Ở tiểu học các con đều giỏi, sao lên lớp 6 lại lúng túng, nhút nhát?

06/08/2021 07:01
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh lớp 6 bỗng trở nên nhút nhát, lúng túng, đó là tâm lý chung của các em đang lớn nhất tại trường tiểu học, nay lại trở thành nhỏ nhất ở trường Trung học.

Với học sinh lớp 5, việc chuyển tiếp từ bậc Tiểu học lên bậc Trung học cơ sở được coi là bước ngoặt trong cuộc đời. Các con bắt đầu một môi trường học tập mới với nhiều kiến thức mới, mối quan hệ mới. Đây cũng là lúc rất nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi tại sao khi học tiểu học các con đều là học sinh giỏi nhưng khi mới lên lớp 6 các con lại trở nên thiếu tập trung, học lực giảm sút…

Bậc Trung học cơ sở có khá nhiều điều mới lạ, mỗi thầy cô phụ trách một môn học, hết giờ các thầy cô sẽ di chuyển sang lớp khác dạy. Một số học sinh chưa hiểu kỹ bài chưa biết nên làm như thế nào? Một số bạn sẽ thấy thầy cô giảng bài khá nhanh, các bạn chưa quen với việc tự giác ghi chép nên còn lúng túng, mất tự tin.

Học sinh lớp 6 trở nên nhút nhát, đó là tâm lý của những học sinh đang lớn nhất tại trường tiểu học, nay lại trở thành nhỏ nhất của trường Trung học cơ sở. Nhìn các anh chị lớp trên cao lớn, lanh lợi, các bạn bỗng thấy mình sao nhỏ bé, ngơ ngác, lo ngại.

Cô Hồ Thị Hải Yến - Giáo viên chủ nhiệm lớp 6sN2 Trường trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.

Cô Hồ Thị Hải Yến - Giáo viên chủ nhiệm lớp 6sN2 Trường trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Hồ Thị Hải Yến - Giáo viên chủ nhiệm lớp 6sN2 Trường trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, cô Yến chia sẻ: “Giáo dục là khoa học, nhưng cũng là nghệ thuật, mỗi thầy cô, ngoài trình độ chuyên môn cũng cần có nhân cách, kỹ năng tốt, hiểu tâm lý lứa tuổi học trò và phải là một nhà tâm lý.

Là giáo viên chủ nhiệm trẻ, tôi luôn tự nhủ bản thân không ngừng học hỏi, sáng tạo trong tổ chức lớp học với ý tưởng mới phù hợp với xu thế, tâm lý lứa tuổi học sinh. Sẵn sàng chia sẻ khi ngồi thật lâu để nghe các con tâm sự những chuyện như “con cún nhà con bị ốm”, hoặc “con mèo nhà con cũng già rồi…”..

Tôi có thể hòa theo điệu nhạc hiện đại mà các con đang chơi, tự tin hát bằng tiếng Anh cùng học trò. Tận dụng tối đa cho các con phát huy tiếng Anh, ứng dụng công nghệ thông tin, máy tính, thuyết trình... Các con đều có nhiệm vụ đóng góp, thấy mình có trách nhiệm.

Nhớ một năm, lớp tôi đang chủ nhiệm có 2 học sinh rất ít nói là A. và H. Tôi quan sát nhận thấy A. ngại giao tiếp vì thói quen, chứ không vấn đề gì tâm lý cả. Còn H. ít nói vì con gặp phải những biến cố ở cấp tiểu học. Hai con không ai chơi với ai, mặt trầm tư, mỗi bạn ngồi một mình góc lớp.

Nhưng bây giờ, hai bạn chơi với nhau, miệng đã nở nụ cười nhiều hơn, tham gia các hoạt động trong lớp tích cực, tự tin đứng lên trước lớp chia sẻ, nhận lời tham gia vào tiết mục nhảy của lớp. Tôi cho đó là sự tiến bộ tuyệt vời của chính các con.

Để có được điều đó, tôi luôn trao đổi với gia đình các con rằng, không cần ép các con phải nói chuyện, phải giao tiếp ngay, cũng chẳng thể ép các bạn trong lớp phải chơi với các bạn ấy. Sự ép buộc là điều không thể, hãy cho các con thời gian thích nghi, và cùng định hướng giáo dục dần dần, “mưa dầm thấm lâu”. Tôi hứa sẽ đồng hành cùng các con.

