Rèn kỹ năng làm bài, chú ý mệnh đề khi thi Ngữ văn tốt nghiệp lớp 12

03/05/2021 06:35
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mấy năm gần đây đề minh họa định hướng rất tốt cho đề thi chính thức. Trọng tâm ôn tập chủ yếu nằm trong chương trình của lớp 12, thêm kỹ năng vận dụng ở lớp 11.

“Đề minh họa môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 so với mấy năm gần đây tôi thấy không có nhiều thay đổi, vẫn gồm hai phần đọc hiểu và phần làm văn. Trong phần làm văn có hai câu là Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.

Phần đọc hiểu với quỹ điểm là 3 và cũng là bài tạo cơ hội cho học sinh gỡ điểm, theo tôi đây là phần duy nhất để học sinh dễ đạt tối đa trọn vẹn 3 điểm, phần này cũng không cần học thuộc nhiều nhưng với điều kiện học sinh phải nắm vững kỹ năng đọc hiểu.

Đọc hiểu gồm 4 câu phân theo mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Những phần khác học sinh thường rất ngại vì phải học thuộc nhiều nhất là với các em thi khối A, thì đọc hiểu này lại thuộc phần kỹ năng nên cần làm nhiều và rút ra kinh nghiệm, từ đó sẽ làm tốt được bài”, cô Đoàn Thị Thu Hà - Tổ trưởng tổ Văn Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, Hà Nội đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô Đoàn Thị Thu Hà. Ảnh: TD.
Cô Đoàn Thị Thu Hà. Ảnh: TD.

Theo cô Hà: “Khi ôn tập phần đọc hiểu là phải làm thật nhiều đề và không cần phải học thuộc lòng, làm nhiều đề đọc hiểu và sau mỗi lần làm các em nên so với đáp án hoặc nhờ các thầy cô chữa, trao đổi với bạn để từ đó rút ra kinh nghiệm về kỹ năng trả lời các dạng câu hỏi này.

Sau mỗi lần chấm sửa như vậy thì học sinh lại tự làm tiếp, chú thích ở bên cạnh đối với dạng câu hỏi như này sẽ có những cách trả lời thế nào. Tóm lại đối với đọc hiểu thì nhất định học sinh phải làm, luyện nhiều, sửa chữa nhiều thì sẽ có kinh nghiệm làm bài thi tốt.

Đối với phần làm Văn, đây là phần chiếm nhiều nhất với 7 điểm. Trong phần làm văn chia thành 2 gói điểm, thứ nhất câu 1 Nghị luận xã hội với 2 điểm có cấu trúc không thay đổi so với vài năm gần đây, vấn đề Nghị luận xã hội vẫn rút ra từ một vấn đề trong phần đọc hiểu ở trên, đồng thời viết đoạn Văn 200 chữ về một vấn đề liên quan đến đoạn đọc hiểu.

Với câu Nghị luận xã hội thì gần đây đề bài thường không hỏi cả một vấn đề lớn, mà sẽ hỏi một khía cạnh của vấn đề lớn đó bởi dung lượng chỉ có 200 chữ. Vậy đối với câu này học sinh cần ôn, tìm hiểu các chủ đề, vấn đề về tư tưởng đạo lý, hoặc về hiện tượng đời sống, đồng thời cần quan tâm đến các vấn đề thời sự xã hội nóng gần nhất.

Đề bài có thể không hỏi thẳng về vấn đề thời sự đó, nhưng có thể hỏi về nguồn gốc sâu xa, vậy nên học sinh chịu khó đọc báo, xem thời sự đề nắm bắt được những vấn đề nóng đang diễn ra. Ví dụ hiện cả thế giới đang bị ảnh hưởng của dịch Covid, nên đề thi có thể hỏi về tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân, có thể hỏi về những người anh hùng thầm lặng trên mặt trận chống dịch.

Họ sẽ không hỏi thẳng vào vấn đề, nhưng nếu suy nghĩ sâu xa ra các con sẽ hiểu đó là vấn đề liên quan đến thời sự, đồng thời cũng muốn hiểu được những suy nghĩ của giới trẻ, họ muốn học sinh bày tỏ quan điểm chính kiến của mình về vấn đề đó và tất nhiên là những quan điểm phù hợp lứa tuổi của các con.

Học sinh cần ôn luyện kỹ năng viết, viết nhiều rồi nhờ thầy cô sửa. Cả hai phần này không thể học thuộc được và cũng không có văn mẫu. Thường với dung lượng 200 chữ là khoảng 2/3 mặt giấy thi nhưng học sinh lưu ý nên viết tối đa chỉ trong một mặt giấy.

Nếu các em viết dài quá mà thời gian chỉ có 120 phút rất dễ mất quỹ thời gian cho câu sau. Nếu viết ngắn sẽ bị sơ sài, vậy nên cần viết đúng dung lượng và có thể kéo dài hơn một chút, nhưng không quá dài”.

Theo cô Hà: "Với đề thi Ngữ văn năm 2020 thì phân tích một vấn đề nào đó trong đoạn trích thơ, nhưng năm nay có thể phân tích một đoạn trích văn xuôi, hoặc phân tích về một khía cạnh, một hình tượng…. Ảnh: NVCC.
Theo cô Hà: "Với đề thi Ngữ văn năm 2020 thì phân tích một vấn đề nào đó trong đoạn trích thơ, nhưng năm nay có thể phân tích một đoạn trích văn xuôi, hoặc phân tích về một khía cạnh, một hình tượng…. Ảnh: NVCC.

Bình tĩnh và phải đọc kỹ đề

Về phần Nghị luận văn học, theo cô Hà: “Đây là câu cuối cùng có số điểm nhiều nhất là 5, học sinh thường đầu tư nhiều thời gian để học. Tôi xem đề minh họa năm nay thì dạng đề này không phải là “đánh đố” mà câu hỏi khá rõ ràng, cấu trúc dạng đề cũng không mới nên các con cần bám sát vào đề mà ôn tập.

So mấy năm gần đây thì đề minh họa dựa vào ý và định hướng rất tốt cho đề thi chính thức. Trọng tâm ôn tập các tác phẩm chủ yếu nằm trong chương trình của lớp 12 nhưng cũng cần thêm kỹ năng vận dụng của lớp 11.

Với đề năm 2020 thì phân tích một vấn đề nào đó trong đoạn trích thơ, nhưng năm nay có thể phân tích một đoạn trích văn xuôi, hoặc phân tích về một khía cạnh, một hình tượng…

Ở câu này thì một tác phẩm văn học thường dài, đòi hỏi phải khai thác nhiều khía cạnh nên ngoài việc nghe giảng trên lớp, về nhà học sinh cần hệ thống kiến thức, nếu dài như vậy mà cứ học thuộc khi thi đề hỏi về vấn đề nào đó nằm ngoài phần học thuộc của mình các con sẽ bị động.

Ôn tập ở nhà các con cần sơ đồ hóa lại kiến thức và đó cũng là một lần học lại tác phẩm. Sơ đồ vạch ra đối với tác phẩm này có những vấn đề nào cần phải chú ý, căn thời gian luyện viết trên giấy thi để điều chỉnh thời gian. Đối với môn Văn thì càng luyện viết nhiều, chấm sửa nhiều thì kiến thức sẽ lên.

Với phần này nếu học sinh viết được dài càng tốt, nếu viết dài thì phần nào đã thể hiện được bài đó học sinh có kiến thức sâu và rộng, nhưng với điều kiện dài vẫn phải đi đúng hướng vấn đề, chứ không phải dài lan man.

Để đi đúng hướng vấn đề ở câu hỏi này, học sinh cần đọc kỹ đề. Ví dụ đề năm ngoái có nhiều con đọc lướt qua thấy Đất nước là nghĩ mình trúng “tủ” rồi, thế là viết mà không quan tâm tới kỹ năng làm dạng bài đó thế nào. Cần đọc kỹ, đánh dấu vào từ then chốt, trọng tâm và xem mệnh lệnh đề đó yêu cầu làm sáng tỏ vấn đề gì…như vậy bài viết sẽ đúng định hướng.

