Sinh viên đừng vào đại học chỉ để lấy một tấm bằng

16/08/2021 06:36
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chăm chỉ học tập và nghiên cứu khoa học, Thơ đã có được công việc đúng với đam mê tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên.

Chu Thị Thơ, cô sinh viên ngành Địa chính Môi trường, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã khép lại 4 năm đại học để bước vào một chặng đường mới.

Đạt được nhiều thành tích nổi bật trong học tập và hoạt động nghiên cứu khoa học, Thơ đã có được công việc đúng với chuyên ngành và đam mê tại Trung tâm Phát triển Nông thôn SMART - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên.

Chu Thị Thơ - Cử nhân ngành Địa chính Môi trường, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Chu Thị Thơ - Cử nhân ngành Địa chính Môi trường, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Đam mê nghiên cứu khoa học

Với tư tưởng học phải đi đôi với hành, trong những năm tháng đại học, Chu Thị Thơ luôn tìm kiếm mọi cơ hội để được nâng cao chuyên môn gắn với thực tế.

Và cơ hội ấy đã đến với Thơ vào năm học năm học 2018-2019, sau khi em nhận được một thông tin tuyển cộng tác viên tham gia vào dự án nghiên cứu khoa học cấp trường của một giảng viên trẻ thuộc khoa Quản lý tài nguyên. Thơ đã không ngần ngại chủ động liên lạc với thầy và thử sức với dự án đầu tiên của mình: "Đánh giá ảnh hưởng của khai thác khoáng sản tới tài nguyên đất và con người tại Thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ".

Tham gia vào nhóm nghiên cứu, Thơ và các thành viên bắt đầu các hoạt động nhóm để lên kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng các kỹ năng, sử dụng các phần mềm để vẽ bản đồ khu vực nghiên cứu hay các kỹ năng về phỏng vấn và thu thập số liệu…

“Ban đầu, mọi thứ rất khó khăn bởi đây là lần đầu em được trải nghiệm thực tế cho ngành học của mình, mọi thứ với em còn rất mới lạ. Nhưng những điều mới lạ lại càng cuốn em vào, cho em khát khao được khám phá, chinh phục.

Trong quá trình đi thu thập số liệu sơ cấp phục vụ nghiên cứu, rất khó để em khai thác thông tin từ người dân vì khoảng cách giữa thế hệ khá lớn, bản thân em lại chưa thực sự mềm mỏng trong cách nói chuyện.

Tuy nhiên sau 1 – 2 lần, em đã thay đổi cách dùng từ, ngữ điệu của mình cho phù hợp với người dân bản địa, giải thích rõ câu hỏi cho người dân để thu được nhiều thông tin hữu ích cho đề tài nghiên cứu.

Ngay cả trong quá trình xử lý số liệu, có một vài công cụ xử lý mà em chưa được biết dẫn đến việc xử lý số liệu gặp khó khăn. Dẫu vậy, em không nản lòng, cố gắng tìm tòi, học hỏi các anh chị, thầy cô hướng dẫn mình.

Dự án đầu tiên đó với em vô cùng ý nghĩa, đến bây giờ, em càng thấy trân trọng những khó khăn đã giúp em rèn luyện bản thân và trưởng thành hơn”, Thơ chia sẻ.

Đối với ngành học của Thơ, nghiên cứu khoa học là cơ hội để trải nghiệm thực tế, giúp bản thân có những cách nhìn mới về cuộc sống và có định hướng sâu hơn cho ngành nghề tương lai của mình.

Năm 2019, Thơ bắt đầu tham dự án của NAFOSTED "Xây dựng cơ chế học tập chuyển hóa cộng đồng cho các mô hình sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới cộng đồng nông thôn tự vững tại miền Bắc Việt Nam".

Chu Thị Thơ đi thu thập số liệu sơ cấp phục vụ nghiên cứu tại các địa bàn dân cư. (Ảnh: NVCC)

Chu Thị Thơ đi thu thập số liệu sơ cấp phục vụ nghiên cứu tại các địa bàn dân cư. (Ảnh: NVCC)

Chu Thị Thơ bắt đầu từ thiết kế bảng câu hỏi, thu thập số liệu sơ cấp thông qua phỏng vấn; hội thảo; thu thập số liệu thứ cấp thông qua các báo cáo thu tập từ Ủy ban Nhân dân xã, huyện; tiến hành tổng hợp và phân tích dữ liệu; viết báo cáo cho 1 hợp phần của dự án.

Báo cáo đó của Thơ sau đó được phát triển thành đề tài tốt nghiệp ra trường và được hội đồng khoa học Khoa Quản lý tài nguyên đánh giá xuất sắc.

