PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ: Nếu Lịch sử là môn bắt buộc, có ảnh hưởng nhưng không lớn

26/05/2022 06:26
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ (Thành viên ban phát triển chương trình môn Lịch sử), nếu Lịch sử là môn bắt buộc, có ảnh hưởng đến chương trình, nhưng không quá lớn.

Vừa qua, sau khi dư luận lên tiếng về vai trò, vị trí của môn Lịch sử ở bậc Trung học phổ thông, đến nay, lại tiếp tục băn khoăn về những xáo trộn có thể xảy ra nếu môn học này trở thành bắt buộc.

Để giải đáp phần nào những băn khoăn ấy, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ (Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương), hiện đang là thành viên ban Phát triển chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ, thời gian qua, dư luận không ngừng lên tiếng khi biết thông tin Lịch sử sẽ trở thành môn tự chọn của học sinh Trung học phổ thông. Sáng 23/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Chính phủ sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, Đại biểu Quốc hội về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc. Nếu Lịch sử là môn bắt buộc, có gây ra sự xáo trộn nào không thưa thầy?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ: Trước hết, quan điểm của tôi từ xưa đến nay, đặc biệt, trong giai đoạn này, phải đưa môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc ở bậc Trung học phổ thông, bởi vì Lịch sử có vai trò rất quan trọng, không chỉ là một bộ môn khoa học mà còn gắn liền với chính trị.

Nếu có ai đó lập luận, ở bậc Trung học cơ sở đã học các kiến thức cơ bản, thì tôi xin khẳng định thế này, phải ở độ tuổi 16-18 (tức học sinh bậc Trung học phổ thông), thì các em mới có đủ nhận thức, đủ chiều sâu để tiếp thu những giá trị lịch sử tốt hơn, khi đó, giáo dục truyền thống yêu nước cũng hiệu quả hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ (Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, sự thay đổi sẽ ảnh hưởng đến chương trình và sách giáo khoa, nhưng không quá lớn. (Ảnh: Xuân Trung).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ (Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, sự thay đổi sẽ ảnh hưởng đến chương trình và sách giáo khoa, nhưng không quá lớn. (Ảnh: Xuân Trung).

Còn đối với chuyện đưa môn Lịch sử trở lại là môn học bắt buộc ở bậc Trung học phổ thông, tôi cho rằng, nếu bây giờ chỉnh sửa, kiểu gì cũng sẽ có nhiều người thắc mắc: “Tại sao vừa mới xây dựng chương trình xong lại đòi chỉnh sửa?”.

Nhưng phải nói thế này, chương trình đã được xây dựng 4 năm qua, lúc đó, sự quan tâm của toàn xã hội cũng không rầm rộ như bây giờ. Còn ở giai đoạn này, khi bắt đầu “chạm” đến năm học đầu tiên của bậc học Trung học phổ thông, thì mới có nhiều ý kiến.

Để nói rằng, thay đổi này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chương trình và sách giáo khoa thì không đúng. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng ấy, chúng ta vẫn có thể điều chỉnh, chỉnh sửa. Không đến mức xáo trộn quá nhiều như nhiều người vẫn lo lắng.

Phóng viên: Thầy có thể giải thích cụ thể hơn, vì sao thay đổi này lại không ảnh hưởng quá nhiều. Bởi nhiều ý kiến lo lắng, nếu thay đổi, sẽ ảnh hưởng đến chương trình tổng thể và sách giáo khoa môn Lịch sử bậc Trung học phổ thông liệu có phải biên soạn lại cho việc dạy đại trà?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ: Về mặt nguyên tắc, trong Chương trình tổng thể (Chương trình Giáo dục phổ thông 2018) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại mục VIII - Phát triển chương trình giáo dục phổ thông,có nêu rõ:

Phát triển chương trình giáo dục phổ thông là hoạt động thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện.

...Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến các cơ quan quản lý giáo dục, các trường, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và những người quan tâm để đánh giá chương trình, xem xét, điều chỉnh (nếu cần thiết) và hướng dẫn thực hiện các điều chỉnh (nếu có).

Đó là cơ sở để tiến hành. Bởi lẽ, bây giờ chúng ta đang trong quá trình thực hiện.

Còn về vấn đề sửa như thế nào, theo tôi, chúng ta hoàn toàn có thể sửa được, không vấn đề gì.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mặc dù môn Lịch sử đã được xây dựng là môn học lựa chọn, dành cho những học sinh yêu thích và muốn học chuyên sâu với bộ môn này, nhưng trong chương trình Trung học phổ thông hiện nay đã có hai phần rõ rệt.

Các nhà xuất bản đều viết thành hai quyển riêng biệt. Phần thứ nhất (quyển 1) là kiến thức cốt lõi, được chia theo các chủ đề; phần thứ hai (quyển 2) mới là kiến thức chuyên sâu, nâng cao chia theo các chuyên đề.

Vì vậy, phần kiến thức cốt lõi này có thể dành cho học sinh đại trà, những em không chọn môn Lịch sử, không chọn Khoa học xã hội sẽ học theo những nội dung đã được viết trong cuốn sách này. Tức là, chúng ta lấy chương trình cốt lõi để dạy cho đại trà, tôi đánh giá là rất phù hợp.

Chính vì thế, cho dù có phải sửa, thì cách sửa cũng rất đơn giản, các thầy cũng sẽ sửa rất nhanh. Giống như áp dụng bắt buộc cho tất cả học sinh thì phải học toàn bộ kiến thức cốt lõi, hay nói cách khác là phải học hết các phần chủ đề. Chủ yếu là tập trung vào phân bổ lại thời lượng giảng dạy các chủ đề, nếu thấy bài nào nhiều quá thì giảm bớt đi, bài nào ít quá thì tăng lên. Đồng thời, để cân đối hơn, đối với những bài mang tính giáo dục hướng nghiệp, chúng ta cũng có thể loại bỏ bớt...

Nhìn chung, nếu Lịch sử là môn học bắt buộc, sách giáo khoa vẫn có thể sửa được chứ không có gì khó, không nhất thiết phải viết lại từ đầu, cũng không cần phải mất đến 3-4 tháng đâu, sửa rất nhanh thôi. Bởi, nội dung như các sách giáo khoa đã viết vẫn sử dụng được, không cần thiết phải “nhào nặn” giữa hai quyển sách với nhau.

Thậm chí, ngay cả với sách giáo khoa ở bậc Tiểu học và Trung học cơ sở, cũng không cần sửa. Nếu cần thiết, Bộ sẽ có hướng dẫn về những kiến thức thuộc chương trình giảm tải.

Phóng viên: Vậy, nếu bây giờ Lịch sử là môn học bắt buộc, học sinh sẽ hầu như chỉ học quyển sách số 1 (gồm các kiến thức cốt lõi), thì quyển 2 (gồm các chuyên đề nâng cao) liệu có còn sức sống, thưa thầy?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ: Không cần lo chuyện đó! Thực tế, nội dung chuyên sâu không cần thiết ở bậc Trung học phổ thông với đại trà, nên những kiến thức chuyên sâu chỉ dành cho những học sinh chuyên Sử.

Tức là chỉ dành cho những em đi sâu vào chuyên học Lịch sử. Mà số đó thì ít lắm, chỉ khoảng 20%. Vậy thì cho dù Lịch sử có là môn học bắt buộc hay tự chọn, thì sức sống của quyển sách toàn kiến thức chuyên sâu này cũng đã bị ảnh hưởng sẵn rồi.

Phóng viên: Nếu bây giờ Lịch sử là môn học bắt buộc, công tác tập huấn giáo viên tại các nhà trường có bị ảnh hưởng nhiều không, thưa thầy?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ: Theo tôi, sẽ không có ảnh hưởng gì lớn.

Bởi vì, quan niệm bây giờ, chương trình mới là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là tài liệu. Mà sách giáo khoa hiện đã được xây dựng sẵn hai quyển sách, giáo viên cũng đã được tập huấn giảng dạy cả hai quyển. Vậy, sẽ không có gì khó khăn, khi giáo viên vẫn dạy được và vẫn dùng chính quyển sách đó làm tài liệu giảng dạy.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn thầy!

Ngân Chi