Nơi tôi ở giáo sinh ra trường không phải...chạy

17/11/2017 08:22
Phan Tuyết
(GDVN) - Nhờ có những chính sách phù hợp nên phần lớn giáo sinh tốt nghiệp các trường sư phạm ở Bình Thuận ra trường không phải "chạy việc" như các địa phương khác.

LTS: Trước tình trạng nhiều sinh viên sư phạm ra trường phải bỏ rất nhiều tiền đề chạy việc, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ thực tế ở tỉnh Bình Thuận, nơi cô sinh sống, phần lớn các giáo sinh đều không phải "chạy việc".

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Ở nơi này, nơi kia người ta đồn nhau rằng để chạy một suất vào dạy học dù chỉ là hợp đồng cũng phải mất một khoản tiền khá lớn. Có chân hợp đồng rồi, giáo viên lại bắt đầu “chạy” vào biên chế.

Số tiền bỏ ra được tăng với cấp số nhân. Người nói chí ít cũng hàng trăm, có nơi số tiền phải chi lên đến dăm trăm triệu đồng.

Thậm chí có nơi biên chế còn được đánh đổi bằng một thứ vô cùng quý giá mà có tiền cũng không thể mua được, đó là nhân phẩm thì đủ biết biên chế nó quan trọng với mọi người ra sao.

Đành rằng chạy chừng nọ, chừng kia tất cả cũng chỉ là lời đồn, là truyền miệng chứ nào có ai dám đưa ra bằng chứng?

Thế nhưng những lời đồn, lời truyền tai đó lại xuất phát từ người trong cuộc thì câu chuyện “chạy” biên chế giáo dục cũng đã thuyết phục được nhiều người.

Phần lớn các giáo sinh ra trường ở Bình Thuận không phải "chạy việc". (Ảnh minh họa: Báo Bình Thuận)
Phần lớn các giáo sinh ra trường ở Bình Thuận không phải "chạy việc". (Ảnh minh họa: Báo Bình Thuận)

Một nơi không phải “chạy”

Giữa cơn sốt “chạy” biên chế ở nhiều tỉnh thành trong cả nước vẫn đang nóng lên như thế thì ngay thị xã quê tôi nhiều giáo sinh ra trường có việc làm ngay.

Vài năm tham dự kì thi công chức là các em đương nhiên trở thành giáo viên biên chế hẳn hoi như bao người.

Cách đây khoảng 3 năm, trường học nơi tôi dạy có tiếp nhận một giáo sinh là cô N.A.

Được biết, gia đình em thuộc dạng bình thường trong xóm lao động biển nghèo.

N.A cho biết, ra trường em nộp hồ sơ về Phòng Giáo dục thị xã La Gi (Bình Thuận) và được gọi đi dạy hợp đồng ngay sau đó.

Cùng khóa với em hầu như các bạn cũng đều được nhận vào các trường để dạy.

Thời gian dạy, em tranh thủ học và ôn thi miệt mài để tham dự kì thi công chức sang năm, thế nên em phải nỗ lực hết mình.

Kì thi năm ấy em giành điểm khá cao và đã chính thức được kí hợp đồng sau bao nỗ lực của bản thân.

Cô cháu gái học Sử tại trường Đại học Sài Gòn của tôi cũng may mắn nằm trong số này.

Học ra trường, cô bé muốn đi dạy ở Sài Gòn nên đã làm hồ sơ gửi khắp nơi trong ấy. Thời gian chờ xin việc, cháu tôi đi làm công nhân vì gia đình em khá nghèo.

Khi nghe tin ở quê tuyển giáo viên, tôi đã điện em gửi hồ sơ về và qua Phòng Nội vụ nộp giùm.

Chỉ một tuần sau cô bé được nhận đi dạy hợp đồng ở Trường Trung học cơ sở Phước Hội 2 thị xã La Gi.

Năm học này, trên địa bàn thị xã La Gi cũng tuyển dụng khá nhiều giáo sinh hợp đồng về các trường dạy học.

Một điểm khác những năm trước đây là Phòng Nội vụ chỉ giới thiệu giáo sinh về trường, sau khi trải qua vòng sát hạch 3 tiết dạy trên lớp, nếu thuyết phục được ban giám hiệu, tổ chuyên môn nhà trường thì giáo sinh ấy sẽ chính thức được nhận vào dạy hợp đồng chờ thi công chức.

Nơi tôi ở giáo sinh ra trường không phải...chạy ảnh 2

Tại sao giáo viên cứ phải cắm đầu “chạy” vào biên chế?

Trò chuyện với một số giáo sinh đi dạy hợp đồng, tôi hỏi: “Ai xin cho đi dạy hợp đồng?” “Có quen ai không mà được đi dạy sớm thế?”

Câu trả lời nhận được gần như khá giống nhau “Con tự nộp hồ sơ ở Phòng Giáo dục (trước đây) bây giờ là Phòng Nội vụ và được gọi lên phỏng vấn rồi đi dạy luôn”.

Ưu tiên giáo sinh học trường của tỉnh

Một giáo sinh cho biết “Khóa của con ra lần này về thị xã La Gi có 10 người, đợt này đi dạy 5 bạn, đợt sau sẽ kí hợp đồng tiếp.

Con nghe nói người ta ưu tiên giáo sinh tốt nghiệp trường sư phạm của tỉnh trước vì tụi con học theo chỉ tiêu”.

Điều này thì tôi biết, khoảng gần hai mươi năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trường Cao đẳng sư phạm đã không còn đào tạo một cách ồ ạt mà đưa chỉ tiêu đào tạo về từng địa phương.

Có năm bậc tiểu học cả thị xã chỉ tuyển có 3 học sinh. Năm thì số lượng tăng thêm chút nhưng cũng có vài năm lại không tuyển một chỉ tiêu nào.

Thế nên giáo sinh được đào tạo trong tỉnh ra trường hầu như đều có được việc làm ngay.

Trường hợp năm học ấy có sự biến động về lớp học cần tuyển thêm giáo viên thì ứng viên tiếp theo phải học một số trường sư phạm theo quy định của tỉnh nhưng phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bình Thuận từ 3 năm trở lên.

Có lẽ nhờ việc dự đoán nguồn nhân lực trong tương lai khá sát nên đưa ra việc không chế chỉ tiêu tuyển sinh ở các địa phương, cùng với chính sách ưu tiên cho con em trong tỉnh nên phần lớn giáo sinh tốt nghiệp các trường sư phạm ở Bình Thuận ra trường không phải sấp ngửa tìm cách “chạy” việc như ở một số địa phương trong cả nước.

Phan Tuyết