Các con đang trong giai đoạn biến động tâm lí, nên đòi hỏi sự nhẫn nại của người lớn, muốn được thấu hiểu, chia sẻ. Dần dần, tôi đã biết "lùi một bước" để lắng nghe, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, tình yêu thương của tôi dành cho các con còn giúp tôi thấu hiểu, thông cảm và luôn sẵn lòng hỗ trợ”.

Các em học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ mỹ thuật. Ảnh: NVCC.
Các em học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ mỹ thuật. Ảnh: NVCC.

Mỗi học sinh là một cảm xúc

Theo cô Yến: “Nhớ lại cậu học trò M.T tôi chủ nhiệm những ngày đầu hồi lớp 6 ngày nào giờ đã là học sinh lớp 9 chững chạc, học tập tiến bộ. Lớp 6 năm ấy, M.T đã trêu đùa, kéo quần bạn P., khiến mẹ P. cảm thấy vô cùng bức xúc, phụ huynh trong lớp cũng lo lắng, bàn tán.

Giữa đêm muộn, mẹ P gọi điện đề nghị tôi phải xử lý “cho ra ngô ra khoai”, và muốn kiến nghị lên nhà trường rằng “học sinh như thế không thể học ở trường này...”.

Sau khi kiên nhẫn lắng nghe, tôi giải thích rằng các con vô tư, hồn nhiên, tuổi dậy thì không tránh được chệch choạc trong hành vi. Rất mong gia đình kiên nhẫn đồng hành, cho tôi và các con cơ hội để sửa sai

Tôi công khai xin lỗi các gia đình về việc để mọi người phải bận tâm, tha thiết mong muốn gia đình và nhà trường cùng phối hợp, tạo điều kiện cho các con tiến bộ, trưởng thành trong việc phát triển nhân cách.

Thấm thoắt thời gian trôi đi, khi là học sinh cuối cấp II, P. và T. chơi hòa đồng với nhau, và câu chuyện lớp 6 thuở nào có lẽ cũng chẳng ai nhớ nhiều ngoài tôi vẫn như in cảm giác căng thẳng, lo lắng khi “đối mặt” với phụ huynh đang tức giận, và tập thể phụ huynh lo lắng năm ấy.

Tôi thường tự đặt mình vào vị thế của các con để hiểu được hành vi và thái độ của người trong cuộc, để có thể nắm bắt được thay đổi tâm sinh lý, hàng ngàn biểu hiện, hành vi bất thường của các con có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Các em học sinh lớp 6sN2 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ ngoại khóa. Ảnh: NVCC.
Các em học sinh lớp 6sN2 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ ngoại khóa. Ảnh: NVCC.

Luôn thấu hiểu học trò

Cô Yến cho biết: “Lứa học trò lớp 6 năm nay tôi làm chủ nhiệm, có một cậu bé tên K. với thân hình tròn tròn, mắt chớp chớp như chực để trào nước mắt nếu có điều không vừa ý.

K. có đặc điểm từ tác phong đi lại, ghi chép, hay giao tiếp, đeo khăn đỏ, đi giày...đều rất chậm, em hỏi rất nhiều những câu không liên quan đến chủ đề trong khi các thầy cô giảng bài. Một điều lạ nữa là em sợ xúc xích, sợ đến mức chỉ ngửi mùi là đã hét toáng lên và cáu giận, vứt đồ đạc để phản ứng.

K. cũng dễ khóc, và mỗi lần khóc là con nói “cùn”, không ai khuyên bảo được. Với các bạn, con không hòa đồng vì các bạn mê xúc xích trong khi con lại ghét.

Đầu học kỳ I, tôi cũng khá “điêu đứng” với K. khi liên tục nhận được phản hồi từ các giáo viên bộ môn: Con ghi chép quá chậm, không chịu mượn vở của bạn bè vì con không tin tưởng.

Tôi đã chủ động hỏi chuyện động viên, trong giờ học xuống xem con làm bài, khi không có tiết dạy, tôi đứng ngoài cửa lớp quan sát để nắm bắt tình hình, xếp con ngồi cùng bạn học khá để trợ giúp con.

