PGS. Trần Xuân Nhĩ: Phổ thông học 11 năm sẽ tiết kiệm 30 nghìn tỷ/năm

09/01/2014 09:15
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - Bốn nội dung được tổng kết tại Hội thảo về “một số chủ trương và biện pháp góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam” đã có những phản hồi tích cực

Trước đó, những nội dung này đã được gửi tới Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Bốn nội dung trên gồm: Đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học, phân luồng và phân ban ở THPT.

Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp, đánh giá thi cử, tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, vấn đề liên kết, liên thông trong đào tạo.

Đổi mới hệ thống sư phạm, trường quản lý giáo dục, đào tạo lại giáo viên, cán bộ quản lý, chế độ chính sách đối với giáo viên và sinh viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm.

Xã hội hóa giáo dục, tạo nguồn lực đáp ứng điều kiện dạy và học trong đổi mới.

Trong bốn vấn đề này, sau khi được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải, nhiều độc giả đã viết thư và để lại nhiều thắc mắc muốn được làm rõ hơn. Xuất phát từ nội dung trên, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, đồng thời là người chủ trì cuộc Hội thảo trên. Trước mắt, để phục vụ cho công tác thi và đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông, chúng tôi chỉ nêu ở đây các vấn đề một và vấn đề hai.

Phân luồng sớm để có nguồn nhân lực chất lượng

Thưa PGS. Trần Xuân Nhĩ, sau khi đăng tải bốn vấn đề được ông gửi lên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều bạn đọc băn khoăn về đề xuất đổi mới hệ thống, phân luồng và phân ban ở phổ thông? Ông có thể nói rõ thêm?

PGS. Trần Xuân Nhĩ: Hội thảo do Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người tổ chức trong thời gian qua, nhiều nhà khoa học đã đề nghị hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam chỉ nên 11 năm, sau khi học xong THCS thì phân luồng: Khoảng 50% học THPT để tiếp tục học lên đại học, cao đẳng, khoảng 30-40% học sinh học trường trung học hướng nghề, số học sinh này có thể học thêm 1 năm để đạt trình độ  trung học nghề, khoảng 10-20% học sinh không học hai loại trường trên thì có thể học chương trình bổ túc văn hóa có nghề tại các Trung tâm GDTX của các huyện.

Khi học sinh học sinh chương trình này thì có một nghề ngắn hạn và trình độ thì tương đương với bậc THPT. Như vậy 2 năm các em có thể ra lao động phục vụ xã hội, em nào có nguyện vọng học tiếp lên đại học, cao đẳng thì các em có thể học theo chương trình liên thông từ bậc cao đẳng lên đại học.

PGS. Trần Xuân Nhĩ kiến nghị nên rút ngắn thời gian học phổ thông còn 11 năm.
PGS. Trần Xuân Nhĩ kiến nghị nên rút ngắn thời gian học phổ thông còn 11 năm.

Từ trung học nghề chỉ cần 1,5 năm có thể lên thành cao đẳng nghề, từ cao đẳng nghề lên đại học cũng chỉ học một khoảng thời gian như vậy. Việc phân luồng như vậy sẽ tạo được một đội ngũ nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu CHH-HĐH đất nước, phát huy được tài năng của các em, và không hạn chế bất cứ em nào có nguyện vọng học lên bậc cao hơn.

Ông đã từng đề xuất phương án phổ thông nên 11 năm là đủ, vì như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều khoản chi tiêu của xã hội, gia đình. Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?

PGS. Trần Xuân Nhĩ: Tôi đề xuất hệ thống giáo dục phổ thông chỉ 11 năm,  trong đó bậc THPT từ 3 năm chỉ còn lại 2 năm vì: Thứ nhất, tâm lý của trẻ em hiện nay được phát triển sớm hơn các thế hệ trước. Thứ hai, kiến thức khoa học ngày nay phát triển liên tục, nên nếu giáo dục phổ thông chỉ chú trọng dạy kiến thức không chỉ 12 năm mà 13 năm, hoặc lâu hơn nữa thì cũng không thể đủ. 

