Quán quân Olympia năm 2010: trường chuyên mang lại nhiều trải nghiệm quý giá

15/04/2022 06:30
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Phan Minh Đức - quán quân Olympia năm 2010, cựu sinh lớp chuyên Lý trường chuyên Amsterdam cho rằng những trải nghiệm ở trường chuyên là điều vô cùng quý giá.

Phan Minh Đức (sinh năm 1992, Hà Nội) là cựu sinh lớp Vật Lý 1, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Năm 2010, Đức giành vị trí Quán quân trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.

Phan Minh Đức, quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2010. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Phan Minh Đức, quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2010. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chia sẻ lý do bén duyên với Trường Trung học Phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, Minh Đức cho biết: "Mình bắt đầu thích môn Vật lý từ khi vào lớp 6, trong suốt cấp 2 tại trường Trung học cơ sở Trưng Vương, mình có cơ hội được tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp quận và thành phố.”

Ngoài Trường Trung học Phổ thông chuyên Hà Nội Amsterdam, Minh Đức đăng ký vào khối phổ thông chuyên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (nay là Trường Trung học Phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên).

Vốn yêu thích môn Vật lý, Minh Đức dành hẳn một phần thời gian để ôn thi. Đức chia đều thời gian cho cả ba môn là Toán, Ngữ văn và Vật lý. Thời điểm đó, Minh Đức không bận tâm quá nhiều về tỉ lệ chọi, chàng trai Hà Nội chia sẻ: “Mình coi kì thi vào trường chuyên như là một lần thử sức.”

Theo học Trường Trung học Phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, Minh Đức cho biết điều mình thích nhất là được học trong một môi trường cùng với những bạn học sinh tài năng. Đối với Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2010, những người bạn cấp 3 học là những người bạn mình gắn bó lâu dài nhất. Hiện tại chúng mình vẫn thường cập nhật thông tin cho nhau và luôn cố gắng tổ chức những buổi gặp mặt, dù trực tuyến hay trực tiếp.

Minh Đức chia sẻ anh đã học được rất nhiều từ những người bạn của mình. Cho đến bây giờ, chúng mình vẫn đang học lẫn nhau.

Thêm vào đó Trường Trung học Phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam là ngôi trường nổi tiếng với những hoạt động ngoại khóa, nơi học sinh được thể hiện hết mình. Qua những hoạt động ngoại khóa ở trường chàng trai Hà Nội chia sẻ mình đã học được rất nhiều kỹ năng không có trong sách vở như: Làm việc nhóm, quản lý thời gian, hay kỹ năng giao tiếp hiệu quả.

Cho đến thời điểm hiện tại, Minh Đức vẫn nhớ lớp mình đã chuẩn bị hàng tuần trước Ngày Hội Anh Tài, hay các thành viên trong lớp đã xúc động như thế nào trong buổi tối của chương trình Made In 12 Vĩ Thanh.

Ngoài ra, Minh Đức vẫn nhớ về những buổi chiều cùng bạn ở lại trường để đá bóng nhựa trong sân thể dục đằng sau trường (thời điểm Trường Trung học Phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam ở phố Núi Trúc, quận Ba Đình).

Đức kể: "Trong sân sau có ô cát để nhảy xa, bụi tung mù mịt mỗi lần chúng mình đá bóng, và lần nào về nhà, mẹ cũng than thở vì giặt áo cho mình vất vả quá.Có thể nói những kỷ niệm thời cấp 3 là một phần không thể quên trong ký ức của mình."

Phan Minh Đức (áo đen) cho rằng việc học Trường Trung học Phổ thông chuyên Amsterdam đã cho anh nhiều trải nghiệm quý giá. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phan Minh Đức (áo đen) cho rằng việc học Trường Trung học Phổ thông chuyên Amsterdam đã cho anh nhiều trải nghiệm quý giá. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bên cạnh những công việc chính, Minh Đức cùng một số bạn du học sinh, nghiên cứu sinh tại Úc xây dựng một dự án liên quan đến giáo dục và hướng nghiệp.

Minh Đức tự nhận thời gian biểu hiện tại của mình không được khoa học cho lắm, ban ngày chàng trai Hà Nội đi làm và đi học thêm, buổi tối về làm việc với các thành viên của dự án tại Việt Nam. Ngoài ra Đức còn dạy thêm một số lớp tiếng Anh. Công việc thì rất nhiều, đôi lúc có hơi “quá tải” nhưng cũng may là có các bạn trong dự án hỗ trợ.

Chàng trai Hà Nội chia sẻ: “Lý do thành lập dự án về giáo dục khá là đơn giản, một là bọn mình nhận thấy tại Việt Nam có một khoảng trống trong việc hướng nghiệp sớm ở giai đoạn trung học phổ thông thậm chí trước đó.

Hai là khi học tập ở Úc, bọn mình thấy mô hình giáo dục và hướng nghiệp của Úc có nhiều ưu điểm, hoàn toàn có thể áp dụng được tại môi trường giáo dục Việt Nam.”

Về giá trị mà dự án hướng đến, ở góc độ xã hội, Minh Đức mong sự ra đời của dự án sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ sinh viên ra trường đi làm trái ngành, chuyển ngành cũng như đào tạo thêm về kỹ năng giúp các bạn có thể thành công trong công việc.

Ở góc độ cá nhân, Đức hy vọng các bạn học sinh, sinh viên khi tham gia dự án sẽ có thêm thông tin, kiến thức và phương pháp để lựa chọn ngành học, trường học và xa hơn là một công việc phù hợp với bản thân.

Chia sẻ dự định về dự án giáo dục sắp tới nhóm sẽ có một số chương trình như hoạt động hướng nghiệp giúp các bạn học sinh chọn ngành, chọn trường, hoạt động đào tạo kỹ năng giúp các tân sinh viên có thể thích nghi với môi trường đại học cũng như tổ chức một số cuộc thi nhỏ cho các bạn.

Nhật Tân