Những câu chuyện bi hài khi giáo viên mua giáo án, sáng kiến trên mạng

08/01/2021 06:54
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sản phẩm được coi là trí tuệ, là đầu tư chất xám được giáo viên rao bán chủ yếu chỉ là copy, sao chép từ mạng. Có khi mình mua lại bài của mình...

Lướt một vòng facebook không khó để tìm được những trang diễn đàn giáo dục do giáo viên lập ra để giao lưu trao đổi thông tin. Có thể kể ra rất nhiều trang như Chúng tôi là giáo viên, Chúng tôi là giáo viên tiểu học, Chúng tôi là giáo viên trung học, Giáo viên miền Nam, Cộng đồng giáo viên, Cộng đồng nhà giáo, Vùng cao cô giáo…

Tin nhắn của giáo viên khi mua sản phẩm bị lỗi (Ảnh chụp màn hình)

Tin nhắn của giáo viên khi mua sản phẩm bị lỗi (Ảnh chụp màn hình)

Cũng có khá nhiều chủ đề trao đổi như cách dạy bài học này sao cho hay? Biện pháp nào giáo dục học sinh cá biệt hiệu quả? Giải bài toán bằng nhiều cách, hiểu nghĩa từ sao cho đúng…

Thế nhưng, sau những chia sẻ ấy là xuất hiện không ít lời mời chào sáng kiến kinh nghiệm thi giáo viên giỏi đạt giải nhất, báo cáo mẫu về chuyên đề a, b, c, đề kiểm tra của các khối lớp, giáo án mẫu hay đáp áp về các mô đun thay sách theo chương trình mới…Đây cũng chính là chủ đề thu hút được nhiều giáo viên quan tâm nhất.

Bởi, chẳng mất công đầu tư suy nghĩ mà chỉ cần bỏ ra ít kinh phí lại có ngay sản phẩm để sử dụng hay dự thi. Thế là nhiều thầy cô giáo nhắn tin trao đổi và bỏ tiền ra mua sản phẩm của người chào bán.

Thế nhưng, chính giáo viên đã bị những người đồng nghiệp của mình lừa vì phần nhiều những báo cáo được coi là điển hình, những sáng kiến được chào là hay, xuất sắc cũng chỉ là những sản phẩm được cắt dán, sao chép trên mạng một cách hổ lốn.

Ảnh chụp màn hình

Ảnh chụp màn hình

Có cả câu chuyện nực cười, một giáo viên bỏ tiền mua sáng kiến kinh nghiệm nhưng khi xem lại hóa ra là sáng kiến của chính mình đã viết trước đó.

Sản phẩm được coi là trí tuệ, là đầu tư chất xám được giáo viên rao bán chủ yếu chỉ là copy, sao chép từ mạng.

Hãy nghe giáo viên lên tiếng sau khi dính những cú lừa

“Diễn đàn giáo viên mà toàn là chỗ kinh doanh cho bọn buôn bán. Có cái biện pháp mà bán cho hàng trăm người. Mỗi người với giá 200-300k. Thử hỏi ngày họ bán được bao nhiêu cái?

Phải chăng Ad chính là một đường dây trong này nhỉ? Mất tiền mua chẳng ra cái gì cả, toàn lừa đảo thôi”.

Có giáo viên chia sẻ đến chua chát: “Cái vui nhất ở đây là mình mua lại bài của mình... Chỉ biết cười thôi”.

“Mua thử cái đề lớp một mà ba chỗ cũng y chang nhau không sai một chữ. Mấy má copy trên mạng về bán, tưởng tui không biết copy hả? Rứa mà biểu chuyển tiền trước rồi mới chuyển, muốn kiếm nhiều tiền đi làm nghề khác đi, bán lừa nên mua xong không dùng được. Tiền không tiếc mà tiếc niềm tin”.

Mình mua của "Vùng cao cô giáo" cũng đủ thứ lỗi. Nào chính tả, nào lặp từ, nào lỗi văn bản, sửa cũng đủ mệt rồi. Nói chung mua 1 lần rồi thôi các bạn ạ. Mua xong rồi về thấy nó chính là bài copy trên mạng. Y chang, thêm vào chút ít. Lỗi thì vô kể. Chừa!”.

“Năm trước hỏi mua cái sáng kiến kinh nghiệm mà mua rồi về chán, không dùng được. Nói hay lắm nhưng chất lượng không có gì. Là copy trên mạng, bán lại. Thế là tớ chừa á!”.

