Nữ nghiên cứu sinh Việt đoạt giải thưởng Sáng tạo châu Á

08/03/2022 06:50
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mới đây, Quỹ toàn cầu Hitachi đã công bố danh sách những người đoạt Giải thưởng Sáng tạo châu Á năm 2021, trong đó có tên của 3 nhà khoa học nữ Việt Nam.

Mới đây nghiên cứu sinh Đặng Thị Tuyết Ngân (sinh năm 1983, Hà Nội), Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đoạt giải khuyến khích Giải thưởng Sáng tạo châu Á của Quỹ toàn cầu Hitachi với đề tài “Các giải pháp thông minh để thu hồi kim loại có giá trị từ nước thải khó xử lý và chất thải điện tử cho nền kinh tế tuần hoàn”.

Nghiên cứu sinh Đặng Thị Tuyết Ngân đoạt giải khuyến khích Giải thưởng Sáng tạo châu Á của Quỹ toàn cầu Hitachi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nghiên cứu sinh Đặng Thị Tuyết Ngân đoạt giải khuyến khích Giải thưởng Sáng tạo châu Á của Quỹ toàn cầu Hitachi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chia sẻ về đề tài nghiên cứu với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nữ giảng viên cho biết: “Ngành công nghiệp điện tử của nước ta đang phát triển mạnh kéo theo sự gia tăng của nước thải và chất thải điện tử. Đó cũng là những nguồn chứa nhiều kim loại có giá trị và các nguyên tố đất hiếm.

Ngoài việc tái sử dụng, nhiều loại nguyên tố hóa học có trữ lượng rất hạn chế. Một số kim loại hiện chưa thể thay thế được bằng những nguyên tố khác. Ví dụ như Indi trong sản xuất điện cực ITO ở màn hình LCD của các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, ti vi,…

Trong quá trình sản xuất điện cực ITO, chỉ 30% Indi có mặt trong sản phẩm cuối, phần còn lại (70%) đi vào nước thải. Tuy nhiên, trữ lượng của Indi có hạn và hiện chưa tìm được vật liệu thích hợp để thay thế nguyên tố này trong sản xuất. Vì thế, thu hồi Indi để tái chế đang là vấn đề rất được quan tâm và có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp cân bằng giữa cung - cầu và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.”

Đề tài nghiên cứu của chị Tuyết Ngân có mục tiêu thu hồi có hiệu quả các nguyên tố hóa học có giá trị từ nước thải khó xử lý và chất thải điện tử bằng thiết bị nhỏ gọn, dễ vận hành, lượng hóa chất tiêu tốn ít, kim loại thu được có độ tinh khiết cao.

Hướng nghiên cứu này theo chủ trương phát triển bền vững của nền kinh tế tuần hoàn nghĩa là tăng tuổi thọ của vật chất và giảm thiểu lượng kim loại bị thải ra môi trường góp phần tăng giá trị kinh tế, giải quyết vấn đề môi trường.

Kỷ niệm chương, bằng chứng nhận Ban tổ chức Quỹ toàn cầu Hitachi gửi chị Tuyết Ngân. Vì tình hình dịch Covid-19 trao giải không thể tổ chức trực tiếp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kỷ niệm chương, bằng chứng nhận Ban tổ chức Quỹ toàn cầu Hitachi gửi chị Tuyết Ngân. Vì tình hình dịch Covid-19 trao giải không thể tổ chức trực tiếp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài hướng nghiên cứu thu hồi các kim loại có giá trị từ chất thải điện tử bằng phương pháp trích ly có sự hỗ trợ của màng, nghiên cứu sinh Đặng Thị Tuyết Ngân còn nghiên cứu những nội dung sau:

Nghiên cứu xử lý nước thải bằng phương pháp màng MBR;

Nghiên cứu chế tạo màng bằng phương pháp chuyển pha;

Ngoài Giải thưởng Sáng tạo châu Á của Quỹ toàn cầu Hitachi năm 2021, năm 2020 chị Tuyết Ngân cũng nhận được học bổng Vingroup dành cho nghiên cứu sinh xuất sắc.

Để đạt được thành quả như hiện tại, thạc sỹ Đặng Thị Tuyết Ngân đã trau dồi kiến thức, rèn luyện từ những ngày theo học ngành Quá trình - Thiết bị Công nghệ Hóa và Thực phẩm tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Với đặc thù là ngành khoa học thực nghiệm, ngay từ bậc kỹ sư chị Tuyết Ngân đã dành nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm.

Nữ giảng viên chia sẻ khoảng thời gian trong phòng thí nghiệm đóng vai trò rất quan trọng vì nó không chỉ cung cấp kiến thức mà còn rèn luyện cho mình sự tỉ mỉ, tính kiên trì, nhẫn nại, khả năng quan sát và cách giải quyết vấn đề, … Đây đều là những phẩm chất mà một nhà khoa học cần có.

Từ những lần thí nghiệm chị Tuyết Ngân được trau dồi kiến thức thực tiễn, nữ giảng viên từng cảm thấy bế tắc dù đã nắm chắc cơ sở lý thuyết, tiến hành thí nghiệm theo đúng hướng nhưng kết quả thu được lại không như mình mong đợi vì không thể tìm ra cơ sở giải thích cho số liệu đó.

Chị Tuyết Ngân chia sẻ: “Khi làm thí nghiệm, mình chưa thể hiểu hết về vấn đề mà phải dựa trên những kết quả thu được, cùng với sự quan sát, tìm tòi để tìm ra giải pháp. Có những nghiên cứu, chỉ cần sự thay đổi rất nhỏ một yếu tố thôi cũng ảnh hưởng đến kết quả rất nhiều.”

