Vụ Tiến sĩ văng tục trên bục giảng

PGS.TS Văn Như Cương: Thầy cô trường tôi văng tục, tôi sẽ đuổi thẳng

13/03/2012 11:00
Bích Thảo (thực hiện)
(GDVN) - PGS.TS Văn Như Cương vô cùng bức xúc khi một thầy giáo lại có thể dùng lời lẽ thô tục giảng bài cho sinh viên: "Nếu là trường tôi thì tôi sẽ đuổi thẳng"
Xung quanh vụ việc TS Lê Thẩm Dương dùng những lời lẽ thô tục để giảng bài Kinh tế vĩ mô đã gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận. Các nhà giáo dục nói gì về đồng nghiệp của mình? Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS Văn Như Cương Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh về vụ việc này.
TS Lê Thẩm Dương: Giảng bài bằng những câu chửi thề
TS Lê Thẩm Dương: Giảng bài bằng những câu chửi thề



Nếu là hiệu trưởng tôi đã đuổi ngay ông thầy này

PV: Thưa PGS.TS Văn Như Cương, thầy nghĩ sao khi nghe về vụ việc TS. Lê Thẩm Dương dùng những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa trong giờ giảng?

PGS.TS Văn Như Cương:  Sáng qua tôi có nghe chuyện này mà thấy bực mình quá. Tôi thực sự thấy bất ngờ về vụ việc.

Thầy giáo luôn luôn phải nói những điều chuẩn mực. Thầy có thể đùa vui hay lấy ví dụ để minh họa cho bài giảng là điều rất cần thiết. Đó cũng là trách nhiệm của người thầy. Chúng ta có nhiều cách để nâng cao tính sinh động cho bài giảng, nhưng phải đúng theo chuẩn mực của ngành giáo dục. 

Còn những câu chuyện thô tục phản cảm như ông Dương kia đưa vào thì thật sự không thể chấp nhận được. Thầy đưa ra những hình ảnh, ví dụ phản cảm là không hay ho gì. Những câu chuyện tầm phào, thô tục, đầy hàm ý ẩn dụ gì đó không được phép đưa vào trong ngành giáo dục.

PGS.TS Văn Như Cương vô cùng bức xúc khi biết chuyện ông thày giảng bài bằng lời chửi bậy
PGS.TS Văn Như Cương vô cùng bức xúc khi biết chuyện ông thày giảng bài bằng lời chửi bậy

PV: Thầy nghĩ người thầy đó có xứng đáng đứng trên bục giảng?

PGS.TS Văn Như Cương: Một người thầy mà trong giờ giảng liên tục văng bậy thì thật không được. Dù sinh viên thích thú khi nói đến một việc gì mà họ tò mò, hay kích động đến một phần gì đó của sinh viên thì cũng không thể.

Nếu như tôi là hiệu trưởng của thầy đó, tôi sẽ cho “cắt cầu” anh này luôn. Không thể để một thầy giáo thiếu đạo đức trong trường học được. 

Có khi đó lại là chiêu trò của ông ta, kích thích sự tò mò, thích thú bản năng của người học. Rồi các bạn lại nghe nói ông thầy này nói hay lắm, nói chuyện vui lắm để người khác lại đua nhau mua vé vào nghe. Nhưng trường học không kiếm tiền bằng “cách câu khách” của những ông thầy như vậy. 


PGS.TS Văn Như Cương: Những người thầy mà thiếu đạo đức thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh viên. 

Bao giờ sinh viên cũng coi thầy giáo là mẫu mực. Nếu như thầy giáo giảng về đạo đức thì sẽ như một chuẩn mưc về đạo đức, hay giảng về khoa học thì là mẫu mực trong ngành khoa học đó. Một ông thầy giảng về những điều thiếu văn hóa sẽ trở thành một tấm gương tồi cho học sinh mà thôi.

Làm sao dạy được con trẻ không chửi bậy?

PV:  Theo thầy mức độ ảnh thưởng của thầy giáo đến sinh viên như thế nào?

PGS.TS Văn Như Cương:
Tôi nghĩ rằng mức độ ảnh hưởng là quá nhiều. Vì người học sẽ nghĩ, thầy còn nói như thế thì sẽ học thế nào được. Khi bọn trẻ mắng chửi nhau bằng những lời nói thiếu văn hóa, làm sao chúng ta trách được khi chúng nói rằng : thầy giáo con còn chửi bậy hơn thế nữa.

PV: Thầy có thể chia sẻ về người thầy hiện nay làm thế nào để có thể giữ được đạo đức nghề nghiệp trong sáng của mình ?

PGS.TS Văn Như Cương: Tôi phải nói lại câu tôi thường nói: “Đã là thầy thì luôn luôn phải giữ gìn mình và làm thế nào để ta không ngượng khi ít nhất có một người gọi ta bằng thầy." 

Hành động, lời nói của thầy phải luôn đúng mực để không phải ngượng khi có người gọi ta bằng thầy. Chúng tôi là thầy giáo của rất nhiều học sinh. Từ học sinh rồi đến phụ huynh hay cả những người lãnh đạo cũng gọi bằng thầy.

Tâm nguyện của tôi là cả đời phấn đấu để không hổ thẹn khi có người khác gọi ta bằng thầy. Tôi tin chắc rằng rồi sẽ có một ngày ông thầy kia sẽ nhận ra và phải xấu hổ về hành động, lời nói của mình.

PV : Theo thầy thì nguyên nhân dẫn đến những lời nói thiếu văn hóa của vị tiến sĩ họ Lê là gì ạ ?

PGS.TS Văn Như Cương : Nếu là nhiều lần thì đó là do bản chất. Còn nếu không thì là do những chấn động trong cuộc sống. Nhưng dù thế nào thì thầy giáo không được phép đưa những lời nói thô tục, thiếu đạo đức vào trường học được.

Vẫn còn nhiều người có văn hóa

PV: Khi có những người thầy như thế có phải là "lỗ hổng, hạt sạn" của nền giáo dục hay không ạ?

PGS.TS Văn Như Cương : Thật ra chỉ với một người hay thậm chí vài người thì cũng chưa thể nói rằng đó là lỗ hổng của nền giáo dục. Vẫn còn nhiều người có văn hóa, nhiều thầy cô thật sự tâm huyết và cống hiến cho nghề. Có chăng thì đó là sai sót trong khâu tuyển chọn giảng viên của trường đại học nào đó.

Chúng ta phải nhìn ra rằng trong trường học mặc dù có rất nhiều vấn đề nhưng lỗi không phải của riêng nền giáo dục. Chúng ta phải khách quan hiểu rằng nền giáo dục bị ảnh hưởng bởi xã hội đang đầy biến động. Tràn lan là các vụ con giết cha, thầy đánh trò, trò đánh chửi thầy, những biến động tiêu cực ấy tác động đến nhà trường.

Nhà trường đâu phải cái ốc đảo, chúng tôi không thể rèn luyện học sinh ngoài đảo hoang biệt lập được.

Nhà trường bao giờ cũng là nơi phản ánh những tổng hòa của xã hội. Có thể thầy giáo này làm việc tầm bậy tầm bạ cũng khó có thể đổ hết lên vai trò của nhà trường cũng như nền giáo dục.


TS Lê Thẩm Dương
TS Lê Thẩm Dương

PV : Thưa thầy, vai trò của thầy giáo trong việc hình thành nhân cách của học trò là điều quan trọng? 

PGS.TS Văn Như Cương: Thầy giáo chúng tôi có thể làm việc chưa được sáng tạo, còn khô khan, nhưng cũng vẫn uốn nắn học sinh vào một khuôn khổ, kỉ cương. Nhiều người lại lên án cho rằng đó là mất dân chủ, mất tự do, nhưng ít nhất cho các em vào kỉ cương là điều tốt.

Muốn giáo dục đạo đức cho các em học trò thì không chỉ cần một nhà trường, nền giáo dục mà cần cả gia đình và xã hội đồng lòng.

PV : Cám ơn thầy đã chia sẻ ý kiến. Chúc thầy sẽ đào tạo được thật nhiều học trò vừa có tài vừa có đức cho xã hội.

Bích Thảo (thực hiện)