Sinh viên bị buộc thôi học bất thường

05/05/2012 18:16
Theo Bưu điện Việt Nam
Lớp đạo diễn K15 Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM ngày trao bằng chỉ còn 4/30 SV. Điều bất thường là không ít SV bị buộc thôi học chỉ bằng quyết định “miệng”.
Việc buộc thôi học này được xem là chuyện bình thường ở Khoa Sân khấu suốt một thời gian dài và trở thành "Luật bất thành văn".
Ngay từ học kỳ đầu tiên, các tân SV Khoa Sân khấu đã được giảng viên và những người phụ trách khoa thông báo: “Những SV bị điểm 4 chuyên môn sẽ bị buộc thôi học”, kèm theo lời giải thích: “Không có năng khiếu mà theo nghệ thuật chỉ khiến các em tốn công, tốn tiền cha mẹ. Thà nghỉ học để lựa chọn một ngành nghề khác phù hợp hơn”.

Quan điểm này đã gây bức xúc cho cả SV bị buộc thôi học lẫn SV đủ điểm vượt qua các kỳ thi. Để trở thành SV của trường, các em phải trải qua kỳ thi tuyển sinh gay go thì vì sao chỉ qua một hai đợt thi học kỳ, các em đã bị buộc thôi học vì cho là không có năng khiếu, thậm chí không có cả cơ hội thi lại lần hai?

Sinh viên bức xúc

V.Đ. - quê ở một tỉnh phía Bắc, trở thành tân SV lớp đạo diễn (ĐD) K15 với ước mơ có được tấm bằng về quê làm việc, nhưng mới hết năm thứ nhất, V.Đ. đã bị đuổi học vì vướng “quy định” trên. “Đến giờ, tôi vẫn không dám cho gia đình biết mình đã bị buộc thôi học. Tôi không biết có thể giấu bố mẹ được đến khi nào”.

Được có mặt trong lễ tốt nghiệp là ước mơ ngoài tầm với của không ít SV Khoa Sân khấu Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM.
    Được có mặt trong lễ tốt nghiệp là ước mơ ngoài tầm với của không ít SV Khoa Sân khấu Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM.

Cùng lớp với V.Đ., T.A. - tốt nghiệp ĐD điện ảnh ở Trường CĐ Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, và tiếp tục theo học ĐD sân khấu để bổ sung kiến thức nghề nghiệp. Sau một học kỳ, T.A. cũng bị cho thôi học vì chỉ được điểm 4 chuyên môn. T.A. ấm ức: “Học kỳ đầu tiên chỉ học kỹ thuật biểu diễn, tôi có học làm diễn viên (DV) đâu mà lấy điểm kỹ thuật biểu diễn để làm căn cứ đánh giá năng lực của tôi”.
Hai trường hợp bị buộc thôi học của N.T. và T.T. ở lớp CĐ DV K15 từng khiến cả Khoa Sân khấu xôn xao. Là á khoa kỳ thi tuyển sinh năm 2009 nhưng kết thúc học kỳ đầu tiên với điểm 4, đồng nghĩa với việc “đứt gánh giữa đường”, không chỉ khiến T.T. sốc mà còn gây bức xúc cho một số bạn học. N.T. (thủ khoa kỳ thi tuyển sinh năm 2009) đã phản đối quyết định của giảng viên ngay tại lớp.

Kết quả: T.T. vẫn bị buộc thôi học còn N.T. quyết định nghỉ học vì không chấp nhận sự vô lý đó. T.T. tâm sự: “Em rất mê nghề DV. Trúng tuyển với số điểm cao, cứ tưởng mình đã chạm tay được vào ước mơ, không ngờ… Dù gia đình động viên đi thi lại nhưng em không còn đủ tự tin”...

Những SV cùng cảnh ngộ với V.Đ., T.A., T.T. đã hy vọng, chờ ý kiến chính thức từ Ban giám hiệu (BGH) nhà trường, nhưng thời gian trôi qua, mọi chuyện vẫn tiếp diễn.

