Sửa đổi chùm Thông tư 01-04, nhiều giáo viên vui mừng vì được giữ hạng

29/05/2022 06:38
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc quy định nhiệm vụ theo từng hạng là để sau khi giáo viên được bổ nhiệm vào hạng sẽ thực hiện nếu được hiệu trưởng phân công.

Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chùm Thông tư số 01,02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Ngày 20/3/2021, chùm thông tư chính thức có hiệu lực. Nhiều địa phương đã căn cứ quy định để thực hiện việc chuyển đổi hạng cho giáo viên. Đáng nói, quá trình triển khai chùm Thông tư này đã nảy sinh nhiều bất cập. Trong đó, điều gây bức xúc cho nhiều nhà giáo nhất là việc bị xuống hạng một cách không phù hợp.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận

Chùm Thông tư 01-04, hướng dẫn việc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đều quy định rất rõ:

Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên là phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và quy định tại Điều 7 của thông tư.

Vì thế, các địa phương khi xếp hạng giáo viên chỉ xét cho những nhà giáo đang đảm nhận chức danh tổ trưởng chuyên môn.

Điều này đã gây nên nhiều bất công ngay trong đội ngũ nhà giáo khi có những thầy cô giáo gần 20 năm làm tổ trưởng chuyên môn nhưng mới xin nghỉ vẫn sẽ bị xuống hạng vì thiếu nhiệm vụ.

Ngược lại, có những giáo viên mới được bổ nhiệm tổ trưởng một vài năm (thậm chí chỉ 1 năm) đang ở hạng II cũ đã đủ điều kiện chuyển qua hạng II mới.

Điều này dẫn đến, có những giáo viên ở hạng II nhưng năng lực và kỹ năng sư phạm lại thấp hơn đồng nghiệp xếp ở hạng III.

Dự thảo Thông tư sửa đổi đã xóa bỏ bất cập mang đến sự công bằng hơn

Suốt một năm qua, những bất cập trong việc chuyển xếp hạng giáo viên từ chùm các Thông tư 01-04 luôn là đề tài nóng ở các trường học, các diễn đàn giáo dục. Nhà giáo quan tâm nhiều vì liên quan đến quyền lợi chính đáng của họ.

Đã có những trường học, vì việc chuyển xếp hạng theo chùm các Thông tư 01-04 trở thành diễn đàn "đấu tố" nhau, làm mất đoàn kết nội bộ.

Giáo viên tâm tư, lãnh đạo cũng đau đầu khi liên tục nhận được những thắc mắc nhưng không thể giải đáp, không thể giải quyết.

Vì thế, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp lần này, đã giải quyết được những vấn đề vướng mắc trên, tạo cho giáo viên cũng như các nhà quản lý thêm niềm vui.

Dự thảo Thông tư sửa đổi lần này nêu rõ: các Thông tư 01-04 quy định nhiệm vụ theo từng hạng là để sau khi giáo viên được bổ nhiệm vào hạng sẽ thực hiện nếu được hiệu trưởng phân công.

Làm rõ quy định nhiệm vụ đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp: là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được hiệu trưởng phân công và hiệu trưởng có thể phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng.

Khi bổ nhiệm sang hạng tương ứng không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng về việc đã thực hiện được nhiệm vụ của hạng.

Giữ quy định nhiệm vụ chung cho tất cả các hạng, trong đó hạng cao quy định thêm một số nhiệm vụ có mức độ phức tạp hơn, yêu cầu giáo viên phải có kinh nghiệm công tác và năng lực cao hơn thì mới thực hiện được như hiện hành.

Bên cạnh đó cần lưu ý, tại Thông tư 01-04, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định: Đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp mà trường mầm non, phổ thông công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì có thể quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan để làm căn cứ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên.

Như vậy, quy định về nhiệm vụ của giáo viên không phải là quy định cứng, bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và không phải là công việc bắt buộc tất cả các giáo viên phải thực hiện.[1]

Hiệu trưởng nắm vai trò quan trọng trong việc xếp hạng giáo viên

Trước đây, quy định nhiệm vụ từng hạng là căn cứ để xét giáo viên giữ hạng, thăng hạng nhưng Dự thảo Thông tư sửa đổi lần này, đề cao năng lực thật sự của người giáo viên.

Dù không phải là tổ trưởng nhưng giáo viên nào có đủ điều kiện về bằng cấp, chứng chỉ, được đánh giá có đủ năng lực, đủ phẩm chất thì vẫn được xếp giữ hạng hay thăng hạng.

Nghĩa là, những thầy cô giáo được xét giữ hạng, thăng hạng chắc chắn phải có đủ khả năng để đảm đương nhiệm vụ khi được hiệu trưởng phân công. Điều này, chùm Thông tư 01-04 đang bị vướng mắc, các thầy cô giáo phản ứng thời gian qua.

Ngược lại, người có đủ bằng cấp, chứng chỉ, năm công tác nhưng thiếu năng lực, phẩm chất cũng khó có cơ hội thăng hạng. Hiệu trưởng sẽ phải căn cứ vào năng lực, phẩm chất của từng giáo viên mới đề xuất cho dự thi/xét thăng hạng để sau này còn giao nhiệm vụ.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ra dự thảo Thông tư sửa đổi chùm Thông tư 01-04 lần này cũng đã giúp cho hàng ngàn nhà giáo từng làm tổ trưởng chuyên môn hoặc có đủ năng lực, phẩm chất được giữ lại hạng II mới (sau khi đã được bổ nhiệm hạng II theo chùm Thông tư 20;21;22; 23/2015/ TT-BGDĐT).

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-diem-moi-ve-xep-luong-giao-vien-th-thcs-hang-i-khong-can-bang-thac-si-post226603.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết