Phẫn nộ vì cách tính điểm 'quái dị' của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

19/04/2013 11:15
XT (Tổng hợp)
(GDVN) - "Nếu tính như ông này nói đó là cái kiểu tính "ông bằng thằng"... Nếu Sở không biết tính thì độc giả sẽ tính hộ".
Sau loạt bài mới của Giaoduc.net.vn về việc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc không thừa nhận bảng điểm tốt nghiệp đại học (tách Điểm học tập và Điểm tốt nghiệp) của thí sinh, bạn đọc Giáo dục Việt Nam hầu hết bạn đọc gửi phản hồi đều không giấu được sự phẫn nộ, bức xúc.
Cụ thể, theo lời người nhận hồ sơ là ông Vũ Kiên Cường – Chuyên viên phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT) với các thí sinh, điểm học tập phải được tính bằng cách: Lấy đầu điểm của các môn trong bảng điểm cộng vào nhau, được bao nhiêu đem chia cho số đầu môn học tương ứng (cách 1). Trong khi, Điểm học tập mà các trường làm cho thí sinh tính theo cách: đầu điểm của mỗi môn học nhân hệ số (hệ số nhân chính là số đơn vị học trình của môn đó), tất cả cộng lại với nhau, rồi chia cho tổng số đơn vị học trình của tất cả các môn (cách 2). Trước việc này, bạn đọc Trần Chí Độ thốt lên: “Cán bộ sở GD gì mà dốt quá không thể diễn tả nổi...”! Độc giả Duchoa đoán rằng, "vị chuyên viên này nghĩ theo cách tính cho bậc phổ thông. Có lẽ vị này cũng chỉ đạt đến trình bậc phổ thông mà thôi". Tương tự, bạn Huong là một độc giả quan tâm vụ việc ngay từ đầu viết: “Đây là năng lực yếu kém của mấy chuyên viên phòng tổ chức của Sở GD&DT Vĩnh Phúc, mang cách tính điểm trung bình chung của phổ thông áp dụng cho bảng điểm ĐH, mấy đồng chí này chắc chắn sẽ không hiểu được các môn chuyên ngành và các môn cơ sở ngành, không hiểu được ngành và chuyên ngành là thế nào? Đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc xử lý kỷ luật các đồng chí này”.
Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc lại làm khó thí sinh.
Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc lại làm khó thí sinh.
Sự giải thích của chuyên viên Phòng tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc khiến một độc giả ký tên Khánh cười chua chát: “Nực cười câu nói của ông cán bộ Sở GD này, thử hỏi cách tính điểm trung bình học kỳ của học sinh các cấp học như thế nào, có chia đều ra theo cách 1 vậy không? Làm giáo dục mà như vậy thì trách gì xã hội càng ngày càng nhiều người máy móc”! Một bạn đọc email Lengoccuong1***@yahoo.com thẳng thắn trao đổi với lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc rằng chẳng nơi nào có cách tuyển dụng lạ đời như ở Vĩnh Phúc, và lên tiếng hoài nghi về trình độ của những người làm chuyên môn tại sở này: “Lạ thế. Cán bộ Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc họ được đào từ đâu ra thế? Nếu họ được qua đào tạo đại học một cách nghiêm chỉnh thì làm gì đến nỗi không biết cách tính điểm trung bình chung học tập toàn khóa của sinh viên? Các em không phải đi đến trường đại học để xin các trường tính lại điểm trung bình theo cách ngớ ngẩn ấy đâu! Không một đơn vị nào làm việc đó cho các em cả vì họ không thể ngớ ngẩn theo cách tính của Sở GD&ĐT Vính Phúc được"!
Bạn đọc Hoàng Đức Thắng gay gắt hơn, cho rằng trình độ chuyên môn của ông Vũ Kiên Cường không đáng để ngồi ở vị trí đó. “Ông chuyên viên này học lớp mấy rồi mà không biết tính trung bình cộng? Chắc chắn phải áp dụng cách 2, đây là phương pháp tính trung bình cộng gia quyền có trọng số tương ứng với đơn vị học trình từng môn học. Chỉ tính theo cách 1 khi trọng số là như nhau, nếu tính như ông này nói đó là cái kiểu tính "ông bằng thằng". Hai là hết nói với cái ông thích chày cối này, có cơ quan nào khác công tâm hơn vào cuộc mới được”. Cũng theo bạn đọc Thắng, nếu Sở không biết tính thì độc giả sẽ tính hộ. “Tôi xin phép nhắc lại công thức tính trung bình cộng TBC = (a1xb1 + a2xb2 +a3xb3 +....anxbn)/(b1 + b2 + b3 + ... bn) trong đó a1,a2,a3,an là các biến số (ở đây là điểm các môn thành phần), b1,b2,b3,...bn là các quyền số hay còn gọi là trọng số (ở đây là hệ số đơn vị học trình). Trong trường hợp đặc biệt b1 = b2 = b3 =.... bn thì khi đó TBC = (a1 + a2 + a3 +..an)/n. Ông Sở có thật sự không có trình độ hay vì lý do gì đó tính dùng câu chữ để làm xảo thuật đổi trắng thay đen thì có trời mới biết. Cảm ơn Giáo dục Việt Nam đã thông tin kịp thời”. Một bạn đọc tên Quang Vinh bình luận, cách tính điểm của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc là quái dị và chẳng giống ai: “Vậy là Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã cố tình gây khó dễ cho giáo viên bằng cách nghĩ ra kiểu tính điểm quái dị của mình. Nếu tính điểm theo cách 2 đã được áp dụng ở mọi nơi, thì phải hiểu rằng cách tính đó đã được kiểm nghiệm và tỏ ra chính xác hơn cách tính trung bình cộng kiểu học sinh phổ thông. Vì vậy Sở GD&DT Vĩnh Phúc chỉ có quyền công nhận cách tính đó hay không, chứ không thể đưa ra cách tính riêng của mình được, đây là một hình thức trả đũa những người đã tố cáo sự sai trái trong việc xét tuyển giáo viên của sở GD&DT Vĩnh Phúc”. Và độc giả Võ Thi kết luận: “Có thể hiểu đây là "lệ làng" của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc. Đã từ lâu rồi không có trường nào tính điểm trung bình cộng như thế cả mà chỉ tính theo cách 2 mà PV đưa ra thôi. Có lẽ lãnh đạo và các vị chuyên viên này chưa bao giờ ngó lại bảng điểm của mình (chắc nó không quan trọng đối với quí vị). Một sở quản lý toàn ngành giáo dục của một tỉnh mà lại không hiểu những qui định cơ bản của ngành, không hiểu cách tính điểm theo qui chế ngành vậy thì quản lý như thế nào đây? Hay là các vị "cố tình" không hiểu vì lợi ích nhóm? Nguy thay”! Trước diễn biến vụ việc này, bạn đọc Tran Duc Ty đề nghị báo Giáo dục Việt Nam tiếp tục theo sát diễn biến tình hình tuyển dụng “lùm xùm” của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, có ý kiến với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc trong việc “tự ý” bẻ cong Nghị định của Chính phủ, bênh vực lẽ phải cũng như phản ánh những việc làm sai trái của “một số” quan chức Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc trước công luận.
* Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự vụ này.


XT (Tổng hợp)