Giờ đây, K. vẫn tác phong chưa nhanh, vẫn sợ xúc xích, nhưng đã bớt khóc nhè, bớt hỏi những chuyện vu vơ, chủ động ghi chép, đã hỏi bạn để mượn vở chép bài. Con được mọi người đồng cảm, tôn trọng sự khác biệt, và nhờ đó tinh thần của con tích cực hơn.

K. đã nỗ lực nhiều và nói “con chỉ muốn được học với cô và các bạn lớp mình”. Tôi tin rằng, với tình yêu thương, thấu hiểu, và nhẫn nại của cô và các bạn, con sẽ luôn thấy an toàn, được tôn trọng, cảm thấy hạnh phúc và dần tiến bộ hơn”.

Các em học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ ngoại khóa. Ảnh: NVCC.
Các em học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ ngoại khóa. Ảnh: NVCC.

Chấp nhận mọi mặt mạnh, yếu của từng con

Cô Yến nêu quan điểm: “Tôi luôn quan niệm, thầy cô là người “dùng nhân cách để dạy nhân cách”, bản thân giáo viên phải là tấm gương, không ngừng rèn giũa cả về chuyên môn, và cả phẩm chất lối sống thể hiện qua ngôn từ, ứng xử hành vi hàng ngày với đồng nghiệp, với học trò.

Ngày đầu tiên của năm học, tôi cùng các con thảo luận, thống nhất đưa ra một hệ thống các hành vi phù hợp trong lớp, đó là cách đối xử với bạn bè, thầy cô, cách tự chủ trong học tập, xây dựng thói quen, giúp các con có tinh thần kỷ luật.

Tôi luôn lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt, chấp nhận mọi mặt mạnh, yếu của từng con, không áp dụng kỷ luật hà khắc gây tổn thương cho học trò. Xác định bản thân là người cầm cân nảy mực, phân xử mọi vụ việc trong lớp phải đạt tình và thấu lý, đưa ra những giải pháp tối ưu nhất được cả tập thể tán thành và ủng hộ.

Trước các kỳ thi hết học kì I, học kì II, tôi định hướng cho các con tự ghi ra mục tiêu phấn đấu theo sơ đồ tư duy, giúp các con tự lên kế hoạch ôn tập, quản lý thời gian tự học hợp lý, giải quyết các công việc cá nhân để hướng đến đạt được mục tiêu phấn đấu. Theo tôi, đây là cách để “gieo” nhu cầu cho học sinh dần thực, không dùng áp lực, kỷ luật sắt đá để áp đặt, ép buộc các con phải học tập căng thẳng”.

Cô Yến chia sẻ thêm: “Lòng yêu nghề, trách nhiệm và tình yêu thương học trò là động lực để thôi thúc tôi cần phải phát triển bản thân, tìm tòi sáng tạo để có những bài học hấp dẫn, tạo hứng thú cho học trò khám phá kiến thức.

Khuyến khích học trò xây dựng môi trường nói tiếng Anh thường xuyên, thu âm giọng nói để cô hỗ trợ sửa lỗi, viết các đoạn văn, thực hành các cuộc hội thoại, để các con cảm nhận việc học tiếng Anh là thiết thực, là những kỹ năng thiết yếu trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Luôn đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá đối với môn tiếng Anh, không chỉ dựa trên các bài thi viết, mà có thể là thuyết trình, đóng kịch, sản phẩm dự án theo nhóm, để có thể tạo động lực cho các con học sinh phấn đấu, thể hiện thế mạnh bản thân.

Tôi thường đặt tình huống cho học sinh: “Con sẽ làm gì khi bạn khác nói xấu mình?” hoặc “Tại sao chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt của bạn bè?”, “Con gặp khó khăn gì trong học tập?” ,”Gần đây con có niềm vui gì? Con chia sẻ với cô được không?”, “Con có kỷ niệm gì với gia đình gần đây nhất…”.

Các con luôn hiểu rằng, cô Yến đến lớp là để yêu thương, để bảo vệ quyền lợi của tất cả con đều công bằng, như nhau. Vậy nên có bất kỳ vấn đề gì, hãy cứ chia sẻ, tâm sự để cô hiểu các con hơn, và cô là người xử lý nhanh nhất, kịp thời nhất mọi vấn đề, tâm tư, nguyện vọng của các con”.

Tùng Dương