Những cảnh giác cần thiết cho TS và phụ huynh trong đợt thi ĐH - CĐ

07/07/2013 07:18
Diện Hứa ( Tổng hợp)
(GDVN) - Phụ huynh và các thí sinh luôn lọt vào tấm ngắm của những kẻ gian trong mỗi mùa thi ĐH-CĐ đến. Những chia sẻ của các sinh viên, tình nguyện viên tiếp sức mùa thi đợt thi ĐH lần 1 vừa qua cùng những năm trước sẽ giúp các sĩ tử nhận diện những “chiếc bẫy” nguy hiểm đó.
Xin thông tin cá nhân “dưới bóng” các tổ chức.

Trong bộ trang phục rất lịch sự: áo trắng, quần vải đen, cùng với quyển sổ, cây bút kẻ gian có thể dễ dàng xin những thông tin cá nhân của thí sinh từ các bậc phụ huynh.
"Kẻ gian" dễ dàng lấy được thông tin cá nhân của thí sinh thông qua phụ huynh
"Kẻ gian" dễ dàng lấy được thông tin cá nhân của thí sinh thông qua phụ huynh
Dưới lý do ghi rõ ràng trên một số phiếu là: Hội sinh viên Thành Đoàn Thành phố Hà Nội, phiếu khảo sát tân sinh viên, hoặc kẻ gian sẽ phát tờ rơi, sau đó xin số điện thoại của các sĩ tử, khi được thắc mắc thì giải thích rất rõng rạc là để sau này tư vấn cho khách hàng.

Với lời giới thiệu rất thu hút: muốn giúp các tân sinh viên học và làm kinh tế giỏi. Trong số đó, có một số công ty đa cấp biến tướng, lấy số điện thoại của các tân sinh viên nhằm mục đích xấu.

Tờ rơi tuyển sinh “đầy hứa hẹn”.

Thay vì mạo danh nhân viên phòng tuyển sinh các trường như vài năm trước, kẻ gian nay nâng cấp chiêu lừa bằng cách đóng vai người nhà thí sinh. Ban đầu, họ sẽ tiếp cận phụ huynh, rủ vào các quán nước gần trường trò chuyện.
Tờ rơi tuyển sinh " đầy hứa hẹn"
Tờ rơi tuyển sinh " đầy hứa hẹn"
Sau một vài câu xã giao thông thường, chủ đề đang nói sẽ được lái theo hướng: “Nếu không đỗ ĐH, bác cứ cho đi học khoa X của các trung tâm đào tạo liên kết với những  trường như ĐH A, ĐH B. Phí đầu vào chỉ khoàng 20 triệu. Nếu kết quả thi từ 15 điểm trở lên, con bác sẽ được nhận học bổng cả kỳ là 3 triệu...".

Nếu phụ huynh còn nghi ngờ, họ sẽ tiếp tục tạo lòng tin bằng tờ thông tin tuyển sinh có đóng dấu đỏ hẳn hoi và địa chỉ, số điện thoại người cần liên hệ.

Mạnh mồm hơn, có tờ rơi còn ghi là “Viện nghiên cứu kinh tế công nghệ liên kết với một số trường ĐH, CĐ mở lớp đào tạo chính quy…”. Chỉ cần đạt 12 điểm trở lên và chồng mức phí từ 15-25 triệu là các sĩ tử nhà ta đã được gán mác sinh viên. Nghe  có vẻ hấp dẫn, nhiều phụ huynh đã tin sái cổ để rồi "sập bẫy".

Giả danh CLB Khuyến học
Cũng giống chiêu viện cớ “ủng hộ người mù, mời  mua tăm”, một số người mạo danh mình là thành viên của CLB Khuyến học, CLB Hỗ trợ cộng đồng… để “bòn hầu bao” người nhà thí sinh. Họ tiếp cận phụ huynh bằng chiêu thu thập tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của sĩ tử, lập thành một danh sách và bảo rằng sẽ có những hỗ trợ đặc biệt cho thí sinh nào “vượt vũ môn” thành công hay những tấm gương nhà nghèo vượt khó.
Giả danh bán tăm từ thiện để lấy tiền.
Giả danh bán tăm từ thiện để lấy tiền.
Tranh thủ lúc người nhà kê khai, họ nhỏ nhẹ đưa ra một đề nghị các bậc phụ huynh ủng hộ từ 10.000đ – 20.000đ để thí sinh nhận được sự hỗ trợ này. Thấy số tiền đóng góp không đáng là bao và lý do nghe khá “xuôi tai”, nhiều phụ huynh đã rất vui vẻ “rút ví” mà chẳng chút nghi ngờ.

