Nhiều trung tâm ngoại ngữ, trường tư phải đóng cửa, "điêu đứng" vì Covid-19

13/08/2021 07:33
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không thể cầm cự sau hơn hai năm đối mặt với Covid-19, nhiều trung tâm Anh ngữ, trường mầm non tư thục ở Đà Nẵng đã phải đóng cửa.

Đóng cửa trung tâm… chưa hẹn ngày trở lại

Sau gần 20 năm hoạt động, mới đây, Trung tâm Anh ngữ Việt - Mỹ Đà Nẵng đã có thông báo đến các bậc phụ huynh, học sinh về việc phải đóng cửa do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 suốt hai năm qua.

Giáo viên Trường Mầm non Nốt Nhạc Xanh (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) tại "phiên chợ 0 đồng" do nhà trường tổ chức. Ảnh: NNP

Giáo viên Trường Mầm non Nốt Nhạc Xanh (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) tại "phiên chợ 0 đồng" do nhà trường tổ chức. Ảnh: NNP

Trong bức “tâm thư” của mình, ông Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc Trung tâm đã nói lên những khó khăn chồng chất khi dịch bệnh bủa vậy.

“Dịch bệnh Covid-19 đã kéo dài gần 2 năm và chưa dừng lại ở đó, nó đã càn quét và để lại hậu quả nặng nề.

Trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ là đơn vị giáo dục, là lĩnh vực phải đóng cửa đầu tiên và mở cửa lại sau cùng mỗi khi có dịch bệnh xảy ra.

Trong 2 năm qua, Covid-19 đã làm cho chúng tôi không thể gượng dậy, chúng tôi buộc lòng phải đóng cửa khi không còn lựa chọn này khác”, ông Khánh chia sẻ trong thư.

Cũng lâm vào tình cảnh như Trung tâm Anh ngữ Việt - Mỹ, nhiều Trung tâm ngoại ngữ khác ở Đà Nẵng cũng phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự… để cầm cự qua dịch.

Thành phố chỉ ổn được 1-2 tháng lại bùng dịch khiến nhà trường phải đóng cửa. Không có nguồn thu, trong khi vẫn phải trả lương cho người lao động, chi phí duy trì hoạt động của nhà trường kèm theo khoản nợ ngân hàng khiến chúng tôi rất áp lực.

Nhiều cơ sở đã không cầm cự nổi, phải rao bán để trả nợ ngân hàng. Hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã có nhưng các cơ sở giáo dục tư nhân vẫn chưa thể tiếp cận được”, chị Trần Thị Huyền (chủ một trường mầm non tư nhân ở quận Hải Châu) chia sẻ.

Giáo viên, trường tư “điêu đứng” trong dịch bệnh

Không chỉ các trung tâm ngoại ngữ, trường mầm non tư thục mà các trường liên cấp ở Đà Nẵng cũng lâm vào tình cảnh khó khăn chồng chất cả về tuyển sinh, đào tạo vì dịch bệnh gây ra.

Mặc dù đã cận kề ngày khai giảng năm học mới nhưng với việc thành phố Đà Nẵng thực hiện chỉ thị 05, thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn thành phố thì Trường trung học phổ thông Quang Trung (quận Hải Châu, Đà Nẵng) chỉ mới tuyển được gần 60% chỉ tiêu tuyển sinh.

Thầy Phạm Sỹ Liêm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do dịch bệnh nên việc tuyển sinh của nhà trường bị chậm lại, hiện vẫn còn hơn 40% chỉ tiêu chưa tuyển được.

Nếu tuyển sinh không đủ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn tài chính của trường, lúc đó càng khó khăn hơn. Thời gian qua, nhà trường đã rất nổ lực để đảm bảo chi trả lương cho giáo viên, cán bộ nhân viên của nhà trường.

Tuy nhiên, hiện trường chỉ trả 2/3 lương cho giáo viên cơ hữu trong thời gian nghỉ dạy, còn lại nhiều giáo viên mới vào trường thì không có cơ chế để chi trả”.

Cũng theo thầy Liêm, gánh nặng tài chính do dịch bệnh gây ra khiến nhà trường rất lo lắng làm sao để giữ chân được giáo viên.

Theo tìm hiểu thì có 14 giáo viên vừa về trường theo dạng thỉnh giảng, thử việc… đã nhiều tháng nay không có lương. Nhiều trường hợp giáo viên bị “mắc kẹt” trong vùng phong tỏa, cách ly y tế… nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

“Tôi đã có đề nghị với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố về việc hỗ trợ các giáo viên trường tư thục gặp khó khăn trong mùa dịch. Nhà trường cũng mong gói hỗ trợ mới đây của Chính phủ sẽ quan tâm đến những giáo viên và người lao động của trường tư thục”, thầy Liêm đề xuất.

Cô Lê Thị Mỹ Nguyên (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cũng chia sẻ thêm, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, nhiều giáo viên tư thục đã phải vật lộn, làm đủ nghề để kiếm sống.

“Có giáo viên thì nhận dạy kèm, dạy thêm hoặc làm thêm các công việc online. Nhưng giờ phong tỏa toàn thành phố thì các cô ấy phải nghỉ làm nên cuộc sống rất chật vật”, cô Nguyên nói.

Để hỗ trợ cho giáo viên vượt qua đại dịch, nhiều trường mầm non tư thục ở Đà Nẵng đã tổ chức các “phiên chợ 0 đồng” cho giáo viên, nhân viên nhà trường.

Tại các phiên chợ này, nhà trường bố trí nhiều gian hàng như gạo, thịt heo, cá tươi, trứng, rau, củ, quả, dầu ăn, nước mắm, mì tôm, trái cây. Giáo viên, nhân viên nhà trường theo nhu cầu được nhận các mặt hàng mà không tốn tiền mua.

AN NGUYÊN