Quận 1 có số lượng F0 trong trường học lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh

05/03/2022 06:47
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Báo cáo mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết , quận 1 là địa phương có số lượng F0 trong trường học lớn nhất thành phố.

Ngày 4/3/2022, Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc trực tuyến với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình học sinh thành phố đi học trực tiếp trở lại từ sau ngày 7/2.

F0 gia tăng, thiếu kit test xét nghiệm nhanh

Tại buổi làm việc, ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo thống kê từ Phòng giáo dục và Đào tạo các quận huyện, chỉ tính riêng trong giai đoạn từ ngày 7/2 đến 2/3 (đi học lại từ sau tết), toàn địa bàn thành phố đã có 40.385 ca F0 trong trường học, trong đó số F0 phát hiện tại trường có 2.160 ca.

Số cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc diện mắc và nghi mắc là 3.689 ca, gồm cả 381 ca ghi nhận tại các trường.

Theo số liệu từ ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong 2 tuần vừa qua, số lượng F0 trong trường học tăng cao ở các quận, huyện. Trong đó, quận 1 là nhiều nhất, kế đó là quận Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức, quận 12 và Tân Phú.

Ông Trịnh Duy Trọng chia sẻ, hiện tại, ở phần lớn các cơ sở giáo dục đều đang gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị y tế phục vụ cho việc phòng chống dịch, xử lý tình huống khi có các ca mắc, nghi mắc hay tầm soát F1 trong trường học.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Thiếu hàng đầu là các kit test để xét nghiệm nhanh kháng nguyên SAR-CoV-2. Hiện ngành giáo dục và ngành y tế thành phố đã phân bổ các xét nghiệm nhanh này về cho các trường ( công lập đợt 1).

Thế nhưng, đây chỉ là dùng để tầm soát F0 theo đúng quy định, còn các xét nghiệm nhanh để tầm soát F1 vẫn còn gặp khó khăn.

Tỷ lệ học sinh quay trở lại trường học trực tiếp ở các bậc học cũng đạt ở mức cao, trong đó cao nhất là bậc trung học phổ thông với 98,93%, kế đến là trung học cơ sở, tiểu học và thấp nhất là mầm non.

“Khát” nhân viên y tế chuyên trách trường học

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết thêm, hiện trên toàn địa bàn thành phố, các trường đang rất thiếu nhân viên y tế học đường có chuyên môn.

Năm học trước (2020-2021), trong tổng số 2.339 cơ sở giáo dục trên địa bàn, thì chỉ có 1.319 trường có nhân viên y tế học đường, chiếm tỷ lệ hơn 56%, còn lại là các giáo viên hay nhân viên kiêm nhiệm, gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện công tác phòng chống dịch ở các đơn vị.

Đến đầu năm học này, lực lượng y tế học đường không được bổ sung thêm, mà còn có việc “rơi rụng” thêm, khiến cho công tác phòng chống dịch bệnh tại các trường lại càng thêm khó khăn.

Học sinh trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu rửa tay, đo thân nhiệt trước khi vào trường (ảnh: P.L)

Học sinh trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu rửa tay, đo thân nhiệt trước khi vào trường (ảnh: P.L)

Nhằm đảm bảo công tác tổ chức dạy học trực tiếp được lâu dài và hiệu quả, Sở Giáo dục đề nghị Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đến chế độ, chính sách cho đối tượng là giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế học đường, nhằm tăng cường lực lượng phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19, chăm sóc sức khỏe học sinh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh – bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết, thời gian tới, Sở Giáo dục và Sở Y Tế sẽ cùng phối hợp với nhau, có những đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, để nhằm đảm bảo số lượng nhân viên y tế học đường cho các trường.

Ngoài ra, trong thời gian tới, các trường đại học sẽ hỗ trợ đào tạo lại, nâng cao chất lượng chuyên môn cho nhân viên y tế học đường, để các trường hoạt động hiệu quả hơn.

Việt Dũng