Ta dạy cho các em cách học, các em sẽ dùng CNTT để tự tìm ra những tri thức cho mình. Thứ ba, thời gian học THPT là giai đoạn đệm để các em tiếp tục học lên các bậc cao hơn, hoặc chuẩn bị ra đời, tôi nghĩ giai đoạn này 2 năm là vừa. Thêm vào đó, trong bậc phổ thông cần tiến hành phân ban sâu và giảm tải những kiến thức không cần thiết thì thời gian 2 năm là đủ.

Thứ tư, về mặt kinh phí sẽ tiết kiệm được 1/12  ngân sách của giáo dục phổ thông, lúc đó giáo dục mới có tiền để tăng cường cơ sở vật chất hoặc tăng lương cho giáo viên để yên tâm giảng dạy. Thứ năm, lâu nay chúng ta học 3 năm phổ thông với 3 triệu học sinh nên đã quá tải, lớp học quá đông nên nếu giảm 2 năm thì cơ sở vật chất phục vụ cho 3 triệu học sinh đó chỉ còn 2 triệu, lúc đó học sinh có thể học 2 buổi/ngày, chứ không như trước là 1 buổi/ngày và chất lượng sẽ tăng.

Thứ sáu, học sinh ra đời sớm trước 1 năm có thể cống hiến cho xã hội và cho chính bản thân một lượng thời gian, tính trung bình 1 năm là 300 ngày công. Như vậy 1 triệu học sinh ra đời sớm thì lợi cho xã hội 300 triệu ngày công. Tính toán đơn giản mỗi ngày công chỉ 100 nghìn đồng thì lúc đó đất nước đã có được 30.000 tỷ đồng. Như vậy khi giảm xuống 2 năm chúng ta vừa nâng cao được chất lượng, vừa giải quyết được nhiều vấn đề đang nổi cộm như hiện nay.

Quay về “hai chung”

Theo ông có nên dùng một lượng tiền lớn (có thể khoảng 70.000 tỷ ) để viết lại toàn bộ SGK phục vụ cho công cuộc đổi mới giáo dục sắp tới không?

PGS. Trần Xuân Nhĩ: Với số tiền lớn như vậy tôi nghĩ với hoàn cảnh đất nước mình  đang khó khăn thì khó mà có được. Theo tôi, không nên dùng một số tiền để viết hết lại SGK, mà ta nên tìm lấy một mẫu hình giáo dục của nước nào đó ở một Châu lục nào đó mà họ đã  tích lũy được nhiều kiến thức thích hợp với ta để học theo, sách giáo khoa các môn khoa học tự nhiên ta tìm cách lấy về và dịch ra và Việt Nam hóa lại dùng trong nhà trường phổ thông.

Chỉ nên tập trung vào một số môn quan trọng cho Việt Nam như: Tiếng Việt, Lịch Sử, Đạo đức, ba môn này mang nét đặc thù của Việt Nam. Chương trình sách có thể giao cho các Hội nghề nghiệp viết: Hội Lịch sử, Toán, Hóa, Sinh vật.... vì các hội này có thể tập hợp được nhiều nhà khoa học có uy tín, còn Bộ làm chức năng quản lý nhà nước (Tổ chức hội đồng thẩm định), nếu làm như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều tiền, không nhất thiết phải sử dụng tới số tiền lớn như vậy.

Vấn đề thi và công nhận tốt nghiệp THPT, vừa qua Bộ GD&ĐT có đưa ra dự thảo để xin ý kiến xã hội, theo đó sẽ có 2 phương án để chọn. Và Bộ nghiêng về phương án thứ nhất có 4 môn thi (2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn), ông đánh giá gì về dự thảo của bộ?

PGS. Trần Xuân Nhĩ: Đổi mới thi cử như trong Nghị quyết Trung ương 8 nói là rất quan trọng, đó là vấn đề mấu chốt hiện nay, nhưng hoàn toàn không thể vội vàng được, nếu vội mà xảy ra sai thì sửa lại vô cùng khó khăn.

Hiện nay Bộ đã đưa ra dự thảo cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT và tiếp tục kỳ thi ba chung để cho các trường dựa vào đó tuyển sinh. Theo tôi, Bộ nên tổ chức kỳ thi hai chung (chung đề, chung đợt), không cần quy định điểm sàn, kết quả ở điểm thi chung là cơ sở để các trường xét tuyển.