Các đối tượng mời mọc và năn nỉ thí sinh cùng người nhà đi cùng mua các mặt hàng từ thiện, như tăm của trẻ em khuyết tật, bông tai của người già neo đơn…

Ông Nguyễn Văn Hoàng- người bán nước trước cổng ĐHSP, cho biết: “Những đối tượng này hoạt động quanh năm, đến mùa thi thì đông và lộ liễu hơn. Vì đây là “nghề” của họ nên những người từ quê ra rất dễ bị lừa trước những lời ngon ngọt của chúng”.

Tiếp cận được với đối tượng có tên đăng kí Đặng Thị Huệ, tự nhận bán tăm tre tình thương cho Hội Người mù và trẻ tàn tật Sơn Tây. Huệ nói:

“Chúng em chỉ bỏ một buổi để bán các sản phẩm của trẻ em mồ côi không nơi nương tựa cho trung tâm, có đăng kí và địa chỉ chứ không phải lừa đảo. Ai cho bao nhiêu em ghi hết tên, sau đó đưa danh sách cho trung tâm, không lấy của ai một đồng nào hết”.

Danh sách mà Huệ nói là một quyển vở kẻ ngang, trong có thấy ghi tên, địa chỉ của những người hảo tâm, bỏ tiền mua sản phẩm. Trong danh sách Huệ đưa cho xem đã có tên của hơn 20 người, người ít thì 20.000 đồng, người nhiều thì 100.000 đồng.

Tuy nhiên, khi vặn hỏi về độ xác thực của tờ giấy giới thiệu mà Huệ đang cầm thì Huệ chỉ quanh co được một lúc rồi lấy cớ chuồn ngay.

Những trò bịp “cũ người mới ta”

Tại Hà Nội, các phụ huynh cũng cần cảnh giác với những chiêu bịp của các “siêu lừa”. Những trò lừa đảo phổ biến mà những thành phần bất hảo hay dùng vào mùa tuyển sinh là giả danh sinh viên tình nguyện, giả làm người bán hàng từ thiện lừa hôi của hoặc bán mắt kiếng, máy ảnh "đểu"… Đó chỉ là những trò bịp cũ nhưng lại mới với những người lần đầu đặt chân đến thủ đô.
Nếu gặp những tình huống tiếp cận, chèo kéo của bọn người xấu, thí sinh và phụ huynh có thể nhờ sinh viên tình nguyện can thiệp.
Nếu gặp những tình huống tiếp cận, chèo kéo của bọn người xấu, thí sinh và phụ huynh có thể nhờ sinh viên tình nguyện can thiệp.
Bạn Nguyễn Tuấn Nam, sinh viên tình nguyện trường ĐH KHXH & NV Hà Nội, kể lại: “Mùa tiếp sức năm ngoái, có một bác phụ huynh hùng hổ đòi gặp đội trưởng đội tình nguyện để làm ra lẽ vì vừa bị một nam sinh viên tình nguyện mặc áo xanh lừa mất chiếc điện thoại di động. Thì ra, trong lúc ngồi chờ con, có một người tự xưng là sinh viên tình nguyện bị rơi mất điện thoại di động đến mượn điện thoại của bác ấy gọi.

Bác này đã vui vẻ cho đối tượng kia mượn. Không ngờ tên đó chạy nhanh ra đường nhảy lên xe của một người chờ sẵn và biến mất. Chúng tôi đã phải gọi cả đội lại cho bác ấy “điểm mặt”. Sau đó nhẹ nhàng giải thích với bác ấy rằng có nhiều đối tượng giả danh sinh viên tình nguyện nên bác phải cẩn thận hơn”.

Đánh vào lòng ham “đồ rẻ chất lượng tốt” của nhiều người, một nhóm đối tượng lừa đảo khác thường bày trò giả vờ ra hỏi các phụ huynh có nhu cầu mua kính đeo mắt xịn, máy ảnh số,… mà chúng “chôm” được với giá bèo.

Bác Phạm Văn Khuê (quê tại Thái Bình) đưa con đi thi vào Học viện Bưu chính Viễn thông năm ngoái, từng ngao ngán chia sẻ: “Tôi nào có biết, nhìn cái máy ảnh đó cũng rất tốt, đúng loại quảng cáo trên tivi mà họ nói có 2 triệu đồng. Cháu nhà tôi rất thích chụp ảnh, thấy rẻ quá, tôi mua luôn để thi xong hai bố con đi thăm thú đây đó chụp ảnh lưu niệm. Nào ngờ, lúc thử thì mình vẫn thấy chụp được, mua xong rồi về tới nhà thì chỉ còn cái vỏ”.

Không chỉ có vậy, chiêu lừa làm từ thiện bằng cách mua tăm bông, tăm tre hay kẹo cao su do nhóm các em nhỏ hoặc hội những phụ nữ tầm tuổi 20 đến 30 tung hoành ngang dọc rất dễ thấy trong các mùa tuyển sinh tại thủ đô. Thông thường, những người này rất lễ phép, họ giới thiệu là nhân viên của một trung tâm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, kèm theo là giấy chứng nhận, thẻ hội viên…
Diện Hứa ( Tổng hợp)