Sở Giáo dục không nên áp đặt phương thức tuyển sinh lớp 10 trường tư thục

20/04/2021 06:45
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, Sở này không nên cấm các trường ngoài công lập tổ chức tuyển sinh, kiểm tra đầu vào lớp 10.

Như Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quy định về việc tuyển sinh vào lớp 10 ở các trường trung học phổ thông ngoài công lập (tư thục) năm học 2021 – 2022.

Theo đó, lãnh đạo Sở này yêu cầu, các trường tư thục phải nghiêm túc thực hiện các phương thức xét tuyển, không tổ chức thi tuyển hay kiểm tra đầu vào dưới bất kỳ hình thức nào.

Quy định là như vậy, tuy nhiên qua khảo sát, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có một số trường trung học phổ thông ngoài công lập tổ chức kiểm tra đầu vào đối với tuyển sinh vào lớp 10.

Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh làm bài thi vào lớp 10 công lập (ảnh minh họa: P.L)

Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh làm bài thi vào lớp 10 công lập (ảnh minh họa: P.L)

Hình thức đó là: Các trường sẽ để học sinh nộp học bạ trung học cơ sở (phải đạt theo yêu cầu mà nhà trường đưa ra), sau đó học sinh nếu đạt ở vòng đầu sẽ phải tham dự một khóa học hè (thường kéo dài trong vài tuần), và sau đó sẽ phải làm bài kiểm tra năng lực.

Học sinh muốn được nhà trường nhận vào học thì sẽ phải đạt một số các tiêu chí nhất định mà nhà trường yêu cầu.

Theo đại diện những trường này, thường thì lượng hồ sơ mà nhà trường nhận được là rất lớn, trong khi chỉ tiêu nhận học sinh của trường chỉ có giới hạn, nên trường buộc phải có cách để kiểm tra năng lực của học sinh, để xếp lớp cho phù hợp và biết em đó có phù hợp với môi trường học mới hay không?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố giải thích: Trường trung học phổ thông ngoài công lập có nghĩa là từ lớp 10 trở lên, còn thi tuyển sinh lớp 10 là đề nằm trong chương trình lớp 9 (bậc trung học cơ sở), nên nếu thi tuyển thì có thể xảy ra trường hợp giáo viên ra đề không sát với năng lực học sinh.

“Nên tốt nhất là thực hiện phương thức xét tuyển học bạ kết quả học của bậc trung học cơ sở, chứ thi tuyển thì không dễ, vì không phải ai cũng ra đề thi tuyển sinh được” – Vị lãnh đạo này cho biết.

Cũng theo vị lãnh đạo này, Sở không thể để tùy thuộc các trường muốn làm như thế nào thì làm, mà phải quản lý thống nhất, khối công lập và ngoài công lập đều phải làm giống nhau.

Theo thầy Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ theo văn bản 03/VBHN-BGDĐT (Hợp nhất Quy chế tuyển sinh trung học phổ thông) do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Nguyễn Hữu Độ ký ngày 3/5/2019, tại điểm 2, điều 5, chương III của văn bản này quy định rõ:

Tuyển sinh trung học phổ thông (không ghi rõ là công lập hay ngoài công lập) được tổ chức theo một trong ba phương thức sau: Xét tuyển (dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở bậc trung học cơ sở), thi tuyển hay kết hợp cả xét tuyển và thi tuyển.

Như vậy, thầy Nguyễn Văn Ngai nói rằng, hoàn toàn không có quy định rõ ràng là trường tư thục phải tổ chức xét tuyển mà không được thi tuyển.

Bởi lẽ, thầy Nguyễn Văn Ngai giải thích là trên thực tế, ở tại một số địa phương (không phải thành phố Hồ Chí Minh) có số lượng học sinh lớp 9 xấp xỉ với chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10, nên chỉ cần xét tuyển vào trường công lập.

Ngược lại thì một số trường trung học phổ thông ngoài công lập có uy tín, chất lượng đào tạo tốt, số lượng học sinh đăng ký vào học vượt chỉ tiêu tuyển sinh, nên Sở cũng nên để cho các trường lựa chọn một trong ba phương thức tuyển sinh như văn bản nêu ở trên.

Nên để yên tâm và chắc chắn, Sở có thể yêu cầu các trường trung học phổ thông ngoài công lập báo cáo lại lựa chọn phương thức tuyển sinh nào, xong Sở sẽ có thẩm định lại phương án đó.

Chắc chắn, đây sẽ là phương án tháo gỡ cho việc tuyển sinh vào lớp 10 của các trường trung học phổ thông ngoài công lập hợp lý nhất.

Việt Dũng