Sinh viên trường y bây giờ thụ động, ít tìm tòi, chủ yếu là chờ các thầy

27/11/2015 06:06
Xuân Trung
(GDVN) - Khẳng định của GS. Nguyễn Hữu Tú, hiệu phó Trường Đại học Y Hà Nội khi nói về công tác đổi mới đào tạo trong ngành y, được tổ chức chiều 26/11 tại Hà Nội.

Sinh viên ngành Y còn thụ động, chờ thầy cô

GS. TS. Nguyễn Hữu Tú, hiệu phó Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, trong quá trình đào tạo đối với ngành y vẫn còn nhiều tồn tại mang tính chất hệ thống. Thực tế đào tạo vẫn từ những năm 1960 (chuẩn đầu ra là bác sỹ tuyến huyện), cho tới nay chuẩn đầu ra chưa thay đổi nhiều. Có nghĩa bác sỹ đa khoa biết nhiều thứ, mỗi thứ một ít để khi ra trường có thể làm được chỗ này, chỗ kia.

Tuy nhiên, theo GS. Tú, tiêu chuẩn này đến nay là không còn phù hợp. Thực tế đòi hỏi như hiện nay, vấn đề nhỏ nhất cũng cần bác sỹ chuyên khoa, người mới ra trường không thể làm được. Như vậy, đầu ra mà ngành y dùng lâu nay là không phù hợp với thực tế, càng không phù hợp với chuẩn thế giới.

GS. TS. Nguyễn Hữu Tú. Ảnh Xuân Trung
GS. TS. Nguyễn Hữu Tú. Ảnh Xuân Trung

Điều nữa theo GS. Nguyễn Hữu Tú, khung chương trình mới (năm 2012 của Bộ GD&ĐT), mặc dù đã giảm những môn cơ sở cơ bản khá nhiều, tăng thời lượng các môn lâm sàng, bổ sung các môn tự chọn, nhưng tất cả chưa có sự tích hợp và chưa có chuẩn đầu ra. Vì không dựa trên chuẩn đầu ra nên không thể cắt chương trình phù hợp nhất. Do vậy, mặc dù là khung chương trình mới nhưng chưa phải là tiên tiến.

Trao đổi thêm với các thầy cô đang công tác tại trường Đại học Y Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tú cũng thẳng thắn nói về công tác dạy học, chủ yếu vẫn là theo lối dạy truyền thống. Mặc dù đã trải qua nhiều giai đoạn kêu gọi dạy học tích cực, nhưng cho tới nay vẫn là truyền thống. 

“Người học vẫn là thụ động, ít tìm tòi, đây là cái yếu nhất của sinh viên nói chung và sinh viên trường Đại học Y Hà Nội. Các em không chịu tìm tòi, tất cả đều chờ đợi ở các thầy, khác hẳn với môi trường học tập ở nước ngoài. Sinh viên học tích cực, các thầy cô hướng dẫn sinh viên học tích cực như thế nào thì chúng ta chưa làm tốt” GS. Tú cho hay.

Đối với nội dung dạy trong trường y, GS. Nguyễn Hữu Tú cho biết, nội dung quá nhiều, môn nào có trong trường đại học là trường y cũng dạy. Bên cạnh đó cũng có quá nhiều nội dung trong môn học, rất nặng về lý thuyết. 

Ví dụ, GS. Tú dẫn chứng như Chương trình cử nhân tiên tiến (nhập từ bang California, Mỹ), sau khi được xây dựng mới lại, rà soát lại thời lượng thì đã giảm 36% thời lượng lý thuyết so với Chương trình cử nhân điều dưỡng hiện tại. Thực hành đã tăng lên 12%, do vậy đầu ra của chương trình cử nhân tiên tiến vừa qua đạt chất lượng cao.

Tổ chức dạy học trong trường Đại học Y Hà Nội quá cứng nhắc, GS. Tú cũng cho biết thường phải học qua lý thuyết mới đến lâm sàng, học hết môn này mới tới môn khác, mục tiêu là hết chương trình nhưng lại thiếu giám sát (giám sát người dạy, người học). Do vậy, GS. Tú cho rằng như thế chẳng khác gì tự làm khó nhau. 

Thế giới đào tạo như thế nào?

Trước tình hình bắt buộc phải đổi mới phương thức đào tạo trong ngành y, trường Đại học Y Hà Nội đã cử nhiều giảng viên, cán bộ ra nước ngoài học tập kinh nghiệm tại các nước có nên y học phát triển. 

