Rối tung rối mù với dạy học tích hợp

07/09/2021 07:05
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi lo dạy học tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có khả năng vỡ trận, cuối cùng thiệt thòi học sinh lãnh đủ.

Năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 sẽ được học sách giáo khoa mới, có những môn học mới như Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản gửi các Sở Giáo dục về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học áp dụng cho năm học này.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của người viết, đến thời điểm này nhiều trường trung học cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn lúng túng trong việc thực hiện chương trình.

Các trường gặp khó về mặt nhân sự, sắp xếp thời khóa biểu, trang thiết bị dạy học và quản lí điều hành chuyên môn.

Nhà trường khó thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục

Người viết đã trao đổi với một số giáo viên (xin phép không nêu tên thầy, cô) dạy bậc trung học cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh thì nhận thấy, các trường gặp một số khó khăn trong việc triển khai dạy học 2 môn tích hợp, nhất là môn Khoa học Tự nhiên.

Thứ nhất, nhiều giáo viên khẳng định, dạy tích hợp theo chủ đề rất khó bảo đảm “tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh” – theo như hướng dẫn của Bộ Giáo dục tại Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH ngày 23/6/2021 về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học cho năm học 2021-2022.

Chẳng hạn, với môn Khoa học tự nhiên, giáo viên có thể dạy song song các chủ đề theo từng phân môn. Nhưng dạy kiểu này là không khoa học, bởi chương trình thiết kế theo mạch kiến thức, có tính logic, cho nên không phải muốn dạy chủ đề nào trước cũng được.

Kéo theo đó, học sinh sẽ rối tinh vì 1 sách mà phải viết vào 3 vở Vật lí, Hóa học, Sinh học. Chưa kể, cùng một lúc chuẩn bị 3 bài học, kèm theo ít nhất 3 tài liệu tham khảo sẽ gây lúng túng cho các em.

Ý kiến khác cho rằng, môn Khoa học tự nhiên nên dạy theo mạch kiến thức chương trình. Dạy thế này giúp học sinh dễ nắm được bài nhưng thời khóa biểu không ổn định, phải thay đổi nhiều lần trong học kì, trong năm. Thế nhưng, đa phần ban giám hiệu ít quan tâm đến mạch kiến thức mà cố nghĩ cách sắp thời khóa biểu sao cho hợp lí, khiến học sinh gặp khó khăn trong việc học.

(Ảnh minh hoạ: rgep.moet.gov.vn)

(Ảnh minh hoạ: rgep.moet.gov.vn)

“Nếu 1 giáo viên dạy cả 3 phân môn của Khoa học tự nhiên thì không đảm bảo chất lượng chuyên môn. Còn giáo viên dạy theo đúng chuyên môn từng phân môn thì việc tích hợp 3 môn thành 1 môn Khoa học tự nhiên có thể nói đã bị phá sản, vì nhiều lý do: không đảm bảo logic mạch kiến thức, mất tính kế thừa kiến thức phần trước và phần sau.

Nếu phải dạy song song 3 phân môn, với phân phối chương trình mỗi tuần 2 tiết Sinh học, 1 tiết Hóa học, 1 tiết Vật lí, vậy thì lúc kiểm tra học kì 1 các chủ đề 4, 5, và 7 chưa học nhưng đã học chủ đề 9 rồi”, một giáo viên phân tích.

Thứ hai, lãnh đạo rất lúng túng về phân công giáo viên dạy. Chẳng hạn, giáo viên dạy theo mạch kiến thức của chương trình, hết chủ đề này rồi đến chủ đề khác (môn Khoa học tự nhiên) thì không thể đủ giáo viên dạy liền các lớp.

“Trường tôi phân công chuyên môn cho năm học mới. Tôi không phải chuyên môn Vật lí nhưng do trường không có giáo viên nên đành gánh 3 khối Toán và 4 khối Vật lí (tạm gọi vậy vì khối 6 là môn Khoa học tự nhiên). Khối 6 dạy chung với 1 giáo viên Hóa học, Sinh học. Nếu không dạy song song mà dạy theo chương trình thì sẽ có nhiều tuần lên tới trên 20 tiết, không kham nổi”, một giáo viên chia sẻ.

Ngoài ra, cơ sở vật chất của nhiều trường cũ kĩ, xuống cấp thì rất khó đổi mới phương pháp dạy học. Hoạt động chuyên môn của nhà trường trước đây tách biệt theo từng môn, còn bây giờ là môn tích hợp cũng không dễ thay đổi cách điều hành, thói quen quản lí chuyên môn.

Thứ ba, lãnh đạo khó xếp thời khóa biểu hợp lí, bởi lớp 6 dạy theo chương trình mới, còn lớp 7, 8, 9 dạy theo chương trình cũ. Riêng môn Khoa học tự nhiên lớp 6, người viết sách giáo khoa đã có ý đồ tích hợp 3 phân môn vào 1 sách nên phải biết phân môn nào dạy trước, phân môn nào dạy sau.

Chưa kể, Phụ lục III Công văn 5512/BGDĐT, phân phối chương trình làm riêng hay lôi cả vào theo thứ tự, là những câu hỏi khó có lời giải.

Một hiệu trưởng trường trung học cơ sở-trung học phổ thông ở Quận 12 cho biết, sắp xếp thời khóa biểu là một trong những công việc chuyên môn phức tạp ở trường học.

“Sắp thời khóa biểu phải căn cứ vào nhiều yếu tố như: cơ sở vật chất của từng trường, sức khỏe học sinh, số lượng giáo viên bộ môn theo khối lớp, hoàn cảnh của từng giáo viên (sức khỏe bản thân, điều kiện đi lại, nuôi con nhỏ…).

Chương trình giáo dục phổ thông mới, lãnh đạo muốn sắp thời khóa biểu “đẹp” cho giáo viên cũng khó. Vậy nên, giáo viên, học sinh, phụ huynh phải chuẩn bị tâm thế thay thời khóa biểu liên tục. Như thế, giáo viên bộ môn cũng rất khó hợp đồng để dạy thêm trường thứ hai, còn học sinh ít nhiều cũng gánh chịu sự bất tiện này”, thầy hiệu trưởng băn khoăn.

Nhìn chung, dạy học tích hợp chưa biết sẽ giúp học sinh phát triển năng lực, phẩm chất đến đâu – vì chưa thể lượng hóa được chất lượng, nhưng sự rắc rối, rối rắm, tù mù… về dạy học 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí thì đã hiện hữu.

Dẫu biết rằng, Bộ Giáo dục đã có văn bản hướng dẫn các Sở Giáo dục về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học áp dụng cho năm học tới, nhưng sự chỉ đạo này vẫn còn chung chung, chưa đi vào tiểu tiết để có thể giúp các trường tháo gỡ những khó khăn trong dạy học.

Cá nhân người viết không phải là không có niềm tin vào vào sự đổi mới, nhưng như đã phân tích thì nếu mọi việc vẫn cứ tù mù như bây giờ, e rằng dạy học tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có khả năng vỡ trận, cuối cùng thiệt thòi học sinh lãnh đủ.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/36265/huong-dan-day-cac-mon-tich-hop-moi-o-lop-6-nam-hoc-2021-2022

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương