Sở Giáo dục Hà Tĩnh chi ngân sách vô tội vạ

04/04/2019 06:10
Trần Phương
(GDVN) - Theo kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc quản lý tài chính, ngân sách của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, việc quản lý tài chính tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã khiến dư luận xôn xao, nhất là khi Báo đăng tải nội dung trong Kết luận thanh tra số 10/KT-TT ngày 25 tháng 11 năm 2017 của Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh “Về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý tài chính- ngân sách, mua sắm trang thiết bị và quản lý đầu tư xây dựng tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh”.

Không có cơ sở pháp lý vẫn chi ngân sách cho biên chế vượt

Tại Kết luận số 169/KL-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 7/3/2019 đã nêu ra nhiều vấn đề trong Trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Theo kết luận, Nghị quyết số 136/2010/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ngày 24/12/2010 quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2011 - 2015; định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2011.

Tuy nhiên, tại Khoản 1 VIIIB và IIIA Phụ lục số 03 Nghị quyết số 136/2010/NQ-HĐND quy định phân bổ chi sự nghiệp giáo dục xác định mức chi/1 biên chế cán bộ viên chức sự nghiệp giáo dục theo nguyên tắc: tính đủ tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp, đóng góp các khoản bảo hiểm đảm bảo mức 85%; chi hoạt động sự nghiệp mức 15% là chưa đúng quy định tại điểm a khoản 1 Mục II Quyết định 59/2010/QĐ-TTg (quy định tỷ lệ 80/20).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót trong việc phân bổ ngân sách của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh)
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót trong việc phân bổ ngân sách của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh)

Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ngày 15/12/2016 quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2017 – 2020, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017.

Trong đó, quy định chi sự nghiệp giáo dục đảm bảo tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương tối đa 82%; chi thực hiện nhiệm vụ giáo dục không kể chi tiền lương và các khoản có tính chất lương tối thiểu 18% (chưa kể nguồn thu học phí được để lại chi theo chế độ) là đúng quy định tại khoản 1 Điều 7 Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg.

Gần 300 nhân viên trường mầm non ở Hà Tĩnh bị chấm dứt hợp đồng sẽ đi về đâu?

Tuy nhiên, Mục 1 IIB Chương I Phụ lục 01 ban hành kèm Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND quy định ngân sách cấp tỉnh có nhiệm vụ chi thường xuyên “Sự nghiệp Giáo dục Đào tạo và dạy nghề” chưa quy định cụ thể là chi cho cấp học, bậc học nào.

Theo Kết luận Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định nghị quyết số 136/2010/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh chưa đảm bảo tỷ lệ 20/80 theo quy định tại Quyết định 59/2010/QĐ-TTg và tỷ lệ 18/82 theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ ra việc phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở Giáo dục có sự khác nhau giữa các huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo.

Kết luận cho thấy, có sự khác nhau về phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục đào tạo giữa các huyện, Thành phố Hà Tĩnh và Sở Giáo dục và Đào tạo.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra việc Thành phố Hà Tĩnh và các huyện (Cẩm Xuyên, Đức Thọ) khấu trừ 40% học phí tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định giữ lại tại cấp ngân sách là chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

Kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cấp ngân sách đối với đơn vị có số biên chế thấp hơn biên chế được duyệt bổ sung tiền lương để trả vượt giờ theo số người thiếu và hệ số lương bậc khởi điểm trình độ đại học 2,34; đối với đơn vị số biên chế thực tế cao hơn biên chế được duyệt, giao 95% quỹ lương đối với biên chế vượt là không có căn cứ pháp lý.

