PGS Bùi Văn Dũng: muốn tồn tại, phát triển, không thể không quan tâm chất lượng

11/02/2022 06:48
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trường Đại học Hồng Đức luôn xác định muốn tồn tại và phát triển thì không thể không quan tâm đến chất lượng.

LTS: Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, đây là ngôi trường đại học địa phương có bề dày truyền thống trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung ứng các dịch vụ khác cho địa phương và khu vực.

Phóng viên: Thưa Phó giáo sư Bùi Văn Dũng, năm 2021, đối mặt với muôn vàn khó khăn của đại dịch Covid-19 nhà trường vẫn đã có những bước phát triển đáng kể, thầy cho biết những điểm nổi bật của nhà trường trong năm qua?

Phó giáo sư Bùi Văn Dũng: Là một trường đại học địa phương, chúng tôi nhận được sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp nhịp nhàng với các cấp, ngành trong tỉnh.

Tập thể lãnh đạo nhà trường cũng đã có những rà soát đánh giá sơ bộ về những nỗ lực trong năm 2021 của cán bộ giảng viên, học sinh sinh viên trong bối cảnh chịu nhiều hệ lụy của đại dịch Covid-19 với 10 điểm nổi bật như sau:

Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) - Ảnh: NTCC

Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) - Ảnh: NTCC

Thứ nhất, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đặt hàng, giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP và đào tạo nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên các cấp theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ hai, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu tuyển sinh tất cả các hệ, bậc đào tạo, chất lượng tuyển sinh được nâng cao; ngành đào tạo đại học sư phạm Ngữ văn chất lượng cao có điểm trúng tuyển cao nhất cả nước.

Thứ ba, hoàn thành vượt kế hoạch báo cáo tự đánh giá các chương trình đào tạo, với 08 chương trình đào tạo đại học đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ tư, thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy các đơn vị thuộc và trực thuộc, đảm bảo nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động.

Thứ năm, có 06 nghiên cứu sinh đầu tiên do Nhà trường tổ chức đào tạo đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.

Thứ sáu, tạp chí Khoa học của nhà trường được hội đồng giáo sư Nhà nước công nhận tính điểm công trình; giảng viên Nhà trường đạt giải ba cuộc thi "Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam-VIFOTEC năm 2021”.

Thứ bảy, đội tuyển sinh viên nhà trường đạt giải nhì toàn đoàn cuộc thi Olympics Vật lý toàn quốc; có 02 ý tưởng lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; đạt giải Nhất cuộc thi “ Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên sinh viên tỉnh Thanh Hóa” do Tỉnh đoàn tổ chức.

Thứ tám, triển khai nhiều Đề án lớn gắn với Chiến lược phát triển Nhà trường đến năm 2025 và tầm nhìn 2030.

Thứ chín, triển khai sử dụng Hệ thống phần mềm quản lý trên tất cả các mặt hoạt động, làm cơ sở xây dựng trường học thông minh, hướng tới chuyển đổi số trong Nhà trường.

Thứ mười, chủ động thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đảm bảo mọi hoạt động diễn ra bình thường, chất lượng.

Mục tiêu đến năm 2030, Trường Đại học Hồng Đức trở thành địa chỉ tin cậy, có uy tín về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở một số chuyên ngành mũi nhọn thuộc các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, giáo dục, kỹ thuật công nghệ, nông - lâm - ngư nghiệp, kinh tế (mỗi lĩnh vực ngành chọn 1-2 chuyên ngành) đạt trình độ ngang tầm với các trường đại học lớn trong khu vực miền Trung. Xin thầy cho biết, chuyển đổi số đóng vai trò như thế nào để nhà trường đạt được mục tiêu này?

Phó giáo sư Bùi Văn Dũng: Vai trò của chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, là chuyển đổi mô hình đào tạo dựa trên nền tảng công nghệ số và phương pháp giảng dạy mới. Cụ thể, công nghệ số giúp người học tiếp cận với nội dung tri thức theo cách trực quan nhất (chẳng hạn mô phỏng các thí nghiệm trực quan sinh động bằng công nghệ thực tại ảo), giúp người học có tính chủ động và cá nhân hóa cao (học mọi lúc, mọi nơi, lựa chọn bài học, nội dung học theo yêu cầu,..), tăng trải nghiệm học tập (với các công nghệ trợ lý ảo, gia sư ảo,…).

Mỗi người học sẽ có một không gian số và thư viện số riêng mà ở đó họ dễ dàng tra cứu và sử dụng kho học liệu mở, hội tụ tinh hoa tri thức của nhiều cơ sở giáo dục và các tổ chức khác nhau trên phạm vi toàn cầu.