Quy định riêng của khoa

Đem những bức xúc của các SV đặt “lên bàn” của ông Lê Minh Đức (Trưởng phòng Đào tạo) và ông Huỳnh Lê Tuân (Hiệu phó), cả hai ông đều thừa nhận, việc buộc SV thôi học vì điểm 4 chuyên môn là điều từng được Trưởng khoa Sân khấu - NSƯT Thành Hội đưa ra trong cuộc họp hội đồng. Nhưng đó chỉ là quy định riêng của Khoa và cũng có một số ý kiến không đồng tình.

Nhà trường chưa hề ra một quyết định đuổi học nào với lý do này. Hội đồng kỷ luật của trường chỉ xét buộc thôi học đối với các SV có điểm trung bình các môn dưới 3,5.

Sự nghiệt ngã của "lệ làng" đã tước đoạt không ít cơ hội làm nghề diễn của SV - (Ảnh từ trang web của Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM)
 Sự nghiệt ngã của "lệ làng" đã tước đoạt không ít cơ hội làm nghề diễn của SV - (Ảnh từ trang web của Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM)

Những SV bị buộc thôi học cho biết, quy định điểm 4 chuyên môn sẽ phải nghỉ học được nhắc “miệng” nhiều lần từ đầu năm học đến trước khi công bố điểm thi. Khi bị điểm 4, SV đương nhiên tự hiểu là mình đã không còn được phép bước chân vào lớp. Khi tổng kết năm học, SV sẽ bị cho thôi học một cách “hợp pháp” vì vắng mặt cả học kỳ, không hề có điểm của bất kỳ môn học nào.

Đặt vấn đề về “việc SV bị buộc thôi học vì bị điểm 4 mà không hề có cơ hội được thi lại là sai quy định" và việc nhiều SV cho rằng: “Khoa Sân khấu giống một vương quốc thu nhỏ, có quyền quyết định tất cả, bất chấp quy định chung của trường”.

Ông Huỳnh Lê Tuân thừa nhận: “Cách làm đó là sai. Chỉ trong một học kỳ nhưng có đến 30% SV thôi học là một hiện tượng bất thường mà nếu như có sự quan tâm đúng mức, BGH phải tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời chấn chỉnh".

NSƯT Thành Hội, Trưởng khoa Sâu khấu: “Đã có nhiều SV bị đuổi”
"Đây là một ngành đặc thù, không giống như giáo dục phổ thông. Theo yêu cầu, SV năm thứ nhất là phải đạt đến mức độ này; năm thứ hai phải đạt đến mức này. Đạt tức là 5 điểm. Mà 5 điểm, ra nghề cùng lắm cũng chỉ đóng vai quần chúng thôi. Bây giờ 5 điểm họ cũng không đạt thì mình phải đuổi. Để đến được một kỳ thi, SV phải thực hiện cả chục tiểu phẩm. Ở mỗi tiểu phẩm, chúng tôi đều tận tình hướng dẫn, chăm chút cho từng li từng tí, đến gần kỳ thi, trong số những tiểu phẩm ấy, SV sẽ được chọn cái ưng ý nhất rồi chúng tôi lại chăm chút để ra thi.

Đó là cả một quá trình dài chúng tôi dõi theo học trò để biết năng lực thực sự của từng người chứ không phải hễ rớt một cái là đuổi. Học trò mình dạy bao lâu, đuổi họ mình xót xa lắm".
Giảng viên - ĐD Nguyễn Hồng Dung: "Việc buộc thôi học những SV từ 4 điểm chuyên môn trở xuống là quy định của khoa. Tôi chỉ là giảng viên bộ môn và là một trong những thành viên của hội đồng chấm thi. Tôi chấm điểm SV theo đúng khả năng của các em, còn quyết định cuối cùng thuộc về khoa và nhà trường.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Hưng Yên: Hiệu trưởng mầm non bị tố nhiều sai phạm

Chùm ảnh: Những bữa cơm đạm bạc của SV thời bão giá

Con đường học vấn đáng mơ ước của Tổng thống Jimmy Carter

Chân dung các Tổng thống Mỹ thời sinh viên (P1)

Sinh viên ào ào về quê "trốn" cái nắng 40 độ C của Hà Nội

GS.Nguyễn Xuân Hãn: “Giáo dục Đại học Việt Nam sính ngoại thái quá”

Theo Bưu điện Việt Nam