Đề chỉ hỏi một đoạn trích của bài Đất nước đó và chắc chắn là chỉ phân tích đoạn đó thôi, nhưng phía trên người ta lại hỏi phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân được thể hiện qua đoạn đó, chứ không đơn thuần hỏi Anh hay chị phân tích đoạn thơ sau.

Nếu học sinh chỉ đơn thuần phân tích đoạn thơ thì cũng không thể được điểm cao bằng việc phân tích tư tưởng đất nước ở trong đoạn thơ đấy. Điều này yêu cầu hai việc, một là kiến thức phải nắm kỹ được tác giả, tác phẩm, giá trị nội dung. Thứ hai là học sinh phải nắm được cả kỹ năng làm dạng bài đó, dạng bài phân tích có định hướng thì cần những yếu tố nào”.

Cô Đoàn Thị Thu Hà và các em học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội trong ngày khai giảng năm học 2020 - 2021. Ảnh: NVCC.

Cô Đoàn Thị Thu Hà và các em học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội trong ngày khai giảng năm học 2020 - 2021. Ảnh: NVCC.

Cần rèn kỹ năng làm các dạng bài

Cô Hà chia sẻ thêm: “Học sinh lưu ý chia thời gian hợp lý từng câu, tránh quá sa đà vào một câu nào đó làm ảnh hưởng đến những câu khác. Với những câu dễ kiếm điểm nhưng không vì thế mà các em làm thật nhanh, chính vì dễ kiếm điểm nên lại càng phải chú ý, cẩn trọng đặc biệt với những em không coi môn Văn là môn xét đại học.

Với những em khối A nên đầu tư kỹ năng vào 2 câu này vì nó đòi hỏi kỹ năng nhiều hơn là kiến thức, kỹ năng làm đi làm lại nhiều lần.

Phần đọc hiểu với 4 câu và câu 4 cuối cùng có cấp độ vận dụng cao, khó hơn nên học sinh phải đầu tư nhiều thời gian cho câu cuối đó, nhưng đôi khi các con lại viết câu cuối đó quá dài và cũng đã có nhiều trường hợp vi phạm vì viết quá dài ngang với câu Nghị luận xã hội.

Ở phần làm câu Nghị luận xã hội đề yêu cầu viết 200 chữ nhưng có con làm dài quá, hơn nữa cần chú ý ở phần này đề thi chỉ hỏi một khía cạnh nhỏ của vấn đề nhưng có nhiều con lại làm bao trùm cả vấn đề. Học sinh cần nhớ một đoạn văn 200 chữ chỉ nên diễn đạt trọn vẹn một ý.

Còn phần Nghị luận văn học cũng cần đọc kỹ để xác định đúng trọng tâm đề bài yêu cầu, bởi các em thường lan man. Như năm 2020 hỏi về bài Đất nước, các em chỉ chú tâm phân tích đoạn đó mà lại không chú ý vào mệnh đề yêu cầu là phân tích tư tưởng đất nước nhân dân trong đoạn đó, như vậy là mắc lỗi không xác định đúng định hướng của vấn đề được bàn luận dẫn đến phân tích chung chung.

Ngay trong đề minh họa năm nay cũng vậy, cho một đoạn văn xuôi và có một câu mệnh đề bên dưới là: Phân tích vẻ đẹp Sông Hương. Từ đó rút ra nghệ thuật ký. Đôi khi học sinh cứ nhìn thấy đoạn đó là chăm chăm vào làm bài mà không bám sát vào câu hỏi mệnh đề yêu cầu, như vậy bài thi vẫn làm xong hết nhưng lại không đi vào đúng định hướng.

Để làm được điều đó thì ngoài việc học kiến thức của các tác phẩm, học sinh cần rèn kỹ năng làm các dạng bài, chú ý các mệnh đề để làm bài theo đúng định hướng. Như vậy mới hy vọng đạt điểm cao”.

Tùng Dương