“Cũng thông qua dự án này, em đã được tiếp xúc với rất nhiều người dân bản địa, em nhận thấy còn nhiều người dân không biết chữ. Nhờ hoạt động nghiên cứu, em hiểu hơn cuộc sống của người dân, khi mà trình độ dân trí thấp đồng nghĩa với việc khả năng thoát nghèo của người dân sẽ thấp.

Em càng nuôi ước mơ sẽ tham gia nhiều dự án phát triển cộng đồng, xây dựng mô hình sinh kế đến với bà con vùng núi phía Bắc, để bà con yên tâm thoát nghèo, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của cả nước”, Chu Thị Thơ chia sẻ.

Chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm liên quan đến ngành học

Chia sẻ kinh nghiệm về quá trình học đại học, Chu Thị Thơ cho rằng cần phải xác định mục tiêu rõ ràng, nghiêm túc và chủ động, bởi lẽ những kiến thức trên lớp chỉ là nền tảng cơ bản.

Để có được công việc, đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan tuyển dụng thì cần nhiều hơn thế. Sinh viên rất cần tham gia các hoạt động ngoại khóa để rèn luyện tinh thần và thể chất, giao lưu học hỏi, hoàn thiện dần các kỹ năng.

Chu Thị Thơ cho rằng ngoài học tập trên lớp, cần tham gia tích cực hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khoa học để hoàn thiện các kỹ năng. (Ảnh: NVCC)

Chu Thị Thơ cho rằng ngoài học tập trên lớp, cần tham gia tích cực hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khoa học để hoàn thiện các kỹ năng. (Ảnh: NVCC)

Tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội, tình nguyện cũng giống với việc tham gia các khóa học thực hành kỹ năng miễn phí. Hòa mình vào hoạt động tập thể sẽ giúp các bạn trẻ tự tin, chủ động và trở nên nhạy bén trước mọi vấn đề, sau này sẽ thích nghi với môi trường làm việc thực tế dễ dàng hơn.

“Đa số sinh viên hiện nay đang tiêu tốn thời gian quá nhiều vào các hoạt động giải trí trên mạng và thiếu chủ động trong học tập cũng như thiếu sự năng động trong các hoạt động ngoại khóa.

Các bạn cần ý thức được tầm quan trọng của việc học tập và phát triển toàn diện bản thân để có được nhiều cơ hội việc làm trong tương lai.

Tấm bằng cử nhân chỉ là điều kiện cần, nhà tuyển dụng sẽ muốn biết khả năng vận dụng kiến thức của bạn như thế nào, những kỹ năng mềm, quá trình hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm của bạn,... Ngoài ra nếu bạn đã từng tham gia nghiên cứu khoa học thì đó là một điểm cộng rất lớn”, Thơ khẳng định.

Đặc biệt, Chu Thị Thơ cho rằng mỗi sinh viên cần tìm kiếm việc làm liên quan đến ngành học khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Đây chính là cơ hội để bạn học tập một cách ý nghĩa nhất, vì theo Thơ “không có bài học nào quý hơn bài học thực tiễn”.

Thơ chia sẻ: “Từ năm thứ 3, song song với nghiên cứu khoa học, học tập ở trường, em làm việc bán thời gian tại một công ty kinh doanh bất động sản tại Thái Nguyên. Sau đó, em thực tập tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ cao trong Nông Lâm Nghiệp (HACEN) thuộc Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Sau khi tốt nghiệp, với thành tích học tập và nghiên cứu khoa học, em được thầy cô giới thiệu làm việc tại Trung tâm Phát triển nông thôn SMART – Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Em đã nộp hồ sơ, ứng tuyển thành công và làm việc tại đây trong 1 năm qua.

Từ kinh nghiệm của mình, em nghĩ, sinh viên nếu chỉ biết mỗi việc học, dù là mọt sách thì khi ra trường sẽ khó có thể thành công”.

Với những nỗ không ngừng đó, Chu Thị Thơ nhận được Giải thưởng Vừ A Dính; liên tiếp hai năm học, Thơ đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc cấp Trường Đại học Nông Lâm, 1 năm học đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc cấp Đại học Thái Nguyên và nhiều khen thưởng trong hoạt động ngoại khóa.

Đặc biệt, năm 2021, cô nàng cử nhân ngành Địa chính Môi trường là đồng tác giả của bài báo khoa học Quốc tế trong danh mục ISI: “Review of climate change impacts on rice production in the Mekong delta of Vietnam, responses and management strategies” (Chiến lược ứng phó và quản lý tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất lúa ở đồng bằng Mekong, Việt Nam).

Phạm Minh