Mọi người sẽ nghĩ gì khi đọc được những thông tin mua-bán công khai tài liệu của giáo viên trên mạng?

“Mình không phải là giáo viên ,nhưng mình thấy lạ là ,ngày xưa giáo viên rất vất vả và bỏ nhiều công sức để soạn giáo án. Mà bây giờ thấy rất nhiều giáo viên đi mua giáo án về dạy. Như vậy thì đâu còn gì là tâm sức của mình. Nhiều lúc giáo viên còn không hiểu bài học (dạy theo giáo án mua sẵn) thì sao học sinh hiểu được?”.

“Trời ơi! Thầy cô giáo mà mua bán công khai sáng kiến kinh nghiệm, đáp án các bài học về chương trình mới thì sao có thể cấm học sinh đi học mà quay bài?”.

“Học sinh quay tài liệu khi thi cử sẽ bị hạ hạnh kiểm còn giáo viên tự cho mình cái quyền này hay sao? Thầy cô không trung thực còn dạy dỗ được ai?”.

“Học chương trình mới mà copy mua bán làm sao giáo viên nắm được chương trình mà dạy?”.

Vì sao nở rộ chuyện mua bán, đổi chác những sản phẩm tri thức?

Nói về chuyện mua bán giáo án, sáng kiến kinh nghiệm nhiều giáo viên cho rằng giáo án chỉ có tác dụng in ra để ký chứ mấy ai đi dạy nhìn vào giáo án? Còn sáng kiến kinh nghiệm năm nào cũng bắt viết, kinh nghiệm ở đâu mà lắm thế? Mua cũng chỉ là cách hợp thức hóa cho đủ thủ tục giấy tờ.

Riêng mua bán nội dung các modul trên mạng, đa phần các giáo viên đều cho rằng yêu cầu 2 tuần làm 1 modul, mỗi modul chi chít nội dung cần xử lý kiến thức. Trong khi, giáo viên còn phải dạy học sinh, chấm bài, soạn bài, thi giáo viên giỏi …liệu có kham nổi không?

Ảnh chụp từ màn hình

Ảnh chụp từ màn hình

Xin đừng quở trách giáo viên mà hãy nhìn cái cách mà nhà quản lý bắt buộc giáo viên phải hoàn thành có phù hợp với điều kiện cuối kì 1 này không? Có tính toán cân bằng công việc cho giáo viên không?

Covid, giáo viên làm ròng rã để bù chương trình cho học sinh. Bộ vừa ra thông tư 27, nhà trường bắt giáo viên từ khối 1 đến khối 5 nhập đánh giá bù cả mấy tháng. Cả ngày ở lớp dạy dỗ, nhận xét các loại vở, tối về giáo án, hồ sơ...

Bộ lại bố trí tập huấn dịp này, giáo viên đi hết cả ngày nghỉ, làm bài mờ mắt đến 12 giờ, bài trực tuyến, bài thầy cô dạy trực tiếp...Thời gian học quá gấp gáp nên những giáo viên yếu tin học không thể làm nổi nên họ phải thuê, mượn là tất yếu.

Hơn nữa các modul nên ngắn gọn lại chứ đừng như Module 2 của tiểu học, học xong mà muốn ngất. Cuối kì bao nhiêu là công việc, đêm thức đến 12h để học thì giáo viên còn sức đâu mà lên lớp nữa.

Việc học module tôi không sợ chỉ sợ ngay lúc này là làm khó giáo viên vì thời gian này là lúc giáo viên đang chuẩn bị tổ chức cho học sinh kiểm tra cuối kỳ, rồi điểm số, làm sổ kế hoạch cá nhân đây là loại sổ thứ 5 ngoài 4 loại Bộ qui định.

Thiết nghĩ Bộ có thể lùi thời gian tập huấn lại hoặc kéo dài thời gian module 2 là giúp giáo viên học tập tốt hơn, có hiệu quả hơn.

Bộ cần tính toán lại thời gian học tập cho giáo viên, chỉ có hơn 1 tháng buộc hoàn thành 2 modul, mỗi modul có nhiều nội dung nhỏ cần học tập. Giáo viên vừa giảng dạy, nhận xét bài học sinh, ôn thi học kỳ, coi thi,...tư duy nào kham cho xuể?

Giáo viên đâu phải cái máy? Quá áp lực cho họ thành ra mới xảy ra cớ sự. Mà thú thật học trực tuyến có những câu hỏi giáo viên không hề biết và hỏi ai? Đuối lắm Bộ ơi!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Đỗ Quyên