Quan trọng nhất là học sinh được dạy cách tư duy, đâu cần phải GS, PGS

13/03/2022 06:58
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh giành giải quốc tế đó hầu như là đi du học, các em làm được gì cho địa phương, mà may ra cả trường được 1 đến 2 cháu trong khi ngân sách chi ra rất nhiều

“Học sinh trường chuyên, hoặc tham gia vào đội tuyển chuẩn bị cho một kì thi quốc tế nào đó, tùy vào tính chất của cuộc thi mà các thầy cô giáo lãnh đội, phối hợp với phụ huynh mời thêm một số chuyên gia ở các viện nghiên cứu, các trường đại học để bồi dưỡng thêm kiến thức nâng cao cho học sinh, nhưng đó là mời theo từng công việc cụ thể trong một giai đoạn nào đó.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là các thầy cô lãnh đội đi theo học sinh trong 3 năm, những thầy cô này là người hiểu rõ nhất học trò của mình, tính cách từng em thế nào, thừa hay thiếu kiến thức ra sao.

Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Còn việc một vài địa phương hay ở đâu đó mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy trường Trung học phổ thông chuyên như vậy thì tôi không hiểu mục tiêu của họ là gì?”, nhà giáo T.T.D., hiệu trưởng một trường trung học phổ thông chuyên đề nghị không nêu tên, đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo cô D. “Đối với học sinh chuyên, nếu trong 1 tháng được hỗ trợ nâng cao kiến thức từ các giáo sư từ 1 đến 2 buổi thì được, nhưng ví dụ môn Toán trong tuần có 6 tiết thì cũng không thể để các giáo sư, phó giáo sư dạy hết được, mặc dù các thầy rất giỏi và đi sâu vào chuyên môn, nhưng đó là nghiên cứu chuyên môn hẹp.

Chưa kể học sinh phổ thông lại cần học đều tất cả các môn để học kiến thức tổng thể, cơ bản. Hơn nữa, tôi cũng e ngại khi các nơi mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy, và nếu ở mức độ thay thế các thầy cô giáo phổ thông thì sau này học sinh lên bậc đại học sẽ học cái gì? Trình độ phổ thông không cần kiến thức khoa học của một vị giáo sư để giảng dạy.

Chúng ta hiện nay có học hỏi theo mô hình ở nước ngoài, ở nước ngoài học sinh được học theo mô hình chóp, ở cấp dưới mức độ học khá vui vẻ tạo niềm đam mê với môn học và nhà trường chú trọng kiến thức cơ bản. Sau đó sẽ có sự chọn lọc dần và càng lên cao càng khó, học đến thạc sĩ, tiến sĩ sự cạnh tranh càng khủng khiếp hơn.

Khi học sư phạm, bản thân mỗi ngành nghề đào tạo sẽ có phương pháp riêng, với bậc tiểu học nếu cho tôi dạy thì chắc chắn sẽ không dạy được bởi tôi không được đào tạo về chuyên môn đó, và các thầy cô dạy cấp 2, cấp 3 cũng sẽ có những điều chỉnh dạy khác nhau. Giáo viên phổ thông ngoài việc dạy lại còn phải dỗ, tức là vừa dạy vừa dỗ.

Giáo viên phổ thông thường xuyên tham dự các lớp tập huấn, ngoài ra còn có kinh nghiệm thực tế. Ví dụ: Khi tôi vừa ra trường đi dạy, sau một khóa học sinh tốt nghiệp, tôi lại đúc kết ra và đến khóa thứ 2 học sinh lại không giống khóa đầu, và tôi lại phải rút kinh nghiệm. Những kinh nghiệm đó khó có thể chia sẻ cho người nọ người kia vì mọi thứ đều khác nhau.

Nếu các địa phương mời các giáo sư, phó giáo sư để bổ trợ kiến thức theo từng đợt ngắn cũng có cái hay, nhưng nếu để thay thế hoàn toàn các thầy cô dạy phổ thông thì cũng nên cân nhắc thật kĩ”.

Học sinh phổ thông cần kiến thức tổng thể

Theo cô D.: “Việc của giáo viên phổ thông là dạy kiến thức tổng thể đều, và yêu cầu của chương trình phổ thông là như vậy, có một chút chuyên sâu với trường chuyên. Lên đại học, nếu đến học hàm thạc sĩ, tiến sĩ,…là các thầy phải đi chuyên sâu vào một mảng duy nhất, theo đuổi mảng đó.

Bây giờ là đổi mới giáo dục toàn diện, hướng tới học sinh yêu thích môn học, dạy các con cách tư duy và đi theo các con suốt cuộc đời là cách tư duy, còn kiến thức rất rộng lớn. Nếu một thời gian không cập nhật lại kiến thức thì chắc chắn tôi không theo kịp các bạn trẻ, vậy quan trọng nhất là học sinh được dạy cách tư duy. Bây giờ chúng ta thiên về đưa kiến thức, càng cao càng tốt thì liệu khi lên đại học các con có còn hứng thú để học nữa hay không? Như vậy chúng ta lại chạy theo kiến thức.

Tôi ủng hộ từng giai đoạn, từng chuyên đề mời các giáo sư về bổ trợ cho học sinh, giúp các em hiểu sâu hơn vì là trường chuyên, còn nếu mời về làm giáo viên cơ hữu thì hóa ra là đưa kiến thức đại học xuống phổ thông, vậy khi lên đại học chúng ta đào tạo cái gì?

