Ông Phạm Xuân Tiến giải thích thêm về dừng tuyển song bằng lớp 6

26/04/2021 16:14
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đây là hai trường trung học cơ sở tự chủ tài chính và là 2 trong 7 trường công lập thực hiện thí điểm đào tạo song bằng được công nhận thành viên của Cambridge.

Ngày 23/4, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội – Phạm Xuân Tiến cho biết đã chỉ đạo các trường không tuyển mới học sinh lớp 6 chương trình đào tạo song bằng IGCSE tại 7 trường trung học cơ sở tham gia Đề án từ năm học 2021-2022 theo tiến trình thời gian quy định trong Đề án “Thí điểm chương trình đào tạo song bằng trung học cơ sở Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE tại một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội”.

Trước việc nhiều phụ huynh học sinh lớp 5 đã chuẩn bị cho con học tập, rèn luyện trong thời gian dài để thi tuyển sinh học chương trình song bằng, nay lại đột ngột dừng tuyển sinh, ông Phạm Xuân Tiến bày tỏ lấy làm tiếc khi thông tin về Đề án chưa được công bố rộng rãi trước đó.

Theo ông Tiến, học sinh mong muốn học chương trình song bằng có thể đăng ký vào trường ngoài công lập hoặc quốc tế. Trong nhóm 7 trường triển khai đề án, Trung học cơ sở Thanh Xuân và Trung học cơ sở Cầu Giấy đã được công nhận đạt tiêu chí chất lượng cao và có thể chủ động xây dựng đề án để thực hiện tiếp chương trình này. Nếu Ủy ban nhân dân quận đồng ý cho triển khai, các trường này sẽ được tuyển sinh lớp 6 hệ song bằng.

Để phụ huynh, nhà trường hiểu rõ hơn về thông tin này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội – Phạm Xuân Tiến.

Ông Phạm Xuân Tiến lý giải, Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân và trường Trung học cơ sở Cầu Giấy là hai trường trung học cơ sở tự chủ tài chính và là 2 trong 7 trường công lập thực hiện thí điểm đào tạo song bằng được công nhận thành viên của Cambridge.

Năm học tới đây, 7 trường thí điểm không được tuyển mới học sinh lớp 6 chương trình đào tạo song bằng theo Đề án, tuy nhiên Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân và trường Trung học cơ sở Cầu Giấy vẫn có thể triển khai chương trình giáo dục tích hợp (tức là chương trình giáo dục của Việt Nam được tích hợp với chương trình giáo dục của nước ngoài, bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục của Việt Nam và không trùng lặp về nội dung, kiến thức) hay gọi tắt là “chương trình song bằng” nhưng cần phải tuân theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ, có hiệu lực từ 1/8/2018.

Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân là 2 trong 7 trường công lập thực hiện thí điểm đào tạo song bằng được công nhận thành viên của Cambridge. (ảnh: thanhxuan.edu.vn)

Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân là 2 trong 7 trường công lập thực hiện thí điểm đào tạo song bằng được công nhận thành viên của Cambridge. (ảnh: thanhxuan.edu.vn)

"Thực hiện theo đúng Nghị định 86/2018/NĐ-CP, nếu Quận Thanh Xuân đồng ý về chủ trương cho trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, Quận Cầu Giấy đồng ý về chủ trương cho trường Trung học cơ sở Cầu Giấy được tiếp tục triển khai chương trình song bằng thì nhà trường phải xây dựng chương trình và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Sau khi Bộ thẩm định chương trình đạt tiêu chuẩn thì Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm tra toàn diện để nhà trường đi vào triển khai theo đúng Nghị định 86/2018/NĐ-CP chứ không thể dùng chương trình hiện nay để đưa vào giảng dạy", ông Tiến nói.

Bởi lẽ, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông tin: “Chương trình mà Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy và 5 trường trung học cơ sở khác đang thí điểm Đề án là chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho thành phố Hà Nội thí điểm.

Nội dung này được thông qua trước khi ban hành Nghị định 86/2018, giờ đây đã có Nghị định 86/2018/NĐ-CP thì 2 trường muốn triển khai tiếp bắt buộc phải tuân theo.

Vì 5 trường còn lại không phải là trường trung học cơ sở tự chủ tài chính nên không nằm trong đối tượng áp dụng của Nghị định 86/2018/NĐ-CP”.

Được biết, từ năm học 2018-2019, Hà Nội thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại 7 trường Trung học cơ sở gồm: Chu Văn An, Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Trưng Vương, Ngô Sĩ Liên, Thanh Xuân và hệ Trung học cơ sở của trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Mỗi trường tuyển hai lớp với 50 học sinh.

Trước đó, trong hướng dẫn tổ chức tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội vào ngày 13/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn nêu tuyển sinh chương trình đào tạo song bằng tuy nhiên đến ngày 23/4 (tức là đúng 10 ngày sau) Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định đã chỉ đạo các trường không tuyển mới học sinh lớp 6 từ năm học 2021-2022 theo tiến trình thời gian quy định trong Đề án. Điều này khiến nhiều phụ huynh và học sinh đã chuẩn bị tâm thế để học tập, ôn luyện thi vào chương trình song bằng.

Ông Phạm Xuân Tiến cho biết hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp là hướng dẫn chung. Còn việc tuyển sinh song bằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phải chờ ý kiến của thành phố đồng ý mới thông báo riêng.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông tin, nhiệm vụ công tác tuyển sinh vào lớp 6 chương trình song bằng theo tiến trình thời gian được quy định trong Đề án cụ thể như sau:

“Đề án thí điểm trong 6 năm:

Năm học 2018-2019: tuyển sinh mới lớp 6;

Năm học 2019-2020: tuyển sinh mới lớp 6 và dạy tiếp học sinh được lên lớp 7;

Năm học 2020-2021: tuyển sinh mới lớp 6 và dạy tiếp học sinh được lên lớp 7,8;

Năm học 2021-2022: dạy tiếp học sinh được lên lớp 7,8,9. Không tuyển mới học sinh lớp 6;

Năm học 2022-2023: dạy tiếp học sinh được lên lớp 8,9;

Năm học 2023-2024: dạy tiếp học sinh được lên lớp 9 và đánh giá toàn bộ Đề án”.

Thùy Linh