Phân luồng sau lớp 9 thế nào cho đúng từ sự cố "cam kết không thi vào lớp 10"

23/04/2022 06:55
NGỌC GIANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có lẽ cách thức thực hiện của Trường trung học cơ sở Hữu Bằng chưa khéo, chưa phù hợp với chủ trương chung nên đã tạo ra sự bức xúc cho phụ huynh và xã hội.

Mấy ngày vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc Trường trung học cơ sở Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) bị tố “ép” học sinh học yếu không được thi vào 10 khiến cho dư luận bất bình.

Thực ra, công tác phân luồng đối với học sinh lớp 9 - trước khi các em thi tuyển sinh 10 và học sinh lớp 12 - trước khi các em thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì ngành giáo dục đã thực hiện từ nhiều năm qua.

Nhưng, có lẽ cách thức thực hiện của Trường trung học cơ sở Hữu Bằng chưa khéo, chưa đúng, chưa phù hợp với chủ trương chung nên đã tạo ra sự bức xúc cho phụ huynh và xã hội.

Song, công tác phân luồng sau khi học sinh học xong cấp trung học cơ sở là một chủ trương đúng, phù hợp với học lực của học trò và cũng là cách làm giảm bớt đi những áp lực cho các trường công lập, cũng như bớt đi những lãng phí công sức, tiền bạc của một bộ phận phụ huynh và học sinh.

Chủ trương phân luồng học sinh đã có từ rất lâu (Ảnh minh họa: Tấn Tài)

Chủ trương phân luồng học sinh đã có từ rất lâu (Ảnh minh họa: Tấn Tài)

Phân luồng học sinh sau khi học hết cấp trung học cơ sở là chủ trương đúng đắn

Những năm gần đây, giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau khi các em học xong lớp 9 và lớp 12 đã đạt được một số kết quả khả quan, góp phần tích cực phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.

Chúng ta đều biết, sau khi học sinh học xong lớp 9 thì các em phải bước vào kỳ thi tuyển sinh 10 của cấp trung học phổ thông. Tất nhiên, kỳ thi nào cũng sẽ có thí sinh đậu và thí sinh rớt…

Bởi lẽ, chỉ tiêu tuyển sinh 10 công lập của các địa phương hiện nay chỉ lấy dao động khoảng 70-80% học sinh trung học cơ sở. Những thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì tỉ lệ vào các trường trung học phổ thông công lập còn ít hơn (có nơi dưới 70%).

Số lượng học sinh không vào các trường trung học phổ thông công lập sẽ được định hướng thi (xét tuyển) vào các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề.

Vì thế, gần cuối năm học thì một số trường nghề cũng về các trường trung học cơ sở để tư vấn, hướng nghiệp cho học trò vào học các trường nghề và hiện nay thì mô hình 9+3 ở các địa phương đều có.

Việc chuyển sang hình thức đào tạo này nhằm giúp học sinh không chỉ sau khi học xong lớp 9 vào học các trường nghề thì các em vừa có bằng nghề vừa hoàn thành được chương trình trung học phổ thông.

Hơn nữa, học sinh lớp 9 hiện nay cũng đang được bố trí một số tiết nhất định/ tuần để hướng nghiệp - điều này giúp cho các trường có thể phân luồng cho học sinh được tốt hơn.

Đặc biệt, cuối năm học thì gần như trường trung học cơ sở nào cũng đều họp phụ huynh để thông báo kết quả học tập, tư vấn cho phụ huynh nhằm định hướng nghề nghiệp cho con em mình.

Và, thực tế thì nhiều địa bàn có tỉ lệ chọi vào lớp 10 khá cao, phải là những em có học lực khá thực sự trở lên mới có thể cạnh tranh được 1 suất vào lớp 10 công lập.

Nếu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 không tư vấn, định hướng chắc chắn tỉ lệ học sinh đăng ký thi vào 10 sẽ rất cao và tất nhiên tỉ lệ thi cao thì số lượng thí sinh rớt sẽ nhiều vì chỉ tiêu đã được giao cụ thể. Những học sinh rớt sẽ lãng phí mấy tháng ôn tập và tốn kém rất nhiều tiền bạc cho ôn luyện...

Chính vì thế, việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp khi học sinh học xong lớp 9 là việc làm thường xuyên, liên tục đối với các nhà trường khi học sinh bước vào lớp học cuối cấp.

Chính phủ cũng đã có đề án hướng dẫn hướng nghiệp và phân luồng học sinh

Quyết định số 522/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 14/5/20218 về đề án “giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đã đặt ra mục tiêu cụ thể như sau:

a) Mục tiêu đến năm 2020:

- Khoảng 55% trường trung học cơ sở, 60% trường trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 50% đối với cả hai cấp học trên;

- Khoảng 55% trường trung học cơ sở, 60% trường trung học phổ thông có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 50% đối với cả hai cấp học trên;

- Phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%;

- Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

b) Mục tiêu đến năm 2025:

- Phấn đấu 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%;

- Phấn đấu 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%;

- Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%;

- Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%”.