Về lâu dài chỉ cần một kỳ thi, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông nghiêm túc do Bộ GD&ĐT  tổ chức, kỳ thi này là kỳ thi quốc gia, chính nó tạo điều kiện cho các trường tự chủ tuyển sinh. Chứ không phải theo kiểu “tự chủ” mà Bộ đề ra như hiện nay nêu trong dự thảo quy định tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2014-2016.

Với dự thảo quy định nhiều điều kiện thì các trường không có khả năng làm việc này, chính vì vậy các trường vừa qua không hưởng ứng thi riêng. 

Trong Luật GDĐH có nói: Các trường được tự chủ trong tuyển sinh, có thể thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai. Vậy hiểu như thế nào về “thi tuyển” như trong luật? Thi tuyển thực chất không phải giống như việc tổ chức của Bộ, mà thi tuyển là từng trường sau khi có điểm thi phổ thông thì các trường căn cứ vào đó xét tuyển. Và sau đó họ có thể thi một môn nào đó để kiểm tra lại trình độ kiến thức của học sinh có thật sự đáp ứng được yêu cầu đào tạo không?

Lịch sử phải là môn bắt buộc

Vậy, với hai phương án thi tốt nghiệp THPT của Bộ thì sao, ông đưa ra quan điểm về phương án nào?

PGS. Trần Xuân Nhĩ: Với phương án 1 Bộ cho thi 2 môn bắt buộc gồm Toán, Văn và 2 môn tự chọn, những thí sinh nào lựa chọn môn ngoại ngữ thì được cộng điểm, vậy tội gì học sinh không thi. Đối với môn ngoại ngữ như vậy thực chất là thi 5 môn như phương án 2.

Theo tôi thi phổ thông phải thi 4 môn cơ bản nhất: Toán (để tư duy), Ngữ văn (để viết), Ngoại ngữ (để hội nhập) và cuối cùng phải thi Lịch sử (học sinh phải hiểu được truyền thống, hiểu được lịch sử dân tộc thì mới biết tự hào).

Ngoài kết quả các môn thi cuối khóa trên, việc xét cấp bằng phải căn cứ vào quá trình học các môn ở bậc THPT. Việc này nếu chuẩn bị tích cực thì Bộ cũng có thể tiến hành thi tốt nghiệp phổ thông trong năm 2014-2015, Bộ có thể xem đây như là kỳ thi ba chung của Bộ hiện nay.

Kết quả bốn môn thi trên là cơ sở để cho học sinh đăng ký vào các trường đại học. Đối với các trường họ sẽ tổ chức thi các môn chuyên ngành liên quan đến ngành đào tạo. Ví dụ như học sinh vào học ngành Vật lý, hay các ngành đòi hỏi kiến thức Vật lý thì có thể thi môn Vật lý theo ngân hàng đề thi của Bộ.

Với dự thảo đổi mới thi tuyển sinh năm 2014, theo ông cái gì cần và không cần ở đây?

PGS. Trần Xuân Nhĩ: Tôi thấy có 3 cái không cần.

Thứ nhất, phải bỏ điểm sàn, kết quả thi chung đó để cho tất cả các trường đều phải được sử dụng (kể cả các trường thi riêng). 

Thứ hai, nếu các trường nào tổ chức thi riêng thì các trường tổ chức thi riêng khác vẫn có quyền sử dụng kết quả đó. Tại sao lại phải cấm? Đó mới là tự chủ, còn thực chất theo dự kiến tuyển sinh của Bộ hiện nay thì Bộ không để cho các trường tự chủ.

Thứ ba, cớ gì Bộ phải bắt các trường muốn thi chung với bộ phải đăng ký? Theo tôi Bộ không nên bắt các trường phải làm điều đó, chỉ làm phiền phức thêm cho Bộ.

Bộ phải chăng chỉ thêm một điều kiện: Nếu thí sinh nào bị điểm liệt môn học có liên quan tới ngành đào tạo thì không được tuyển. Trong đề án này còn quá nhiều yêu cầu rắc rối, không cần thiết. Vì một khi trường đại học ra đời tức là Bộ đã xem tất cả các điều kiện, giờ lại bắt các trường phải báo cáo, đó là điều không cần thiết nữa.

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư./.
Xuân Trung (thực hiện)