Oái oăm phần mềm tập huấn giáo viên cần thì bị khóa, TEMIS vô bổ thì còn

15/05/2022 06:17
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số giáo viên dưới cơ sở đã nói vui với nhau rằng cái mà giáo viên cần tồn tại thì đã bị khóa, cái mà giáo viên muốn khóa đi thì lại đang tồn tại.

Hơn một năm qua, cán bộ quản lý, giáo viên các trường học phổ thông trên cả nước đã tham gia tập huấn trực tuyến 5 module bắt buộc trên phần mềm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp với những nội dung thì dài dằng dặc.

Những module này được mở ra đều trong thời điểm đang diễn ra năm học nên giáo viên vừa giảng dạy, vừa tham gia tập huấn. Chính vì thế, nhiều khi giáo viên chưa nắm được thấu đáo, tường tận về nội dung bởi có một số module được triển khai cận kề thời điểm kiểm tra giữa kỳ, cuối học kỳ.

Giáo viên dưới cơ sở cứ nghĩ phần mềm này sẽ được tồn tại thêm một thời gian dài để khi gặp vướng mắc về nội dung chương trình, về phương pháp, về cách đánh giá, kiểm tra thì họ có thể vào xem lại, học lại vì việc triển khai giảng dạy chương trình mới đang đi ở chặng đường đầu tiên.

Thế nhưng, ngay sau khi giáo viên hoàn thành các module bắt buộc thì trên trang tập huấn trực tuyến của Bộ đã bị khóa gần hết các chuyên trang.

Trong đó, trang “học tập” là quan trọng nhất đối với giáo viên cũng đã bị khóa. Chỉ còn duy nhất trang TEMIS là giáo viên còn có thể vào được để cập nhật minh chứng cho việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp mà thôi.

Đa phần các trang trên phần mềm tập huấn trực tuyến hiện nay đã bị khóa (Ảnh minh họa: Hương Mai)

Đa phần các trang trên phần mềm tập huấn trực tuyến hiện nay đã bị khóa

(Ảnh minh họa: Hương Mai)

Cái giáo viên cần tồn tại thì bị khóa, cái giáo viên muốn khóa lại tồn tại

Kể từ năm học 2020-2021 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai tập huấn trực tuyến cho giáo viên phổ thông trên cả nước với có 9 module, đó là:

Module 1: Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Modul 2: Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông;

Modul 3: Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; Modul 4: Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông;

Modul 5: Tư vấn và hỗ trợ học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông trong hoạt động giáo dục và dạy học; Modul 6: Xây dựng văn hóa nhà trường tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông;

Modul 7: Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường ở trường tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông; Modul 8: Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông.

Module 9: Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông.

Trong 9 module này thì có các module 1, 2, 4, 5, 9 là bắt buộc, các module còn lại thì giáo viên được yêu cầu tham khảo.

Thế nhưng, ngay sau khi tập huấn xong module 9 thì tất cả các nội dung học tập, bồi dưỡng của giáo viên trong thời gian qua đã bị khóa tức thì. Điều này cũng đồng nghĩa là nếu như giáo viên muốn tham khảo lại đều không thể vào được.

Trong khi, tính đến thời điểm hiện nay thì ngành giáo dục mới triển khai giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6 nên phần lớn giáo viên ở các trường phổ thông đang còn dạy chương trình 2006.

Thậm chí cấp trung học phổ thông thì mãi năm học 2022-2023 tới đây mới có thể giảng dạy chương trình mới. Vậy, nếu giáo viên gặp khó khăn thì họ sẽ gỡ như thế nào? Đây rõ ràng là một bất cập rất lớn trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bởi, chương trình mới rất ít tập huấn trực tiếp mà lấy tập huấn trực tuyến làm chủ đạo nhưng giáo viên vừa hoàn thành thì phần mềm đã bị khóa lại tức thì.

Khi trao đổi với một chuyên viên phụ trách chuyên môn của một phòng giáo dục về việc các module đã bị khóa thì vị này cho biết rằng do ngành giáo dục kí hợp đồng với nhà mạng đến thời điểm đó là hết hợp đồng nên họ khóa. Bây giờ, muốn mở lại thì ngành giáo dục phải kí tiếp hợp đồng và tất nhiên là phải trả thêm kinh phí cho nhà mạng…

Như vậy, đến thời điểm này thì các trang tập huấn trực tuyến của giáo viên đã bị khóa hết, chỉ còn tồn tại trang TEMIS để hàng năm giáo viên và các nhà trường tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp lên mà thôi.

Tuy nhiên, việc tìm, tải minh chứng trên phần mềm TEMIS đang rất hình thức, vô bổ và gần như chẳng có tác dụng gì nhưng lại đang mất rất nhiều thời gian, công sức của các nhà giáo vào thời điểm cuối năm học.

Vì thế, một số giáo viên dưới cơ sở nói vui với nhau rằng cái mà giáo viên cần tồn tại thì đã bị khóa, cái mà giáo viên muốn khóa đi thì lại đang tồn tại.

Phần học tập của giáo viên đã bị khóa, Bộ nên khóa luôn phần TEMIS

Ngày 10/5 vừa qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết "Năm nào cũng bắt thầy cô đánh giá chuẩn nghề nghiệp, tìm-tải minh chứng làm gì?" của tác giả Nguyễn Nguyên đã nhận được sự quan tâm và chia sẻ của nhiều thầy cô giáo trên cả nước.

Theo nội dung bài báo này, cũng như rất nhiều phản hồi của đội ngũ nhà giáo khi bài viết được chia sẻ lại trên các trang mạng xã hội của các nhóm giáo viên thì đa phần các ý kiến đều mong muốn Bộ nên bỏ việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp nhà giáo hàng năm.

Bởi lẽ, công việc này đang rất hình thức mà chẳng có tác dụng gì đối với nhà giáo nên vào thời điểm cuối năm học mỗi khi giáo viên tất tả ngược xuôi đi phô tô các tài liệu, văn bằng, giấy tờ là nhiều thầy cô rất ngán ngại.

Đặc biệt là những thầy cô yếu về công nghệ thông tin mà phải chụp hình, tải minh chứng lên phần mềm TEMIS là một cực hình bởi phải qua rất nhiều những thao tác khác nhau mới hoàn tất được.

Vì thế, nếu Bộ đã chủ trương khóa hết các nội dung học tập thì cũng nên khóa luôn phần mềm TEMIS cho giáo viên được nhờ.

Bởi, chương trình 2018 vừa khó, vừa mới, vừa cần thiết đối với giáo viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng vừa thực hiện được 3/12 lớp, nội dung học tập đã khóa thì phần mềm TEMIS để làm gì cho tốn thêm kinh phí trả cho nhà mạng?

Cái thiết thực, hữu ích đối với các nhà giáo mà Bộ không muốn giữ lại, không gia hạn thêm hợp đồng thì chuyện tải minh chứng cho chuẩn nghề nghiệp giữ lại làm gì khi các nhà trường đã, đang và sẽ tiếp tục lưu giữ các loại minh chứng này trong hồ sơ cá nhân của giáo viên?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI