Rắc rối môn học 35 tiết/năm có 6 thầy cô dạy 6 phân môn, vào 4 cột điểm

23/12/2021 06:49
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ xây dựng các môn học tích hợp đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng hiện tại ở lớp 6 thì mới chỉ thấy “tích” lại với nhau nhưng nó chưa “hợp".

Thời điểm này, đa phần các trường trung học cơ sở trên cả nước đã lên kế hoạch kiểm tra cuối học kỳ I nhưng nhiều thầy cô giáo vẫn đang gặp khó khăn trong việc ôn tập, ra đề và cả chuyện vào điểm đối với các môn học tích hợp.

Không chỉ đối với môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí; Nghệ thuật mà ngay cả Nội dung giáo dục địa phương cũng là điều trăn trở cho nhiều thầy cô giáo. Bởi, các môn học này từ đầu năm đến nay vẫn được các địa phương triển khai dạy theo phân môn nhưng khi kiểm tra cuối kỳ tới đây thì kiểm tra cả môn học.

Sự lúng túng, có phần bị động trong quá trình triển khai một số môn học mới ở lớp 6 trong năm học này khiến cho đội ngũ nhà giáo thêm vất vả nhiều hơn. Mỗi trường thực hiện mỗi cách và đến thời điểm này có những môn học còn chưa có cả sách giáo khoa.

Việc triển khai các môn học mới ở lớp 6 năm nay còn nhiều bất cập (Ảnh minh họa, nguồn: Trường Đại học Vinh)

Việc triển khai các môn học mới ở lớp 6 năm nay còn nhiều bất cập

(Ảnh minh họa, nguồn: Trường Đại học Vinh)

Thầy trò dạy và học bằng file PDF

Bắt đầu từ năm học 2021-2022 này thì ngành giáo dục triển khai việc dạy và học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6. Chương trình mới có thêm nhiều môn học mới, trong đó có Nội dung giáo dục địa phương, bao gồm các phân môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật.

Một môn học chỉ có 35 tiết/ năm nhưng có tới 6 phân môn nên khi dạy, học, kiểm tra cũng gặp nhiều bất cập.

Bởi, theo Thông tư số 22/2021/TT- BGDĐT thì môn học có thời lượng 35 tiết/ năm sẽ có 4 cột điểm. Trong đó có 2 cột điểm thường xuyên và 2 cột điểm định kỳ. Mỗi kỳ, sẽ dạy 3 phân môn, học kỳ I dạy 18 tiết, học kỳ II dạy 17 tiết.

Như vậy, trừ đi 2 tiết kiểm tra định kỳ thì mỗi học kỳ chỉ còn có 16-17 tiết nhưng có đến 3 phân môn. Vì thế, mỗi phân môn chỉ có mấy tiết học nhưng đều phải kiểm tra đi, kiểm tra lại.

Trong khi, với đặc điểm môn Ngữ văn hiện đang được Bộ triển khai là kiểm tra tự luận hoàn toàn. Các môn Âm nhạc (hát), môn Mĩ thuật (vẽ) mà được ép chung vào 1 đề kiểm tra quả là khiên cưỡng vô cùng.

Điều đáng nói nhất là thời điểm này đã cuối học kỳ mà có những địa phương còn chưa có sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương vì còn đang trong quá trình in ấn, xuất bản. Vậy nên, Sở gửi cho các trường 1 file PDF cả cuốn sách 6 phân môn để cả thầy và trò dạy và học.

Giáo viên nào biết cắt khúc và chuyển từ file PDF sang file Word thì học sinh còn đọc được, giáo viên nào không biết thì gần như học sinh không thể nào đọc được tài liệu vì nhiều học sinh lớp 6 dùng điện thoại để học trực tuyến nên không mở được file PDF với dung lượng cả cuốn sách giáo khoa.

Vì thế, đa phần là giáo viên truyền đạt được chữ nào thì học sinh học chữ đó chứ mấy em chịu khó đọc được file PDF hay file Word mà thầy cô gửi.

Nếu như với cách làm của một số địa phương hiện nay thì không biết sang học kỳ II đã có sách giáo khoa bản in giấy hay chưa và có thể sang năm khi triển khai ở lớp 7 cũng sẽ rơi vào trường hợp tương tự.

Cũng chính vì vậy mà giáo viên gặp muôn vàn khó khăn trong quá trình chuẩn bị, soạn giáo án để giảng dạy. Sách giáo khoa không có, tài liệu không, hướng dẫn của ngành thì mơ hồ nhưng rồi vẫn phải dạy, vẫn phải kiểm tra như thường…

Chương trình tổng thể, chương trình môn học đã thông qua từ năm 2017, 2018 nhưng đến năm 2021 mới bước vào giảng dạy thì vẫn gặp phải những cảnh trớ trêu như vậy. Thử hỏi, giáo viên và học sinh ở các nhà trường sẽ dạy và học như thế nào cho hiệu quả đây?

Kiểm tra các môn học, có “tích” mà không thấy “hợp”

Ngày 27/8/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022 đối với một số môn học, hoạt động giáo dục lớp 6. Công văn hướng dẫn kiểm tra như sau:

- Môn Lịch sử và Địa lí bao gồm 02 phân môn Lịch sử và Địa lí, mỗi phân môn chọn 02 điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong một học kì; bài kiểm tra, đánh giá định kì gồm nội dung của 02 phân môn theo tỷ lệ tương đương về nội dung dạy học của 02 phân môn tính đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

- Môn Nghệ thuật bao gồm 02 nội dung Âm nhạc và Mĩ thuật, mỗi nội dung chọn 01 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong từng học kì; khuyến khích thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập.

Bài kiểm tra, đánh giá định kì bao gồm 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được thực hiện riêng theo từng nội dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét; kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kì được đánh giá mức Đạt khi cả 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được đánh giá mức Đạt.

- Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương: giáo viên được phân công dạy học nội dung nào thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với nội dung đó; khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập.

Hiệu trưởng giao cho một giáo viên trong số các giáo viên được phân công dạy học chủ trì, thống nhất với các giáo viên còn lại để quyết định việc chọn 02 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì theo quy định”.

Với cách hướng dẫn như vậy nên giáo viên gặp khó cũng là điều dễ hiểu. Hiện nay, giáo viên đã tập huấn xong 5 mô đun nhưng cơ bản các môn đun này vẫn thiết kế theo phân môn chứ không thiết kế theo từng môn tích hợp (trừ việc đăng tải chương trình tổng thể và chương trình môn học).

Chính vì giáo viên ở các nhà trường chưa được tập huấn kĩ lưỡng, chưa có những hướng dẫn chu đáo và chương trình mới thì lại quá lạ bởi có nhiều môn học mới được gán ghép, dồn ép với nhau nên không chỉ năm học này mà những năm tới đây vẫn là vấn đề nan giải.

Giáo viên các phân môn của môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí là những môn học khá quan trọng trong nhà trường nhưng làm sao để giáo viên đơn môn hiện nay làm chủ được các phân môn là cả một quá trình dài, nhất là đối với môn Khoa học tự nhiên.

Đã là một môn học thì phải một giáo viên giảng dạy nhưng với tình hình thực tế hiện nay thì cho dù có thêm chứng chỉ tích hợp thì nhiều thầy cô vẫn không dễ dàng dạy được cả môn tích hợp bởi những năm tới đây sẽ áp dụng ở lớp 7, lớp 8 và lớp 9, mức độ khó sẽ nhiều hơn.

Các môn học khác như: Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương thì gần như giáo viên cũng chưa được trang bị về kiến thức. Thậm chí sách giáo khoa còn chưa có – như phần đầu bài viết chúng tôi đã trình bày…

Chính vì thế, chủ trương của Bộ là xây dựng các môn học tích hợp đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng hiện tại ở lớp 6 thì chúng ta mới thấy “tích” lại với nhau nhưng nó chưa “hợp”.

Việc kiểm tra cuối học kỳ năm đầu tiên với muôn vàn khó khăn bởi nhiều địa phương chủ trương dạy riêng nhưng đến khi kiểm tra thì lại kiểm tra chung, vào điểm chung theo hướng dẫn của Bộ.

Rất mong, lãnh đạo Bộ và các Sở cần có những kế hoạch cụ thể cho các môn học mới đối với những năm tiếp theo, tránh tình trạng bị động như năm học 2021-2022 này. Bởi, cứ nhìn vào cách triển khai có phần lúng túng như hiện nay sẽ hạn chế rất nhiều về chất lượng dạy và học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI