Nỗi niềm của học trò trong mùa dịch Covid-19

16/02/2020 06:28
Phan Tuyết
(GDVN) - Những sân trường vắng hoe, những cánh cổng trường đóng chặt…mùa dịch cúm Corona buộc học sinh phải nghỉ học ở nhà.

Những sân trường vắng hoe, những cánh cổng trường đóng chặt…mùa dịch cúm Covid-19 buộc học sinh phải nghỉ học ở nhà.

Học sinh thường khát những hoạt động vui chơi thế này (Ảnh: sgd.bacgiang.gov.vn)
Học sinh thường khát những hoạt động vui chơi thế này (Ảnh: sgd.bacgiang.gov.vn)

Chỉ dăm ngày đầu được nghỉ học, đám trẻ chừng vui mừng, hoan hỉ lắm. Những tiếng vỗ tay, tiếng “De” vang trời, tiếng cười nói rộn ràng hào hứng khi nghe thầy cô thông báo.

Cũng phải! Ngày 2 buổi đến trường, tối đến có em còn phải chạy sô học thêm đủ thứ môn đến mệt nhoài.

Có em thời gian học gấp nhiều lần thời gian ăn uống, nghỉ ngơi. Thế nên liên tục trong trạng thái mệt mỏi, bơ phờ vì đói ngủ.

Thế bảo sao các em không mừng vui vì thông tin được nghỉ học cho được?

Vậy mà, mới nghe thông báo được nghỉ học tiếp tuần thứ 2 nữa thì nhiều học sinh tỏ thái độ âu sầu, buồn bã.

Phụ huynh gọi hỏi: “Cô ơi! Sao nghỉ lâu thế? Con em nói ở nhà buồn lắm nó muốn đi học lắm”;

Nỗi niềm của học trò trong mùa dịch Covid-19 ảnh 2
Học trò lại quay cuồng vì học thi

“Thầy ơi! Con em bảo trông cho tuần sau được đi học lại chứ thèm học lắm rồi!”;

“Cô ơi! Em thì chẳng muốn nghỉ học nữa đâu, lên trường gặp thầy cô, bạn bè vui hơn”;

Hay “Nghỉ học hoài, chán quá trời luôn hà!”…

Bấy nhiêu đủ thấy, học sinh phần đông vốn ham học, muốn đến trường để học và tham gia các hoạt động hơn được nghỉ học ở nhà.

Cảm giác chán học, tinh thần uể oải chẳng qua bị học quá nhiều, kiểu học nhồi nhét, quá tải dẫn đến sợ luôn cả việc học.

Ngành giáo dục luôn hô hào phải làm cho học sinh thấy “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.

Nhưng vui thế nào khi các em chỉ biết chúi đầu chúi mũi vào học? Nhiều hoạt động vui chơi thực hành kỹ năng luôn thu hút học sinh nhưng thi thoảng mới được tổ chức.

Trường nhiều thì vài tháng một lần. Trường ít thì “năm thuở mười thì mới có một khi”.

Nỗi niềm của học trò trong mùa dịch Covid-19 ảnh 3
Đừng để con trẻ phải chịu áp lực

Chẳng phải nhà trường không muốn làm mà “cái khó bó cái khôn”.

Khi tổ chức nhiều hoạt động lấy kinh phí nào để chi trong khi ngân sách nhà trường lại quá eo hẹp?

Tổ chức nhiều hoạt động thì việc học của các em sẽ thế nào khi chương trình học luôn quá tải?

Thế nên, để mỗi ngày đến trường của các em thật sự là niềm vui, để học sinh không sợ học mà luôn hào hứng đến trường không dừng ở việc đưa ra những khẩu hiệu.

Giảm tải chương trình, tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng, dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh…tất cả sẽ có trong chương trình dạy học mới sắp tới.

Và học sinh và cả giáo viên chúng tôi đang hy vọng đón chờ những đổi thay ấy qua thay đổi chương trình lần này.

Phan Tuyết