũng góp phần xua đi tâm lý sợ môn thi thứ tư ở các em học sinh.

Thực tế là không có môn nào là chính, là phụ, nhưng đến thời điểm này tình hình dịch bệnh căng thẳng thì có thể lùi lịch thi chậm lại một chút để học sinh có thêm thời gian học cũng như ôn tập”.

Tùng Dương