Chậm cấp kinh phí ngân sách để thực hiện một số chính sách trong lĩnh vực giáo dục đào tạo cho các đối tượng chính sách theo quy định (các chính sách đối với học sinh năm 2017 – 2018:

Theo Kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại Hà Tĩnh đối với đơn vị số biên chế thực tế cao hơn biên chế được duyệt, giao 95% quỹ lương đối với biên chế vượt là không có căn cứ pháp lý.(trong ảnh: Bản thanh toán tiền lương hợp đồng tháng 9/2018 tại Trường Trung học phổ thông Kỳ Lâm, Kỳ Anh (ảnh: Lê Văn Vỵ)
Theo Kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại Hà Tĩnh đối với đơn vị số biên chế thực tế cao hơn biên chế được duyệt, giao 95% quỹ lương đối với biên chế vượt là không có căn cứ pháp lý.(trong ảnh: Bản thanh toán tiền lương hợp đồng tháng 9/2018 tại Trường Trung học phổ thông Kỳ Lâm, Kỳ Anh (ảnh: Lê Văn Vỵ)

Chế độ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh phổ thông; hỗ trợ tiền ăn trưa trẻ MN 3, 4, 5 tuổi; hỗ trợ học phí trẻ mầm non, học sinh phổ thông bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường; chính sách hỗ trợ học sinh khuyết tật; chính sách hỗ trợ học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn).

Không chỉ vậy, việc phân bổ ngân sách của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã thực hiện không đúng theo quy định của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài Chính.

Cụ thể, Kết luận thanh tra đã chỉ ra việc Phòng Giáo dục và Đào tạo không trực tiếp phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục đào tạo trực thuộc là không đúng quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định số 115/2010/NĐ-CP và khoản 5 Điều 7 Thông tư số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.

Xử lý tình trạng lạm thu chưa kịp thời

Theo đó, Kết luận số: 169/KL-BGDĐT nêu rõ: Trong việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục đào tạo chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn về việc xử lý đối với các hạng mục mua sắm, sửa chữa đã hoàn thành dự kiến sử dụng nguồn đóng góp của cha mẹ học sinh để thanh toán và số kinh phí đã huy động nhưng chưa sử dụng hoặc đã sử dụng một phần tại các các cơ sở giáo dục đào tạo, gây lúng túng cho các cơ sở giáo dục đào tạo.

Tôi làm lãnh đạo, có phải nhân viên đâu mà luân chuyển

Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, việc sử dụng và phân bổ ngân sách tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh xuất hiện nhiều bất cập.

Đặc biệt, theo kết luận số số 10/KT-TT ngày 25 tháng 11 năm 2017 của Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh có nêu đến việc: “Tổng chi phí tiếp khách trong ba năm 3.814.413.550 đồng, qua kiểm tra hồ sơ, chứng từ thanh toán cho thấy, một số hóa đơn ghi bằng bút mực hoặc không ghi ngày; một số chứng từ thanh toán còn sơ sài, thiếu hồ sơ, thủ tục theo quy định”.

Như vậy, nếu tính trung bình, số tiền tiếp khách của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh lên đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng.

Nhiều giáo viên mầm non ở Hà Tĩnh đã phải điêu đứng với cách làm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh (Ảnh: Lê Văn Vỵ)
Nhiều giáo viên mầm non ở Hà Tĩnh đã phải điêu đứng với cách làm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Cũng theo kết luận số 10/KT-TT, Qua thanh tra 21 đơn vị trực thuộc, Thanh tra đã phát hiện nhiều sai sót. Thanh tra đã:

"Yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo xử lý các sai phạm về kinh tế được phát hiện qua thanh tra, số tiền 2.328.396.000 đồng (hai tỷ ba trăm hai tám triệu ba trăm chín sáu ngàn đồng), trong đó, thu hồi, nộp ngân sách nhà nước 2.150.918.000 đồng; cắt giảm giá trị khối lượng xây dựng cơ bản: 177.478.000 đồng.”

Giám đốc Sở Giáo dục Hà Tĩnh tự giải thích các khoản tiền tỷ chi sai

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Quang Cảnh, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch kiêm kế toán trưởng của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho biết số tiền nêu trong kết luận thanh tra kết luận số 10/KT-TT đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh khắc phục gần hết.

Việc để xảy ra nhiều tồn tại và hạn chế trong quản lý nhà nước về giáo dục của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã quy trách nhiệm, khắc phục hậu quả tới các đơn vị có liên quan.

(Còn nữa)

Trần Phương