Bản thân GS. Nguyễn Hữu Tú khi chứng kiến chương trình đào tạo của Đại học Paris VII (Pháp) đã nhận định, khung chương trình đào tạo ở đây rất mềm dẻo. Đầu vào của Đại học Paris VII là học sinh phổ thông, lựa chọn qua hồ sơ, sau năm thứ nhất sẽ được thi 8 môn, và chỉ tuyển từ 350-380 sinh viên/năm/1.200 sinh viên đầu vào khi tuyển qua hồ sơ.

Buổi hội thảo đổi mới đào tạo ngành Y thu hút rất đông giảng viên, cán bộ, y bác sỹ của Trường Đại học Y Hà Nội tham dự. Ảnh Xuân Trung
Buổi hội thảo đổi mới đào tạo ngành Y thu hút rất đông giảng viên, cán bộ, y bác sỹ của Trường Đại học Y Hà Nội tham dự. Ảnh Xuân Trung

Với 4 ngành đào tạo: Y bác sỹ, Nha sỹ, Dược sỹ, Hộ sinh và 3 chương trình cận Y. Như vậy có 7 mã ngành so với 9 mã ngành của Đại học Y Hà Nội.

Đào tạo tại Đại học Paris VII được chia thành 3 giai đoạn; giai đoạn đầu là 3 năm, giai đoạn hai là 3 năm (6 năm trong trường đại học), giai đoạn 3 là trong trường nội trú (từ 3-5 năm), điều nhất quán là đào tạo liên tục trong y khoa, chứ không tách riêng (mặc dù giai đoạn 3 là sau đại học).

Cũng nằm trong diện được cử đi học tập, trao đổi kinh nghiệm với các trường y trên thế giới, TS. Hồ Thị Kim Thanh (Bộ môn Lão Khoa) chia sẻ về mô hình đào tạo y khoa của Đại học Sydney (Úc).

TS. Kim Thanh cho biết, với Việt Nam trường y sẽ tuyển sinh đối với học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, sau đó học 6 năm trong Đại học Y Hà Nội, trước đây sau khi học xong sinh viên được chuyển lên học chuyên khoa định hướng (12 tháng), với quy định mới là 18 tháng.

Nhưng với Trường Đại học Sydney, sinh viên muốn vào học ngành y thì phải tốt nghiệp một trường cao đẳng nào đó (3-4 năm) thời gian đào tạo sau đó là 4 năm. Sắp tới tuyển thêm một nguồn nữa là học sinh trung học (diện này học 6 năm).

Tất cả các đối tượng sau khi tốt nghiệp cần có 1 năm học Intern (tập sự), và sau đó mới học tiếp lâm sàng ở các bệnh viện. 

Trong khi đó, ông Lê Đình Tùng (giảng viên Đại học Y Hà Nội) cho biết, qua thời gian thăm quan và học hỏi kinh nghiệm đào tạo ngành y tại trường Đại học Sydney đã rút ra được nhiều điều cho quá trình đào tạo tại Việt Nam. Quá trình đào tạo tại Đại học Sydney được chia thành 3 giai đoạn, giai đoạn 1 và 2 được gọi là tiền lâm sàng, giai đoạn 3 là lâm sàng.

Để đào tạo được như trên thì quá trình từ đưa sinh viên sang bệnh viện cũng phải qua ba bước. Bước một là sinh viên học khoa học cơ bản ở trường đại học, bước hai là học kỹ năng, thái độ, giao tiếp với người bệnh, bước ba là học ở bệnh viện. 

Trao đổi thêm về công tác đào tạo của Trường Đại học Y Hà Nội trong những năm tới, PGS. TS. Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng nhà trường khẳng định công tác đào tạo của trường phải đổi mới, và đổi mới liên tục.

Ông Hinh đưa ra các vấn đề mà trường sẽ làm ngay. Thứ nhất là giảm tải chương trình học. Thứ hai là bố trí lại việc học lâm sàng. Ông Hinh cũng nhấn mạnh “Sinh viên phải chủ động học. Như hiện nay, các bạn vẫn thể hiện việc học còn thụ động”.

Về việc sử dụng chương trình nhập khẩu, ông Hinh cho biết có những nơi nhập chương trình về với giá 1 triệu USD, và bỏ ra thêm khoảng 10 triệu USD để Việt hoá. “Đó là điều không tưởng đối với trường Đại học Y Hà Nội.

Nhưng trường sẽ nhận hỗ trợ của nước ngoài nếu được. Nếu mua được chương trình tốt sẽ mua, dù có thể chỉ áp dụng được 50, 60% nhưng vẫn còn hơn là tự ngồi vẽ ra…”.

Xuân Trung