Chúng ta nên định hướng trường chuyên ở đây là cái gì? Không phải để mỗi năm giành mấy giải quốc tế, thậm chí đến 10 giải cũng vậy thôi, tạm tính 1.500 học sinh với rất nhiều ngân sách hàng năm chỉ để đạt 5 giải quốc tế, theo tôi đó là sự lãng phí.

Tuy nhiên, vào trường chuyên để học sinh học được cách tư duy, được học cùng các bạn bè giỏi, rồi có em đi đội tuyển, có em theo nghiên cứu khoa học,…sẽ có nhiều sân chơi cho các năng khiếu khác nhau, như vậy mô hình trường chuyên mới thực sự có ích cho xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Còn đưa ra mức đãi ngộ thu hút như vậy, hóa ra các địa phương tranh nhau đổ tiền của vào “đâu đó” để giành giải quốc tế, để sánh vai với các địa phương khác, như vậy chứng tỏ điều gì hay chỉ để “lên mặt”? Học sinh giành giải quốc tế đó hầu như là đi du học, các em làm được gì cho địa phương, mà may ra cả trường được 1 đến 2 cháu trong khi ngân sách chi ra rất nhiều.

Vậy nên tư duy phải mời giáo sư, phó giáo sư về dạy cấp phổ thông có thể nói là chạy theo thành tích, cạnh tranh với địa phương này, tỉnh kia và cuối cùng để đạt được cái gì, có thực tế hay không thì không thấy ai bàn đến.

Theo tôi, tiền ngân sách đó địa phương nên tập trung vào xây dựng thêm trường mới, hoặc nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao công nghệ cho một số trường khác để nhiều học sinh cùng được hưởng thụ, thay vì tập trung vào một trường. Khi đã có cơ sở tốt về công nghệ, các trường có thể tham gia tiệm cận với các chương trình học tiến tiến trên thế giới, lúc đó kết nối với một số trường và có thể họ sẽ dạy miễn phí”.

Cô Phạm Vũ Bích Hằng - phụ trách đội tuyển và các em học sinh Câu lạc bộ Robotics của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh minh họa: T.D.

Cô Phạm Vũ Bích Hằng - phụ trách đội tuyển và các em học sinh Câu lạc bộ Robotics của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh minh họa: T.D.

Quan trọng phải có năng lực thật sự

Cô D. nhận định: “Người có học hàm học vị dạy đại học chưa chắc đã giỏi, chứ đừng nói là cấp trung học phổ thông chuyên. Theo tôi, nếu tìm được những giáo viên có năng lực thật sự cứ mời về giảng dạy, đâu cần phải đưa ra yêu cầu giáo sư, tiến sĩ.

Phần lớn những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang làm việc trong các trường đại học, họ còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, khi họ dạy ở trường phổ thông thì thế mạnh nghiên cứu khoa học sẽ không được phát huy, như vậy là bỏ phí nguồn nhân lực chất lượng cao, lãng phí chất xám.

Theo tôi, việc bỏ tiền ra thu hút người có học hàm, học vị không bao giờ là ý hay, mà hiệu quả là nên đầu tư vào lực lượng trẻ có năng lực mới là đầu tư dài hạn, hơn nữa mời giáo sư, phó giáo sư về dạy phổ thông thì thu nhập của họ sẽ trả thế nào? Các giáo sư, phó giáo sư thường ở ngạch giảng viên cao cấp, chuyên viên cao cấp, nhưng giáo viên phổ thông thì làm sao có những ngạch đó, và trả theo đúng ngạch lương đó mấy chục triệu đồng một tháng thì sẽ tạo sự mất cân bằng với các giáo viên phổ thông trong cùng trường.

Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/07/2020 quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học. Tại Điều 2 nêu rõ nhiệm vụ của giảng viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, trong đó 5 nhiệm vụ của giáo sư và phó giáo sư, không có nhiệm vụ nào là dạy cấp trung học phổ thông. Vì thế địa phương nào muốn mời giáo sư và phó giáo sư về giảng dạy tại các trường chuyên trung học phổ thông thì phải đề xuất lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề xuất Chính phủ quy định lại nhiệm vụ của giảng viên đại học”.

Được biết, về việc các địa phương dành đầu tư lớn cho hệ thống trường chuyên, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lưu ý:

“Đầu tư cho trường chuyên nhưng không vì thế mà không lưu ý đến giáo dục phổ thông và chính sách bình đẳng trong giáo dục. Không nên quá đầu tư cho hệ thống trường chuyên mà quên hệ thống trường khác. Đành rằng trong điều kiện khó khăn phải đầu tư tập trung nhưng bên cạnh trường chuyên được đầu tư lộng lẫy là nhóm trường khác còn chưa được kiên cố hóa thì thực sự phản cảm. Phát triển nhóm trên nhưng phải nâng đỡ nhóm dưới một cách hài hòa”.

Một trong những nội dung dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình quy định một số chính sách đặc thù đối với Trường Trung học phổ thông chuyên; chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển của tỉnh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, khu vực quốc tế đang lấy ý kiến dư luận trong đó có nêu giáo viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư về công tác tại trường chuyên, cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên sẽ được hỗ trợ mức 1 tỷ đồng/người.

Giáo viên có trình độ tiến sĩ về công tác tại trường chuyên, có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên sẽ được hỗ trợ tiền 300 triệu đồng/người.

Tùng Dương