Những giáo viên trẻ nào hưởng lợi nhất từ chùm thông tư xếp hạng mới?

04/12/2021 06:54
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hưởng lợi nhất trong đợt chuyển xếp hạng lần này, chỉ là những giáo viên trẻ đang ở hạng II cũ (hiện hưởng hệ số lương từ 2.67; 3.0; 3.33; 3.66) có đủ điều kiện.

Tại thời điểm này, có một số địa phương đã và đang hoàn thành việc chuyển hạng, xếp lương giáo viên theo chùm Thông tư 01;02;03;04/2021/ TT-BGDĐT.

Điểm đáng lưu ý nhất ở việc chuyển xếp lương lần này là đã rút ngắn khoảng cách lương giữa người mới và người làm lâu năm. Vì thế, đang tạo ra rất nhiều tâm tư trong đội ngũ nhà giáo. Tuy thế, không phải tất cả người trẻ đều được hưởng lợi.

Chỉ những giáo viên trẻ đang ở hạng II cũ đủ điều kiện được chuyển xếp sang hạng II mới

Không phải tất cả giáo viên đang ở hạng II cũ (đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) đều được chuyển xếp sang hạng II mới theo chùm Thông tư 01;02;03;04/2021/ TT-BGDĐT để được thay đổi hệ số lương theo chiều hướng tăng lên (4.0 đến 6.38).

Ảnh minh họa, nguồn: pbgdpl.laichau.gov.vn

Ảnh minh họa, nguồn: pbgdpl.laichau.gov.vn

Nếu không được xét giữ lại hạng II cũ và chuyển sang hạng II mới, những giáo viên này sẽ xuống hạng III và hệ số lương vẫn không hề thay đổi (từ 2,34 đến 4,98).

Hưởng lợi nhất trong đợt chuyển xếp hạng lần này, chỉ là những giáo viên trẻ đang ở hạng II cũ (hiện hưởng hệ số lương từ 2.67; 3.0; 3.33; 3.66) có đủ điều kiện được chuyển xếp sang hạng II mới thì được chuyển xếp lương sang hệ số 4.0.

Những giáo viên thuộc nhóm hưởng lợi như này không nhiều, có trường không có thầy cô giáo nào đang ở hệ số lương từ (2.67; 3.0; 3.33; 3.66) được giữ hạng và chuyển sang hạng II mới, có trường thì được vài người. Nhìn ra cả nước chắc chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng số giáo viên (một con số vô cùng nhỏ).

Để được thăng hạng II với giáo viên trẻ hiện nay cũng không hề đơn giản

Giáo viên muốn được nhận hệ số lương từ (4,0 đến 6,38) phải đạt giáo viên hạng II. Theo quy định của chùm Thông tư 01;02;03;04/2021/ TT-BGDĐT:

i) Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Một giáo viên mới ra trường phải tập sự 12 tháng theo Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định:

1. Người được tuyển dụng vào viên chức phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng.

2. Thời gian tập sự được quy định như sau:

a) 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học.

Vậy là, từ khi ra trường trừ đi 1 năm tập sự, giáo viên trẻ cần có thêm 9 năm nữa mới đủ điều kiện để xét hoặc thi thăng lên hạng II. Người nhanh nhất cũng sẽ mất khoảng gần 11 năm (1 năm tập sự, 9 năm biên chế), nếu đỗ mới được hưởng hệ số lương 4.0.

Tuy nhiên trong thực tế từ nhiều năm nay, giáo viên thăng hạng lại chẳng hề dễ dàng, nhiều người ví như đi qua cánh cửa hẹp.

Cũng có địa phương thực hiện việc xét thăng hạng thì dễ thở hơn, nhưng khá nhiều địa phương lại chọn phương án thi thăng hạng. Xét thăng hạng, giáo viên chỉ phải hoàn thành hồ sơ và đợi, còn tham dự kỳ thi thăng hạng, thầy cô phải tốn thời gian đi ôn tập và tham gia những ngày thi căng thẳng.

Tuy thế, số người trượt được ví như sung rụng, người đỗ lại hiếm như lá mùa thu. Điển hình như kỳ thi thăng hạng tại tỉnh Kiên Giang năm 2020 vừa qua, hàng trăm giáo viên rời phòng thi trong nước mắt.

Có những địa phương thì hàng chục năm nay, không tổ chức xét thăng hạng, cũng không tổ chức thi lần nào nhưng năm nào cũng tổ chức lớp học thăng hạng và giáo viên luôn sống trong tâm trạng chờ đợi đến mỏi mòn.

Ngay như nhiều đồng nghiệp của chúng tôi ở địa phương đã có bằng đại học hàng chục năm vẫn chỉ ăn mức lương trung cấp mà không được tham gia kỳ thi hoặc xét thăng hạng.

Vì những gì đã và đang xảy ra ngoài thực tế như chúng tôi vừa phân tích thì việc để giáo viên từ hạng III lên hạng II và từ hạng II lên hạng I với hy vọng sẽ cải thiện mức lương theo chùm thông tư mới quy định cũng không hề dễ dàng gì.

Điều lo lắng sẽ là, giáo viên sẽ không an tâm vào giảng dạy, sẽ ít dành thời gian cho việc tìm hiểu, nghiên cứu bài dạy vì luôn phải bận tâm lo nghĩ đến việc thăng hạng lên lương.

Điều này, sẽ dẫn đến việc cải cách chế độ tiền lương nhà giáo theo vị trí việc làm nhằm tạo cho người lao động có động lực phấn đấu, có sự cạnh tranh lành mạnh để hoàn thành tốt công việc của mình đang được ngành kỳ vọng sẽ khó mà thực hiện được.

Cùng bằng cấp, chứng chỉ, cùng công việc giảng dạy sao lại phân hạng giáo viên?

Việc phân hạng giáo viên như chùm các Thông tư 01;02;03;04/2021/ TT-BGDĐT đang gặp phải nhiều ý kiến thắc mắc của các nhà giáo.

Bởi, các giáo viên cùng bằng đại học, cùng chứng chỉ chức danh, cùng đảm nhận công việc giảng dạy, cùng chịu chung chất lượng giáo dục, cùng thực hiện các hoạt động giáo dục của nhà trường, cùng học một chương trình bồi dưỡng thường xuyên như nhau…vậy tại sao lại phân chia theo hạng?

Trong khi ngoài thực tế, nhiều giáo viên đang xếp chức danh nghề nghiệp hạng III nhưng năng lực, kỹ năng đứng lớp lại hơn hẳn những giáo viên được xếp chức danh nghề nghiệp hạng II.

Bởi thế, việc xếp hạng chức danh nghề nghiệp theo chùm các thông tư này, hoàn toàn không phải xếp theo vị trí việc làm mà mang nặng tính hên, xui, không khuyến khích được giáo viên đang ở hạng thấp hơn phải nỗ lực phấn đấu để đạt thứ hạng cao hơn nhằm cải thiện mức lương mà tạo ra sự bất mãn cho những thầy cô giáo thật sự giỏi.

Điều này, sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự cống hiến của những giáo viên ấy dẫn đến hiệu quả công việc không cao.

Chúng tôi hy vọng rằng, việc sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên sắp tới đây theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ được những người có trách nhiệm đặc biệt quan tâm để những bất cập như phân tích ở trên sẽ không còn nữa.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên