Những ẩn khuất phía sau chuyện mua sắm, sửa chữa, xây dựng...ở nhà trường

05/07/2017 07:48
Kiên Trung
(GDVN) - Chất lượng vật tư, thiết bị thường không đảm bảo, sử dụng được một thời gian ngắn đã xuống cấp, hư hỏng. Chúng tôi phải cho người chất thành đống ở nhà kho.

LTS: Tình trạng gây thất thoát, lãng phí công trình, thiết bị và tệ nạn tham nhũng vặt cũng đang có chiều hướng phổ biến và phức tạp trong lĩnh vực giáo dục.

Nhằm nêu lên ẩn khuất trong công tác sửa chữa, mua sắm, xây dựng trang thiết bị phục vụ cho học tập tại các nhà trường, tác giả Kiên Trung đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bài viết của mình về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Theo quy định, hàng năm các đơn vị trường công lập được tự chủ trong 35%  kinh phí thường xuyên thuộc ngân sách nhà nước rót về để mua sắm, sửa chữa và xây dựng các công trình nhỏ. 

Hình minh họa cho việc xây dựng, sửa chữa ở các trường (Ảnh: nghethuatsong.org)
Hình minh họa cho việc xây dựng, sửa chữa ở các trường (Ảnh: nghethuatsong.org)

Nhưng bấy lâu nay, có mấy đơn vị nhà trường được tự chủ thật sự trong khoản kinh phí đó. Ban Giám hiệu ở nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở của một tỉnh thuộc Tây Nguyên cho biết: 

“Mua sắm một mặt hàng, một gói thiết bị nào đó cho nhà trường có trị giá từ 20 triệu đồng trở lên là phải xin chủ trương của Phòng Giáo dục và Đào tạo, một khi có văn bản đồng ý, phê duyệt thì nhà trường, cấp dưới mới được triển khai thực hiện.

Một số người, bộ phận trên Phòng Giáo dục và Đào tạo biết được nhà trường mua sắm cái nọ, cái kia (qua văn bản xin chủ trương) là tìm đủ cách để gặp gỡ, gọi điện, thậm chí nhờ các sếp lớn “giúp sức”, bày tỏ mong muốn xin nhận cung ứng…

Một mặt là chỗ quen biết, mặt khác họ là bộ phận, thành phần quản lý cấp trên của mình nên các nhà trường cũng khó lòng chối từ, đành phải miễn cưỡng đồng ý, chấp thuận cho họ làm. 

Chất lượng vật tư, thiết bị thường không đảm bảo, chưa dùng hoặc sử dụng được một thời gian ngắn đã xuống cấp, hư hỏng, chúng tôi phải cho người chất thành đống ở nhà kho. 

Hơn nữa, giá thành lại đắt đỏ, cao hơn so với nhiều chỗ khác. Chúng tôi bày tỏ thắc mắc, không đồng tình về chất lượng sản phẩm thì các anh, chị, em ở trên đó giải thích đủ điều. 

Họ hứa miệng nếu có đoàn thanh tra, kiểm tra về trường thì sẽ nói đỡ cho nên nhà trường và các em yên tâm đi. Thế là những lần sau, họ lại tiếp tục đòi làm, thật khó xử vô cùng cho cấp cơ sở”. (Thầy N. V. T hiệu trưởng Trường trung học cơ sở ở huyện H. than thở).

Những ẩn khuất phía sau chuyện mua sắm, sửa chữa, xây dựng...ở nhà trường ảnh 2

Giám sát sửa chữa trường lớp dịp hè – giám sát cái gì?

Bên B: các đơn vị thi công, công ty giám sát ở đây, hầu hết là “sân sau”, chỗ “thân tình” của các vị lãnh đạo trên Phòng Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân huyện, Sở Giáo Dục và Đào tạo, Sở tài chính, Sở kế hoạch - đầu tư, Sở xây dựng hoặc trên Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Mấy tháng hè khi hoạt động giáo dục tạm dừng, đó là thời điểm thuận lợi để các địa phương, nhà trường tiến hành xây dựng, nâng cấp, sửa chữa lớn các hạng mục, công trình còn thiếu hoặc đã bị xuống cấp …phục vụ cho năm học mới. 

Ngay từ đầu năm, các cơ sở giáo dục muốn có được một khoản kinh phí không thường xuyên (vài trăm triệu đến mấy tỉ đồng) từ nguồn kinh phí đầu tư sự nghiệp giáo dục cho đơn vị mình thì đâu phải dễ, không phải trường nào cũng được, phải nhờ quan hệ với các sếp có vai vế ở trên mới “thương tình” mà xét, phê duyệt cho. 

Vừa có hồ sơ xây dựng trình lên, sếp lớn, sếp bé ở trên đã liên tục gọi điện cho các hiệu trưởng, chủ đầu tư, bên A để  giữ phần: “công trình này em gọi công ty xây dựng C làm nhé, đây là chỗ bà con của anh, chúng nó làm ăn đoàng hoàng, nghiêm túc lắm”. 

Những ẩn khuất phía sau chuyện mua sắm, sửa chữa, xây dựng...ở nhà trường ảnh 3

Tỉnh Cà Mau yêu cầu làm rõ phản ánh thu chi ở Trường Phan Bội Châu

Sếp trên đã gửi gắm như vậy, có hiệu trưởng nào dám giao cho các công ty xây dựng khác làm hoặc nếu có thì hiệu trưởng đó thuộc diện "gan cọp". Những năm sau, cấp dưới có xin xỏ gì liên quan đến tài chính, xây dựng thì sẽ có cửa. 

Bây giờ, nhiều ngành, trong đó có ngành giáo dục vẫn còn nặng nề, nhiêu khê về cơ chế xin - cho. Một khi cơ chế này còn tồn tại thì tiếp tục đẻ ra bao nhiêu thứ tiêu cực, sách nhiễu, thậm chí tham nhũng, lợi ích nhóm nữa. 
Tất nhiên, việc các sếp bỏ “tiếng nói” đầy trọng lượng ra thì bên thi công, giám sát làm sao dám để các sếp thiệt thòi. 

Do được phần “ăn chia”, một tỉ lệ phần trăm “bất thành văn” từ các công trình xây dựng, sửa chữa mà nhiều lãnh đạo và bộ phận kế toán của các đơn vị nhà trường lâu nay sốt sắng, háo hức, nhiệt tình với việc đi xin những khoản kinh phí không thường xuyên hàng năm. 

Từ cuộc khảo sát gần đây của một tổ chức có uy tín của Việt Nam cho biết: “Tình trạng gây thất thoát, lãng phí công trình, thiết bị và tệ nạn tham nhũng vặt cũng đang có chiều hướng phổ biến và phức tạp trong lĩnh vực giáo dục.

(Vì nhiều lý do, tác giả đề nghị không nêu danh tính cụ thể các trường, cơ quan, cá nhân liên quan trong bài viết)

Kiên Trung