Phòng, sở về dự giờ thăm lớp là để giúp đỡ giáo viên chứ đừng bắt chẹt

19/05/2022 08:29
HÀ DƯƠNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuyện dự giờ giáo viên lớp 6 trong năm học này là nhằm để tư vấn, tháo gỡ những khó khăn hay là nhằm tìm những hạn chế, sai sót của giáo viên để phê bình?

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu triển khai ở lớp 6 từ năm học 2021- 2022 này trong một hoàn cảnh rất đặc biệt của dịch bệnh Covid-19 kéo dài mà lại có nhiều môn học mới nên những bỡ ngỡ, khó khăn khi thực hiện dưới cơ sở là điều rất khó tránh khỏi đối với các giáo viên và các nhà trường.

Chính vì thế, thay vì khi lãnh đạo cấp sở về các nhà trường kiểm tra, dự giờ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 cần có những chia sẻ với các đơn vị để cùng tháo gỡ những khó khăn sẽ hay hơn những lời quở trách, phê bình trong lúc này.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có những chuyên viên của sở khi đi dự giờ giáo viên dưới cơ sở đã không có sự đồng cảm về khó khăn mà buông những lời phê bình chủ quan rất nặng nề khiến cho giáo viên và nhà trường cảm thấy bị tổn thương rất nhiều.

Lãnh đạo sở, phòng giáo dục cần đồng hành với giáo viên sẽ hiệu quả hơn khi thực hiện chương trình mới (Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn).

Lãnh đạo sở, phòng giáo dục cần đồng hành với giáo viên sẽ hiệu quả hơn

khi thực hiện chương trình mới (Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn).

Sở về dự giờ giáo viên dạy lớp 6 để tư vấn, hỗ trợ hay để phê bình?

Một thầy giáo dạy môn Khoa học tự nhiên ở một tỉnh phía Nam đã trao đổi với chúng tôi rằng trường của thầy vừa mới đón đoàn kiểm tra của sở giáo dục về kiểm tra việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6.

Nội dung kiểm tra của đoàn là kiểm tra các kế hoạch của nhà trường, của tổ chuyên môn; kế hoạch giáo dục bài học (giáo án) và dự giờ giáo viên đang dạy lớp 6. Những công việc này cũng là chuyện rất bình thường ở các nhà trường và của ngành giáo dục.

Tuy nhiên, điều đáng nói là một chuyên viên của sở giáo dục sau khi kiểm tra giáo án của giáo viên thì lên lớp dự giờ. Khi hết tiết dạy, chuyên viên sở không hề trao đổi, rút kinh nghiệm gì với giáo viên đứng lớp về nội dung, phương pháp của tiết dạy đó như thế nào.

Nhưng, khi đoàn kết luận công việc kiểm tra thì vị chuyên viên này không hề đề cập đến ưu điểm của tiết dạy mà khẳng định giáo viên không hề đổi mới phương pháp giảng dạy, không cho học sinh thảo luận nhóm, các hoạt động dạy học mới không đúng.

Giáo án chủ đề của môn Khoa học tự nhiên cũng không thể hiện rõ từng tiết dạy và cuối cùng đi đến kết luận là giáo viên không thực hiện theo đúng tinh thần đổi mới của ngành.

Điều đáng buồn hơn là lãnh đạo sở đã đánh giá nhà trường không vận dụng phương pháp giảng dạy mới, không thực hiện đúng các bước như hướng dẫn của Công văn 5512 của Bộ. Và, theo suy luận của sở thì từ tiết dạy giáo viên Khoa học tự nhiên có thể các tiết khác, các lớp khác cũng không thực hiện việc đổi mới trong dạy học.

Có lẽ thầy giáo được dự giờ sợ cấp sở nên khi nghe chuyên viên đánh giá như vậy thì chỉ biết im lặng không dám phản biện lại lời nào. Lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng chuyên môn thì không thể lên tiếng vì tiết dạy đó chỉ có một mình chuyên viên của sở dự giờ….

Thế là thư ký đoàn kiểm tra của sở ghi vào biên bản kết luận chung là giáo viên chưa đổi mới phương pháp dạy học mới và kiến nghị nhà trường tăng cường dự giờ giáo viên trong trường để học sinh nhuần nhuyễn 4 hoạt động giáo dục như hướng dẫn của Công văn 5512.

Việc ghi biên bản trong kết luận kiểm tra là chuyện rất bình thường và gần như khi bị kiểm tra thì trường nào cũng đều có những hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Song, từ việc đoàn kiểm tra của sở về kiểm tra trường thì mọi người cũng nhìn thấy được nhiều điều chưa thực sự khách quan.