Ngoài ra, phương pháp học tập mới cũng được vận dụng tối đa mà ở đó giảng viên sẽ sử dụng nền tảng công nghệ số để gia tăng giá trị và hiệu quả dạy học. Công nghệ số cũng thay đổi phương pháp kiểm tra đáng giá theo hướng phát huy năng lực người học, đánh giá khách quan, chính xác, công bằng, loại bỏ tiêu cực.

Vì vậy, lãnh đạo Nhà trường đã đặt chuyển đổi số ở vị trí trung tâm và là chiến lược quan trọng để tạo đột phá trong đào tạo các ngành mũi nhọn cũng như hướng tới mô hình quản trị đại học thông minh và đại học số.

Vậy thời gian tới nhà trường đẩy mạnh chuyển đổi số ra sao để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? Theo thầy, để thực hiện chuyển đổi số thành công thì vai trò người thầy sẽ ở đâu?

Phó giáo sư Bùi Văn Dũng: Hiện nay Nhà trường đang xây dựng đề án “Chuyển đổi số Trường Đại học Hồng Đức giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030” gồm các nội dung chủ yếu như:

Xây dựng và chuyển đổi tổ chức số, quản trị số, môi trường số, thư viện số, dữ liệu số và dịch vụ số; xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, hệ sinh thái phần mềm dịch vụ số trong quản lý điều hành;

Xây dựng Trung tâm quản trị và điều hành thông minh, tích hợp 100% các dịch vụ số và tài nguyên số trong Nhà trường;

100% các hoạt động quản lý điều hành trong Nhà trường được số hóa và thực hiện trên không gian số ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định quản trị kịp thời, chính xác..

Bên cạnh đó, Nhà trường cũng chủ động xây dựng, hoàn thiện thể chế số, và hệ thống văn bản pháp lý về chính sách chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin, khai thác sử dụng các dịch vụ đào tạo trong không gian số.

Để thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ và hiệu quả, Nhà trường đang xây dựng kế hoạch tuyên truyền về vai trò của chuyển đổi số trong giáo dục, xu hướng phát triển của trường đại học số, đại học thông minh, từ đó lan tỏa về vai trò của chuyển đổi số và phát triển văn hóa số đến toàn thể cán bộ, giảng viên, người lao động trong Nhà trường.

Từ đó, người thầy hay đội ngũ giảng viên cũng phải chuyển đổi để thích nghi với công nghệ số, bài giảng số, nguồn học liệu đa phương tiện, đặc biệt là phương pháp giảng dạy mới và phương pháp kiểm tra đánh giá mới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần xây dựng văn hóa chất lượng trong trường đại học nghĩa là làm cho tất cả đối tượng trong nhà trường đều tham gia vào quá trình xây dựng, kiểm soát và nâng cao chất lượng của mọi hoạt động trong nhà trường. Nhìn nhận từ trường Đại học Hồng Đức, theo thầy, văn hóa chất lượng có vai trò gì trong hệ thống quản lý chất lượng?

Phó giáo sư Bùi Văn Dũng: Trong thời gian gần đây, song song với việc phát triển hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, trường Đại học Hồng Đức cũng như các cơ sở giáo dục đại học đã có nhiều quan tâm đến việc phát triển văn hóa nói chung và văn hóa chất lượng trong các lĩnh vực hoạt động.

Thông qua bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học ban hành kèm theo thông tư 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, yếu tố văn hóa đã được chính thức sử dụng để đánh giá chất lượng trường đại học.

Trường Đại học Hồng Đức luôn xác định muốn tồn tại và phát triển thì không thể không quan tâm đến chất lượng. Sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động dịch vụ khác của nhà trường cung cấp cho xã hội muốn có chất lượng đòi hỏi cung cách quản lý phải thay đổi từ kiểu quản lý truyền thống sang quản lý bằng chất lượng. Việc xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng trong các đơn vị đã trở thành việc tất yếu để vận hành công tác quản lý chất lượng trong nhà trường.

Điều quan trọng để xây dựng một hệ thống đảm bảo chất lượng trong nhà trường là tất cả mọi thành viên trong nhà trường từ lãnh đạo nhà trường đến mỗi cán bộ, công nhân viên và người học, từ Ban lãnh đạo Trường đến các khoa, bộ môn, phòng chức năng trong nhà trường phải hiểu rõ công việc của đơn vị, cá nhân mình thế nào là có chất lượng và phấn đấu để đạt được chất lượng đó, chất lượng là mục tiêu cao nhất để mọi thành viên, đơn vị trong nhà trường hướng tới, từ đó chất lượng trở thành văn hóa trong mỗi nhà trường, hay chính là hình thành văn hóa chất lượng trong nhà trường.

Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng tại trường Đại học Hồng Đức là việc thiết lập một hệ thống môi trường cho các hoạt động có chất lượng và không ngừng cải tiến chất lượng của tổ chức. Các hoạt động của nhà trường hiện nay đều thực hiện một mục tiêu chung là phát triển bền vững đáp ứng nhu cầu xã hội. Điều này đã thể hiện các hoạt động đã và đang triển khai trên nền tảng văn hóa chất lượng.

Những biểu hiện văn hóa chất lượng trong hoạt động nhà trường tiêu biểu là việc triển khai quy định về hoạt động đảm bảo chất lượng, đó là: Quy định thực hiện bộ văn hóa ứng xử trong nhà trường và Quy định về nhiệm vụ của đơn vị/ cá nhân chủ trì và nhiệm vụ của đơn vị/ cá nhân phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; Quy định về thành lập các tổ bảo đảm chất lượng của tất cả các đơn vị trong nhà trường.

Những biểu hiện về văn hóa chất lượng còn được thể hiện rõ nét qua việc tuân thủ và thực hiện các văn bản quy định khác trong nhà trường.

Vì vậy, vai trò của văn hóa chất lượng đối với công tác đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường, có thể thấy rằng xây dựng văn hóa chất lượng sẽ giúp cơ sở giáo dục đại học có:

Định hướng chiến lược phát triển phù hợp, định vị rõ chất lượng và văn hóa chất lượng trong sứ mạng, tầm nhìn và chiến lược phát triển;

Có hệ thống chính sách chất lượng, kế hoạch chất lượng, các công cụ, tiêu chí và quy trình bảo đảm chất lượng phù hợp;

Mọi thành viên (lãnh đạo, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên và người học) và các tổ chức, đơn vị trong nhà trường đều hoạt động tuân theo các giá trị, chuẩn mực, quy trình và cam kết hướng đến chất lượng với tinh thần tự giác, tự nguyện, tin tưởng, hợp tác, chia sẻ, chịu trách nhiệm và luôn sáng tạo.

Mặt khác, hình thành văn hóa chất lượng sẽ giúp nhà trường dễ dàng thích ứng với những thay đổi của hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế; thể hiện rõ cam kết chất lượng với xã hội; hình thành môi trường quản lý chất lượng; có định hướng rõ ràng trong việc phát triển nguồn nhân lực,...

Tóm lại, văn hóa chất lượng là nền tảng và động lực để trường Đại học Hồng Đức duy trì và nâng cao chất lượng, là bản sắc riêng và lợi thế cạnh tranh của nhà trường.

Cuối cùng, xin thầy cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học tại trường Đại học Hồng Đức thì việc cải tiến chất lượng các hoạt động sau kiểm định cần được thực hiện như thế nào để đảm bảo phát triển bền vững?

Phó giáo sư Bùi Văn Dũng: Chu trình cải tiến chất lượng là một công cụ hiệu quả giúp các cơ sở giáo dục kiểm soát và đảm bảo chất lượng giáo dục sau đánh giá ngoài. Chu trình cải tiến chất lượng Deming Plan-Do-Check-Act (PDCA) được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đó là chu trình cải tiến liên tục.

Cải tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, ngày càng nâng cao thương hiệu của nhà trường. Do đó, ngay sau khi có kết quả kiểm định cấp chương trình đào tạo và cấp cơ sở giáo dục, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng. Hoạt động cải tiến chất lượng sau kiểm định chất lượng giáo dục gồm các giải pháp như định kì rà soát, bổ sung, điều chỉnh và triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, tầm nhìn, và chiến lược phát triển của nhà trường; Hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và thực hiện kiểm định các chương trình đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Kết quả của những đợt kiểm định chất lượng giáo dục chỉ thực sự có ý nghĩa khi nhà trường triển khai thực hiện các biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng sau đánh giá ngoài. Các giải pháp thực hiện hoạt động cải tiến chất lượng đã giúp nhà trường minh bạch hoá, công khai thông tin; công tác quản lý đi vào nề nếp; khắc phục những điểm yếu sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho các đơn vị đào tạo; tạo tiền đề xây dựng văn hoá chất lượng trong toàn hệ thống. Từ đó, Nhà trường tự nâng cao chất lượng và uy tín trong cả nước và khu vực.

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư Bùi Văn Dũng.

Linh Hương