Sinh viên làm phim ngắn về “Hệ lụy lao động chui”

18/06/2015 05:37
Phương Thảo
(GDVN) - Liên hoan phim lần thứ 5 của Trường Cao đẳng Truyền hình đón nhận hơn 300 tác phẩm ở các thể loại do sinh viên sáng tác, trong đó có nhiều tác phẩm xuất sắc.

Liên hoan Phim ngắn SCTV được tổ chức thường niên từ năm 2010. Mỗi năm nhà trường nhận được rất nhiều các tác phẩm dự thi của sinh viên, trong đó có các thể loại như Phóng sự, MV ca nhạc, phim ngắn.

Ban giám khảo cuộc thi là những Biên tập viên, Nhà báo thuộc Đài truyền hình Việt Nam. Năm nay, từ khi phát động Ban tổ chức đã nhận được hơn 300 tác phẩm dự thi. Đáng chú ý nhất, tác phẩm: “Hệ lụy từ lao động chui” của sinh viên Vũ Thị Hương, lớp CBC8D được ban giám khảo đánh giá cao.

Vũ Thị Hương, sinh viên lớp CBC8D đạt giải nhất thể loại Phóng sự cho biết, khi thực hiện phóng sự “Hệ lụy từ lao động chui” đã gặp rất nhiều những khó khăn trong khi thu thập thông tin.

Sinh viên làm phim ngắn về “Hệ lụy lao động chui” ảnh 1

Phó hiệu trưởng Trần Tiến trao giải nhất thể loại Phóng sự cho nhóm tác giả. Ảnh PT

Các nhân vật trong phim thường có trình độ văn hóa thấp, đa số là người dân tộc nên tiếp cận, lấy thông tin cũng rất khó do rào cản ngôn ngữ. 

Mặc dù vậy, Vũ Thị Hương cho biết khi làm tác phẩm này cũng có nhiều thuận lợi, kể đến đầu tiên là những kiến thức được học trên giảng đường, học ở thực tế đã được em và bạn Nguyễn Thường Luân (đồng tác giả) áp dụng triệt để khi tham gia làm đoạn phóng sự này.

Đánh giá về chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay, bà Nguyễn Minh Hải - Trưởng Khoa Báo chí (Trường Cao đẳng Truyền hình) cho biết, năm nay ban tổ chức nhận được rất nhiều tác phẩm (332 tác phẩm) sau 6 tháng phát động.

Theo bà Hải, đề tài năm nay khá phong phú, sinh động, tập trung nhiều phản ánh về những bất cập trong cuộc sống: những vấn đề rất nóng như ô nhiễm môi trường, những bất cập trong việc thực hiện các chính sách đối với người dân; những khó khăn mà người dân (đặc biệt là bà con nông dân và bà con vùng sâu, vùng xa) đang phải hứng chịu,v.v… .

Học để làm thầy, giấc mơ đã mất vì miếng cơm, manh áo!

(GDVN) - Đầu vào, chất lượng đào tạo ngành Sư phạm, vấn đề thu nhập, lương bổng của giáo viên lại “nóng” lên trong phiên chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

“Cách thể hiện tác phẩm của các em khá ấn tượng, hầu hết biết cách khai thác được thế mạnh của truyền hình: sử dụng ngôn ngữ hình ảnh kết hợp với âm thanh chân thực để chuyển tải nội dung. Góc nhìn của các em về hiện thực cuộc sống khá mới mẻ, rất chân thực nhưng cũng khá sắc sảo. Ban Giám khảo là những nhà báo, đạo diễn, quay phim uy tín của Đài Truyền hình Việt Nam đánh giá chất lượng tác phẩm dự thi năm nay rất tốt” bà Hải cho hay.

Qua Liên hoan phim này, bà Hải cũng nhấn mạnh, hướng đào tạo của Trường Cao đẳng Truyền hình là chú trọng rèn kỹ năng làm nghề trên cơ sở trang bị những kiến thức lý thuyết nền tảng. 

Vì vậy, nhà trường đã đầu tư rất lớn vào việc tạo các sân chơi thực hành nghề để sinh viên có nhiều cơ hội rèn luyện khả năng sáng tạo các tác phẩm truyền hình trong suốt khóa học. Mỗi tháng, sinh viên các chuyên ngành được tham gia sản xuất 4 số truyền hình nội bộ/ 1 tháng (mỗi số 60 phút) với những format khác nhau; được sản xuất 4 số phát thanh và một số tạp chí sinh viên truyền hình. 

Bên cạnh đó, hàng năm Trường Cao đẳng Truyền hình còn tổ chức rất nhiều các cuộc thi, giải thưởng nhằm kích lệ và,tạo cơ hội cho sinh viên tham gia, cọ sát, rèn nghề ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường như: Triển lãm Ảnh “Ống kính sinh viên”, Cuộc thi “MV của tôi”, Giải “Sản phẩm báo chí được yêu thích nhất”….

“Việc tham gia các sân chơi, các cuộc thi trong trường có ý nghĩa, giá trị rất lớn đối với việc học tập, rèn nghề của sinh viên trong trường. Việc trải nghiệm ở những cuộc thi như thế này giúp các em trưởng thành hơn, tự tin hơn trong quá trình tác nghiệp sáng tạo tác phẩm. Đó cũng là bước đệm để các em có được nhiều cơ hội sau khi tốt nghiệp ra trường vì phần lớn các em có thể đáp ứng ngay với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn báo chí” bà Hải cho biết.

Tham gia Liên hoan phim, sinh viên chủ động sáng tạo tác phẩm mà không cần có sự hướng dẫn của giảng viên hay các chuyên gia làm nghề. Trong thời gian học, sinh viên được tham gia rất nhiều sân chơi thực hành nghề, ở những sân chơi này, sinh viên được làm các tác phẩm có sự hướng dẫn của các thầy cô. Ở Liên hoan phim ngắn SCTV, sinh viên được tự mình sáng tạo.

http://video.giaoduc.net.vn/2015_06_18/Nhat_PS.mp4

Phương Thảo