Thứ nhất: việc đoàn kiểm tra của sở về kiểm tra kế hoạch giáo dục của nhà trường và tất cả các tổ chuyên môn, dự giờ nhiều giáo viên nhưng chỉ 1 tiết giáo viên thực hiện trên lớp chưa tốt mà đã đánh giá toàn trường là phủ nhận công sức của cả một tập thể. Làm sao chỉ vì “một chỗ mọt nhỏ mà đi đánh giá cả một cây gỗ” lớn?

Thứ hai: vị chuyên viên của sở sau khi dự giờ của giáo viên, chưa có trao đổi, rút kinh nghiệm với giáo viên dạy lớp để tìm hiểu, thống nhất những phương pháp, hoạt động dạy học của tiết dạy mà đã đưa ra kết luận là điều chưa thỏa đáng, mang tính chủ quan, áp đặt.

Hơn nữa, trên vai trò là chuyên viên của sở, phụ trách môn học này nhưng để tình trạng giáo viên không đổi mới phương pháp (như ý kiến đánh giá của chuyên viên) thì có một phần trách nhiệm của giáo viên dạy lớp nhưng trách nhiệm của vị chuyên viên này cũng không hề nhỏ.

Tại sao mình phụ trách môn học đó là để tình trạng giáo viên không thực hiện đúng theo tinh thần đổi mới của ngành? Chuyên viên phê bình giáo viên dạy lớp thì có dám nhận trách nhiệm trước lãnh đạo sở về môn học của mình phụ trách chưa tốt hay không?

Chuyện dự giờ giáo viên lớp 6 trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là nhằm tư vấn, tháo gỡ khó khăn hay là nhằm tìm những hạn chế, sai sót của giáo viên để phê bình?

Sở, phòng giáo dục cần đồng hành cùng giáo viên và các nhà trường

Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 nhưng nhìn lại quá trình chuẩn bị và thực hiện sẽ thấy rất nhiều khó khăn mà các nhà trường đã và đang phải đối mặt.

Suốt hơn 1 học kỳ, học sinh phải học trực tuyến ở nhà, đến khi học trực tiếp thì thời gian đầu phải thực hiện giãn cách trong lớp học. Điều này được thể hiện rõ trong các văn bản chỉ đạo của ngành từ cấp phòng giáo dục trở lên.

Chỉ mới mấy tuần gần đây mới thực sự trở lại bình thường nhưng học sinh, giáo viên vẫn phải thực hiện việc đeo khẩu trang, nhiều trường học vẫn đang phải bố trí lệch giờ học giữa các khối để đề phòng dịch bệnh.

Hơn nữa, học sinh tiểu học mới bước vào lớp 6 thì các em còn nhiều bỡ ngỡ với phương pháp, cách thức tổ chức các hoạt động dạy học của giáo viên nên trong quá trình học tập chắc chắn sẽ chưa được nhuần nhuyễn các bước là điều chắc chắn.

Chính vì thế, thay vì khi về trường dự giờ giáo viên- nếu gặp một số tiết, một số lớp chưa thực hiện tốt các hoạt động dạy học thì lãnh đạo sở mà đặc biệt là các chuyên viên phụ trách các môn học cần có những tư vấn, hỗ trợ giáo viên, nhà trường để hướng tới việc thực hiện công việc được tốt hơn mới là điều đáng trân quý.

Ngồi dự giờ, tìm ra những hạn chế của giáo viên thì không khó nhưng cái khó là góp ý làm sao để giáo viên tâm phục, khẩu phục mà họ có động lực phấn đấu, cố gắng chứ không phải là góp ý theo kiểu “dập cho chết” người thầy đứng lớp.

Suy cho cùng trước khi triển khai và suốt gần năm học vừa qua thì ngành giáo dục đã tập huấn cho giáo viên được những gì ngoài mấy module dài dằng dặc trên phần mềm trực tuyến cùng 20 phút tập huấn online của các nhà xuất bản được ghi hình sẵn trong video rồi phát lại cho giáo viên xem?

Nếu đội ngũ nhà giáo, các trường học không tự lực cánh sinh, không mày mò học tập, không tự vươn lên trong khó khăn thì giáo viên có giảng dạy được các môn học mới ở lớp 6 hay không?

Vì thế, thay vì quở trách, phê bình thì lãnh đạo sở cần đồng hành, chia sẻ với giáo viên và các đơn vị cơ sở sẽ tốt và hiệu quả hơn rất nhiều. Bởi, phê bình một giáo viên trước hội đồng nhà trường, trước lãnh đạo sở, lãnh đạo phòng là điều tối kị vì sẽ gây ra những tổn thương, phiền muộn cho nhà giáo không chỉ ngày một, ngày hai.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HÀ DƯƠNG