Nhưng từ những bế tắc đó, các nhà khoa học có thể tìm ra cho mình những hướng đi mới, những quy luật mới.

Mỗi lần khi tìm ra giải pháp cho một vấn đề và cảm thấy nó sẽ thực sự đem lại giá trị cho cộng đồng với nữ giảng viên đó chính là hạnh phúc trong nghiên cứu khoa học, giúp chị vượt qua những lúc đề tài tưởng chừng lâm vào bế tắc.

Thạc sỹ Đặng Thị Tuyết Ngân (áo đỏ) trong lần nhận được học bổng Vingroup dành cho nghiên cứu sinh xuất sắc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sỹ Đặng Thị Tuyết Ngân (áo đỏ) trong lần nhận được học bổng Vingroup dành cho nghiên cứu sinh xuất sắc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bên cạnh việc giảng dạy, làm nghiên cứu, chị Tuyết Ngân còn là người vợ, người mẹ của hai bạn nhỏ. Năm 2017, nữ giảng viên đăng ký học tiến sỹ theo mô hình sandwich nghĩa là sẽ học và nghiên cứu tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Đài Loan.

Thời gian ở Việt Nam chị chuẩn bị về mặt cơ sở lý thuyết còn sau khi sang Đài Loan chị tập trung vào thí nghiệm.

Nữ giảng viên sang Đài Loan 3 đợt, 2 đợt 6 tháng và 1 đợt 1 tháng. Điều khiến chị lo lắng nhất là khi đó hai bạn nhỏ mới 5 và 3 tuổi. Được sự hỗ trợ từ gia đình chị yên tâm nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Đài Loan.

Khoảng thời gian thực hiện nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Đài Loan, mỗi ngày chị dành khoảng 12 giờ trong phòng thí nghiệm, tận dụng khoảng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi chị gọi điện nói chuyện, nhắn tin với các con.

Chị kể hai bạn luôn nói yêu mẹ và nhớ mẹ rất nhiều. Còn chị dành những vần thơ cho con.

“Mẹ sẽ kể con nghe

Về những ngày thương nhớ

Khi chúng mình xa thế

Vòng tay chẳng thể ôm

Mẹ sẽ kể con nghe

Con đường dài phía trước

Mẹ vững tin tiếp bước

Cùng tình yêu bố-con

Mẹ cũng sẽ kể thêm

Về tình yêu của mẹ

Dành cả cho con đó

Con yêu ơi biết chăng…"

Ngoài công việc giảng dạy và nghiên cứu, chị Tuyết Ngân cố gắng dành thời gian bên các con. Chị chia sẻ khoảng thời gian này phải thật sự chất lượng, chứ không phải là lúc cho con ăn hay nhắc nhở mà là lúc cùng chơi, thấu hiểu, hỗ trợ đồng hành các bé.

Chia sẻ quan điểm của mình về nhận định phụ nữ làm khoa học thì sẽ rất vất vả, chị Tuyết Ngân cho biết theo chị để có thể làm tốt và thành công ở bất cứ ngành nghề gì thì cũng đều vất vả và gặp phải nhiều khó khăn. Bởi thành công nào cũng cần sự nỗ lực, tính kỷ luật, sự kiên trì.

Theo quan niệm của các nước phương Đông, phụ nữ phải chu toàn công việc gia đình, chăm sóc con cái. Nhưng trong bối cảnh hiện đại, phụ nữ cũng có một công việc toàn thời gian như nam giới.

Nữ giảng viên cho rằng: “Mỗi người ai cũng có 24 giờ như nhau, không thể vì mình là phụ nữ mà có thể trở thành siêu nhân, làm tất cả mọi việc được. Theo tôi, phụ nữ nên cởi mở chia sẻ với chồng và con cái về những khó khăn ở cơ quan và sẵn sàng trao quyền để các thành viên trong gia đình hỗ trợ việc nhà.”

Chị quan niệm tâm lý của người phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng đối với hạnh phúc gia đình, một người vợ, người mẹ được sự hỗ trợ, chia sẻ từ mọi người thì gia đình sẽ êm ấm, hòa thuận.

Mặc dù đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ đầu năm nay, nữ giảng viên dự định trong thời gian tới vẫn tiếp tục tập trung vào phát triển những kết quả nghiên cứu ban đầu của đề tài: “Các giải pháp thông minh để thu hồi kim loại có giá trị từ nước thải khó xử lý và chất thải điện tử cho nền kinh tế tuần hoàn” đồng thời hợp tác với các công ty xử lý nước thải tại Việt Nam và Đài Loan nhằm triển khai những kết quả nghiên cứu vào thực tiễn mang lại giá trị cho cộng đồng.

Giải thưởng Sáng tạo Châu Á được phát động vào năm 2020 nhằm thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và hiện thực hóa một xã hội bền vững trong khu vực ASEAN.

Giải thưởng này công nhận những cá nhân và tập thể đã phục vụ lợi ích công cộng thông qua những nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Năm 2021, Giải thưởng thu hút các thành tựu nghiên cứu từ 21 trường đại học và viện nghiên cứu ở 6 quốc gia ASEAN (Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam). Giải thưởng gồm các hạng mục sáng tạo tốt nhất (giải đặc biệt), sáng tạo xuất sắc và khuyến khích.

Nhật Tân