Sáng kiến kiểm tra 1 tiết bằng đề chung cho các trường để ngăn dạy thêm

02/09/2018 06:48
An Nguyên
(GDVN) - Ngành giáo dục thành phố Quảng Ngãi vừa có ý tưởng dùng chung đề kiểm tra 1 tiết cho học sinh trung học cơ sở để ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm.

Đề chung - ngăn dạy thêm trái phép

Theo ngành giáo dục thành phố Quảng Ngãi thì đơn vị này đang có ý tưởng triển khai ra đề kiểm tra 1 tiết bằng đề chung cho học sinh bậc trung học cơ sở bắt đầu từ năm học mới 2018 – 2019.

Cụ thể, hình thức kiểm tra 1 tiết bằng đề chung được áp dụng cho 5 môn bao gồm: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý và Hóa.

Đề kiểm tra 1 tiết bằng đề chung cho học sinh bậc trung học cơ sở có ngăn chặn được dạy thêm học thêm trái quy định. Ảnh: TT
Đề kiểm tra 1 tiết bằng đề chung cho học sinh bậc trung học cơ sở có ngăn chặn được dạy thêm học thêm trái quy định. Ảnh: TT

Theo đại diện Phòng giáo dục thành phố Quảng Ngãi thì đây là những môn dễ xảy ra việc giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm trái quy định.

Điển hình như việc giáo viên tổ chức dạy thêm ở nhà rồi lên lớp ra đề kiểm tra một tiết hoặc kiểm tra cuối kỳ gần giống với “đề kiểm tra thử của học sinh ở lớp học thêm”.

Những học sinh không đi học thêm sẽ bị thiệt thòi, kết quả kiểm tra cũng không đánh giá đúng năng lực thực sự của học sinh.

Phạt nặng Hiệu trưởng, giáo viên dạy thêm trái quy định

Ngoài ra, do tâm lý lo sợ giáo viên chèn ép về điểm số nên nhiều phụ huynh phải “cắn răng” cho con đi học thêm.

Ông Nguyễn Văn Kiểm – Phó trưởng phòng Giáo dục thành phố Quảng Ngãi cho biết, phương án này chỉ mới là ý tưởng, còn muốn tổ chức thực hiện thì phải có một hội nghị với các trường, giáo viên, cơ quan chức năng… mới thống nhất triển khai được.

“Mục đích của phương án này là nhằm tăng cường tính hiệu quả trong việc đánh giá chất lượng dạy – học. Xây dựng được cách kiểm tra minh bạch, công khai, đánh giá đúng năng lực học sinh để từ đó, tạo chất lượng tốt hơn”.

Ngoài ra, theo ông Kiểm thì phương án này còn giúp ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, trái quy định như đã nêu ở trên.

Ông Kiểm cũng nói thêm, trước khi phương án này được triển khai thì Hiệu trưởng, tổ chuyên môn phải tăng cường quản lý cho tốt việc giáo viên ra đề kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

Liệu có khả thi?

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về phương án dùng chung đề kiểm tra 1 tiết cho học sinh trung học cơ sở” của Phòng giáo dục thành phố Quảng Ngãi, ông Đỗ Văn Phu – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi cho biết, đây là một ý tưởng mới.

Những thầy cô dạy thêm không trong sáng sẽ nghĩ gì đây?

“Ngành giáo dục địa phương luôn ủng hộ tìm ra cách quản lý mới. Nhưng cái này còn liên quan đến hướng dẫn trách nhiệm đánh giá học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo quy định này thì đó là trách nhiệm của giáo viên bộ môn. Trách nhiệm của giáo viên bộ môn trong vấn đề này như thế nào?”.

Cũng theo ông Phu, một số trường lâu nay vẫn kiểm tra chung, chấm chung. Nếu Phòng giáo dục làm như thế có lo nổi không, bởi đi kèm với đó là ngân hàng đề thi, cán bộ giám sát việc chấm thi, ra đề… Rất tốn kém.

“Ý tưởng chống dạy thêm, học thêm trái quy định cũng tốt thôi. Nhưng chống cũng có nhiều cách. Trong đó, phải xác định Hiệu trưởng có trách nhiệm kiểm tra giáo viên của mình”, ông Phu nói.

Giám đốc sở giáo dục Quảng Ngãi cũng thừa nhận phương án này sẽ tránh được sự chèn ép của giáo viên đối với những học sinh không đi học thêm, tạo sự công bằng trong kiểm tra, đánh giá học sinh.

“Cái mới ra phải thí nghiệm thử, xem tốt ở chỗ nào, chưa tốt ở điểm nào. Còn mới ra mà chặn họ lại, bảo không đúng cái này không đúng cái kia thì sẽ làm nhụt ý chí của họ đi.

Nên phải theo dõi phương án này triển khai trong thực tiễn và có gì sẽ góp ý, chỉ đạo làm cho tốt”, ông Phu nhấn mạnh.

An Nguyên