Ở Mỹ không có Giáo sư, Phó Giáo sư giảng dạy học sinh chuyên

28/03/2022 06:32
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở Mỹ không có tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư giảng dạy cho học sinh tài năng/năng khiếu

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Giáo dục Đinh Thu Hồng, giáo viên lâu năm tại học khu Gwinett, bang Georgia, Mỹ cho biết:

“Ở Mỹ có hai loại hình Gifted Program (Giáo dục tài năng/năng khiếu).

Một là trường dành cho các học sinh chuyên theo lĩnh vực như: Nghệ thuật, STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), …

Hai là các lớp chuyên ở trong một trường.

Chương trình giáo dục tài năng/năng khiếu của Mỹ có đa dạng các lĩnh vực từ học thuật đến nghệ thuật, thể thao, … ”

Thạc sĩ Giáo dục Đinh Thu Hồng, giáo viên lâu năm tại học khu Gwinett, bang Georgia, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sĩ Giáo dục Đinh Thu Hồng, giáo viên lâu năm tại học khu Gwinett, bang Georgia, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tùy thuộc vào nhu cầu nghề nghiệp, nguồn lực ở mỗi tiểu bang, học khu sẽ có một số khác biệt nhất định về số lượng, quy mô trường chuyên, lớp chuyên và cách thức lựa chọn học sinh tài năng/năng khiếu.

Mô hình lớp giáo dục tài năng/năng khiếu thuộc các trường công, còn trường chuyên có thể thuộc công lập hoặc tư thục.

Cô Thu Hồng cho biết nguồn kinh phí đầu tư cho các lớp, trường chuyên thuộc công lập đến từ ngân sách nhà nước, những người dân ở khu vực đó. Còn với trường chuyên tư thục do phụ huynh đóng góp.

Điểm khác biệt căn bản giữa chương trình tài năng/năng khiếu và chương trình cơ bản là nguồn tài nguyên về tri thức mà học sinh được tiếp cận. Việc lựa chọn học sinh cho các chương trình tài năng/năng khiếu nhằm mục đích giúp các em có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát huy thế mạnh của mình.

Ví dụ với những em có năng khiếu về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) sẽ được học sâu hơn, tiếp cận nhiều kiến thức về lĩnh vực này.

Bên cạnh đó học sinh sẽ thực hiện các dự án, được rèn luyện nhiều hơn về các kỹ năng như: làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, ...

Các bài giảng sẽ có độ khó cao hơn hơn so với chương trình cơ bản, từ đó tạo được hứng thú học tập cho học sinh.

Tuy nhiên giữa hai loại hình này không có sự khác biệt nhiều về điều kiện cơ sở vật chất vì nền giáo dục của Mỹ hướng đến cơ hội học tập cho tất cả các đối tượng.

Học sinh thuộc chương trình tài năng/năng khiếu được tiếp cận với kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực các em yêu thích. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Học sinh thuộc chương trình tài năng/năng khiếu được tiếp cận với kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực các em yêu thích. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ở Mỹ không có giáo sư giảng dạy học sinh chuyên

Cô Thu Hồng chia sẻ: “Ở Mỹ không có tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư giảng dạy cho học sinh tài năng/năng khiếu. Người đã công tác ở các trường đại học sẽ không về dạy các bậc học dưới.”

Để dạy các chương trình tài năng/năng khiếu, giáo viên phải có chứng chỉ đã hoàn thành khóa học này tại các trường đại học. Tùy theo nhu cầu của những trường có lớp chuyên, trường sẽ cử và trả chi phí cho giáo viên đi học. Hoặc những thầy cô có nhu cầu dạy học sinh tài năng/năng khiếu thì sẽ tham gia khóa học tại trường đại học có chương trình đó nhưng phải tự trả toàn bộ chi phí.

Năm 2021 cô Thu Hồng được trường cử đi học lấy chứng chỉ dạy học sinh tài năng/năng khiếu – Gifted endorsement.

Cô Thu Hồng chia sẻ: “Khóa học kéo dài khoảng 1 năm. Khối lượng kiến thức rất nhiều có thể tương đương với một tấm bằng thạc sĩ.”

Khóa học để lấy chứng chỉ dạy học sinh tài năng/năng khiếu bao gồm những nội dung như:

Chiến thuật giảng dạy cho các nhóm đối tượng học sinh. Vì mỗi em có tính cách khác nhau em có năng lực nhưng lại thiếu động lực, học sinh giỏi về học thuật, có những em vừa là học sinh tài năng/năng khiếu vừa thuộc nhóm giáo dục đặc biệt ví dụ như: Mắc hội chứng tự kỷ, tăng động suy giảm trí nhớ, … thì cần phương pháp giảng dạy riêng.

Ngoài ra giáo viên được học cách phát hiện ra năng khiếu của học sinh thuộc về lĩnh vực gì, cách xây dựng bài thi đầu vào cho các em, điểm bao nhiêu thì đủ tiêu chuẩn, …

Giáo viên còn được cung cấp thêm các cách giúp bố mẹ hỗ trợ trẻ tài năng/năng khiếu tại nhà, …

Mời giáo sư về dạy trường chuyên sẽ tạo ra sự bất hợp lý trong cơ cấu ngành giáo dục

Thạc sĩ Thu Hồng cho rằng việc mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy trường chuyên sẽ gây ra sự bất hợp lý. Vì phương pháp học tập ở bậc trung học khác với bậc đại học. Thêm vào đó có nhiều sự khác biệt về tâm sinh lý giữa học sinh và sinh viên đại học.

Ở bậc đại học, sinh viên tự học dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Ở bậc trung học, học sinh cần được thầy cô chỉ bảo nhiều hơn. Vì vậy, việc mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy cho học sinh chuyên thì sẽ mất thời gian và tiền bạc để phổ biến phương pháp giảng dạy.

Thêm vào đó, những giảng viên có học hàm, học vị như thế thường có thiên hướng nghiên cứu. Mặc dù từ cấp 1 học sinh ở Mỹ bắt đầu học cách nghiên cứu các vấn đề. Tuy nhiên phương pháp nghiên cứu của học sinh trung học rất khác so với sinh viên đại học. Vì vậy ở Mỹ không có giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ giảng dạy bậc trung học.

Cô Thu Hồng cho rằng việc mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về giảng dạy cho học sinh chuyên là điều bất hợp lý. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Thu Hồng cho rằng việc mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về giảng dạy cho học sinh chuyên là điều bất hợp lý. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những trường thiếu giáo viên dạy chuyên, lãnh đạo sẽ cử thầy cô đi học. Thêm vào đó khi bổ sung nhân sự vào giảng dạy lãnh đạo trường cần phải sắp xếp vị trí, tính toán trả lương và các chế độ phúc lợi xã hội.

"Theo tôi việc tuyển dụng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy trường chuyên sẽ làm phức tạp thêm cho bộ máy giáo dục, nó không thực sự hiệu quả, làm tốn thời gian, tiền của và công sức.

Việc chi một số tiền lớn từ ngân sách nhà nước để đầu tư cho trường chuyên sẽ làm mất cân bằng trong cơ hội học tập của nhiều học sinh khác. Trong khi học sinh chuyên chỉ chiếm một phần nhỏ và mô hình trường chuyên của Việt Nam hầu hết là những học sinh giỏi về học thuật", cô Thu Hồng nêu quan điểm.

Nhật Tân