Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đồng Nai: Chỉ nên xét tốt nghiệp dựa trên điểm thi

15/08/2021 07:54
Phan Nga - Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai cho rằng, chỉ nên xét tốt nghiệp dựa trên tổng số điểm của các môn học sinh dự thi.

Theo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các địa phương xét tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh, theo công thức 70% điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông + 30% là điểm trung bình học bạ năm lớp 12 của học sinh.

Việc tính điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông đã tạo ra nhiều luồng quan điểm trái chiều lẫn nhau.

Chỉ nên xét tốt nghiệp dựa trên điểm thi của học sinh

Có ý kiến cho rằng, việc xét điểm học bạ năm học lớp 12 của học sinh như là một “chiếc phao cứu sinh” cho học sinh yếu, có thể xảy ra chuyện "làm đẹp" học bạ, giúp con số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông của cả nước cao hơn.

Nhiều người cho rằng, nếu bỏ 30% điểm học bạ lớp 12 trong cơ cấu điểm xét tốt nghiệp của học sinh thì kết quả thi tốt nghiệp của nhiều địa phương sẽ không cao như vừa qua.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Võ Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai chia sẻ, điểm học bạ của học sinh là dựa trên kết quả của các bài kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ.

Trong vài năm gần đây, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông tại một số địa phương đã đạt tỷ lệ từ 98 đến 99%, một tỷ lệ rất cao rồi, nên đâu có cần lấy 30% điểm học bạ để xét chi nữa.

Theo ông Võ Ngọc Thạch, học bạ chỉ nhằm đánh giá học sinh có đủ điều kiện để dự thi tốt nghiệp hay không thôi, chứ lấy điểm học bạ để xét vào điểm tốt nghiệp chắc chắn có thể xảy ra chuyện nâng điểm học bạ để tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cao hơn, có thể là cho đề kiểm tra dễ để có điềm cao.

Sử dụng điểm học bạ dẫn tới các trường sẽ "làm đẹp" học bạ

Theo thầy Phạm Phương Bình – Phó hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh thì phương án nào cũng có thể có mặt ưu điểm và khuyết điểm.

Cụ thể: Nếu tỷ trọng 30% điểm học bạ lớp 12 được xét vào điểm tốt nghiệp trung học phổ thông có thể dẫn đến tình trạng các trường “làm đẹp” học bạ, để tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông cao.

Thầy Phạm Phương Bình trong một lần trao thưởng cho học sinh (ảnh: NVCC)

Thầy Phạm Phương Bình trong một lần trao thưởng cho học sinh (ảnh: NVCC)

Ví dụ như một học sinh có điểm học bạ trên 8 điểm, thì điểm bài thì chỉ cần đạt 4 điểm là đã đạt tốt nghiệp trung học phổ thông, nên khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đối sánh giữa điểm học bạ và điểm thi, nhiều nơi lệch nhiều thì có thể thấy rõ có tình trạng này.

Ưu điểm của việc lấy điểm học bạ là sẽ khiến học sinh tập trung nhiều hơn vào việc học, hạn chế tối đa việc học lệch, do học sinh cũng phải quan tâm đến điểm học bạ của mình. Điều này còn xét đến tính toàn diện hơn trong học tập của học sinh, giúp học sinh có động lực hơn trong cả năm học, thay vì chỉ tập trung vào một thời điểm gần thi, mang tính chất đối phó với kỳ thi.

Về đề xuất những năm tới, thầy Phạm Phương Bình cho rằng, nhất thiết Bộ nên nghiên cứu việc tính cả 3 năm quá trình học trung học phổ thông của học sinh, để đánh giá toàn diện học sinh hơn, do hiện nay trường đại học khi xét tuyển cũng dựa trên học bạ cả 3 năm của học sinh.

Sau nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên tiếp tục nghiên cứu kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh, giao quyền tổ chức thi/xét tốt nghiệp trung học phổ thông về lại cho thành phố, nhằm tiết kiệm hơn về kinh phí tổ chức, chủ động về mặt thời gian, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, còn việc xét tuyển đại học thì các trường Đại học sẽ chủ có các phương án tuyển sinh cho đơn vị mình.

Phan Nga - Việt Dũng