Ở nhiều nước phát triển, hệ thống công lập không có trường chuyên

13/04/2022 06:40
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- TS Lê Viết Khuyến: "Một số quốc gia phát triển có ngân sách đầu tư cho giáo dục cao, mặt bằng chất lượng cao nên không có hệ thống trường chuyên khối công lập".

Từ trước đến nay, việc đầu tư phát triển trường chuyên luôn được quan tâm, bởi với các địa phương, đây chính là giáo dục mũi nhọn, là “động lực” thúc đẩy sự vươn lên của nền giáo dục.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận và đánh giá lại hiệu quả đầu tư kinh tế đối với trường chuyên nhằm điều chỉnh, định hướng phát triển mới để hệ thống trường trung học phổ thông chuyên thực sự phát huy hiệu quả.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, cần nhìn nhận lại triết lý của hệ thống trường chuyên lớp chọn. (Ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, cần nhìn nhận lại triết lý của hệ thống trường chuyên lớp chọn. (Ảnh: Tùng Dương)

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về mục tiêu bồi dưỡng nhân tài từ bậc phổ thông, đặc biệt là câu chuyện đầu tư trường chuyên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc xây dựng phát triển trường chuyên cần đặt vào bối cảnh cụ thể của từng quốc gia.

Cụ thể, ở một số quốc gia phát triển, phúc lợi xã hội cao, ngân sách đầu tư cho giáo dục nhiều, mặt bằng chất lượng giáo dục cao nên họ không tạo ra hệ thống trường chuyên ở bậc phổ thông. Còn với đất nước phúc lợi xã hội chưa cao, không có đủ kinh phí đầu tư dàn trải, mặt bằng chất lượng giáo dục còn thấp thì cần phải có sự ưu tiên trong đầu tư hệ thống trường chuyên, để bồi dưỡng những học sinh tài năng, có năng lực nổi trội.

Nhưng ngay ở những nước phát triển, việc phát hiện bồi dưỡng nhân tài cũng luôn được coi trọng, hệ thống trường công lập không có trường chuyên nhưng có những trường được đầu tư cao ở hệ thống trường tư thục.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, cần nhìn nhận lại triết lý của hệ thống trường chuyên lớp chọn. Ở bậc phổ thông, trường chuyên cần phải được đào tạo toàn diện thay vì chuyên về một môn học.

Nếu tạo ra hệ thống trường chuyên học lệch thì chính ngành giáo dục đang chạy theo căn bệnh thành tích chứ không phải vì mục tiêu đào tạo con người.

Việc tập trung đầu tư cho trường chuyên phải nhằm mục đích bồi dưỡng những học sinh năng khiếu, có năng lực nổi bật, giúp các em phát triển toàn diện, không chỉ có kiến thức mà còn phát triển về thể chất, năng lực, phẩm chất,…

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đánh giá những đầu tư đối với trường chuyên đã đạt được một số hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển, bồi dưỡng nhân tài, cần tính đến phương án xã hội hóa giáo dục và để khối tư thục cùng xây dựng, phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên.

Ở bối cảnh đất nước chúng ta, Nhà nước vẫn cần có sự ưu tiên đầu tư cho một số bộ phận học sinh ưu tú vì mục đích đào tạo nhân tài. Nhưng vì mức đầu tư cho trường chuyên cao hơn, chúng ta có thể huy động các nguồn xã hội hóa.

Bên cạnh đó, phải mở rộng cơ chế, khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng trường chuyên , tất nhiên cũng cần phải có những yêu cầu đảm bảo các tiêu chí, chuẩn mực tối thiểu trong đào tạo ở trường chuyên.

Trường chuyên cần đào tạo toàn diện thay vì "học lệch"

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

Bàn về vấn đề đầu tư phát triển trường chuyên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Nhà nước đầu tư cho một số trường chuyên phát triển khá tốt và gặt hái được những kết quả nhất định.

Song, chúng ta cũng cần đánh giá lại công tác đào tạo ở một số trường chuyên hiện nay. Nếu trường chuyên phớt lờ câu chuyện đào tạo toàn diện cho học sinh, nghĩa là đã đi ngược lại với mục tiêu giáo dục và đây là điều không thể chấp nhận.

Giáo dục bậc phổ thông đòi hỏi đào tạo con người có hiểu biết tương đối toàn diện, có nghĩa là một học sinh năng khiếu về khoa học tự nhiên nhưng vẫn cần hiểu vấn đề văn hóa, xã hội, đất nước, con người,… và ngược lại.

Các em cần được giáo dục từ kiến thức đến năng lực, phẩm chất, kỹ năng,… Đặc biệt, chúng ta cần làm tốt giáo dục hướng nghiệp ở bậc phổ thông, ngay cả với những trường chuyên.

Mặc dù được đầu tư để phát triển nhưng một số trường chuyên cũng chưa làm tốt nhiệm vụ này.”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ nhận định.

Linh Trang