Trong phần nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cũng đã đề cập:

a) Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông;

b) Đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương;

c) Xây dựng trang thông tin về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và thông tin, dữ liệu liên quan đến ngành, nghề; mô tả ngành, nghề và thông tin tuyển dụng, sử dụng lao động của từng ngành, nghề, tương ứng với từng vùng miền, khu vực; kết nối giữa các trường phổ thông với cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực, hội nghề nghiệp, hội doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp;

d) Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông như: Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; các hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân”.

Điều này cho thấy, công tác phân luồng học sinh phổ thông là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện phát triển đất nước nhằm cân bằng trình độ lao động ở các ngành nghề khác nhau.

Việc các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông phân luồng học sinh cuối cấp cũng là một nhiệm vụ thường niên nhằm phân luồng các đối tượng học trò theo đúng tinh thần chỉ đạo của địa phương, của ngành giáo dục.

Song, cách làm như Trường trung học cơ sở Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) là có phần thiếu tế nhị và gây ra hiểu lầm cho phụ huynh và dư luận xã hội, tạo ra sự bất bình cho nhiều người.

Giải pháp nào cho việc phân luồng học sinh hiệu quả và nhận được sự đồng tình của phụ huynh?

Như phần đầu bài viết, chúng tôi đã trình bày, phân tích về chủ trương phân luồng học sinh phổ thông, trong đó có học sinh trung học cơ sở là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với các mô hình đào tạo hiện nay ở các địa phương.

Tuy nhiên, cách làm cần tế nhị, phù hợp và giúp cho phụ huynh, học sinh nhìn nhận đúng với chủ trương phân luồng là cả một vấn đề. Vì thế, chúng tôi cho rằng để làm tốt việc phân luồng học sinh hiện nay thì các nhà trường cần làm tốt các vấn đề sau:

Thứ nhất: điều then chốt nhất của việc phân luồng học sinh ở các nhà trường là phải đánh giá, xếp loại học lực của học sinh chính xác thì mới phân loại được học lực. Một khi chủ trương học thật, đánh giá thật được xuyên suốt thì mới dễ dàng phân luồng được.

Những học sinh có học lực trung bình hoặc yếu thì nhà trường có thể tư vấn cho phụ huynh lựa chọn mô hình đào tạo ngoài công lập hoặc trường nghề sẽ thuận lợi hơn, giúp cho phụ huynh đỡ tốn kém tiền bạc và học sinh không mất nhiều công sức ôn luyện tuyển sinh.

Thứ hai: đầu lớp 9 thì các nhà trường cần thông báo cho khi phụ huynh biết về kết quả học tập của học sinh có kết quả ở lớp 8 không tốt. Từ đó, đánh động cho phụ huynh biết về học lực cụ thể của con em mình. Nếu muốn con em mình tiếp tục vào học lớp 10 công lập thì cần có đầu tư nhiều hơn.

Khi bước vào cuối học kỳ I của lớp 9 thì nhà trường cần họp phụ huynh để thông báo, tư vấn cho phụ huynh biết về kết quả học tập của học sinh để phụ huynh chủ động chuyển đổi con đường học tập của con em mình sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.

Thứ ba: các trường trung học cơ sở cần phối hợp với các trường dạy nghề, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, các trường ngoài công lập có những buổi tư vấn về nghề nghiệp nhằm giúp cho học sinh định hướng về tương lai của mình một cách tự nguyện.

Một khi các công tác được triển khai đồng bộ thì việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ trở nên dễ dàng, phụ huynh cũng không phản đối, không bức xúc.

Ngược lại, các trường cứ tổng kết điểm học cho học sinh cao ngất ngưởng, chạy theo thành tích thì việc phân luồng học sinh sẽ mãi khó khăn và kỳ thi tuyển sinh 10 vẫn cạnh tranh gay gắt, áp lực rất lớn cho xã hội và tất nhiên tỉ lệ thi rớt sẽ rất nhiều.

Thực tế cho thấy, không có mấy phụ huynh lại dễ dàng chấp nhận con em mình bỏ ngang chuyện học văn hóa để đi học nghề khi mà điểm tổng kết năm học được xếp loại học lực từ trung bình khá trở lên bởi bây giờ mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 đứa con.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Quyet-dinh-522-QD-TTg-2018-Giao-duc-huong-nghiep-va-dinh-huong-phan-luong-hoc-sinh-pho-thong-382053.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGỌC GIANG