Tâm sự ứa nước mắt của một sinh viên thuộc đề án 322

22/05/2012 06:03
K. Ngân (ghi)
(GDVN) - Ba tôi từ quê gọi điện ra bảo “Thôi con à, mình thấp cổ bé họng không làm gì được đâu. Thôi coi như ba con ta xui xẻo. Cũng đừng tiếc nữa, trở về nhà với ba thôi con!”. Tôi nghe vậy mà cổ họng nghẹn ứ, không cất nổi thành lời: “Lẽ nào... không ai có thể lấy lại công bằng cho chúng con sao ba?”...
Đó là lời tâm sự của em Dương Thị Thanh (SV Đại học Ngoại thương HCM) – là một trong 94 người được chọn đi học theo đề án 322. Sau khi Bộ GD&ĐT có quyết định dừng đề án 322 (đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước) khiến cho không chỉ Thanh mà rất nhiều phụ huynh, sinh viên bị sốc và tỏ ra rất bất bình, bức xúc.

Dương Thị Thanh (phải) vẫn còn sốc khi kể lại nghe thông báo Nhà nước không cấp học bổng 322 cho gần 50 sinh viên nữa.
Dương Thị Thanh (phải) vẫn còn sốc khi kể lại nghe thông báo Nhà nước không cấp học bổng 322 cho gần 50 sinh viên nữa.

Khi đang theo học năm thứ 1 ĐH Ngoại thương HCM, Thanh vỡ òa hạnh phúc khi ngày 28/02/2011 nhận được thông báo trúng học bổng 322 của Bộ. Sau đó, ngày 26/03 Thanh nhận được email thông báo, 28/03 tất cả sinh viên trúng học bổng sẽ tập hợp tại Hà Nội để tham gia lớp học tiếng Pháp do Cục Đào tạo nước ngoài tổ chức. Chỉ trong 2 ngày, Thanh cuống cuồng đặt vé máy bay, chuẩn bị đồ đạc, vội vàng chia tay gia đình, bạn bè để ra Hà Nội tìm nhà trọ.

Trong suốt thời gian 1 năm học tiếng Pháp ở nơi “đất khách quê người”, cô sinh viên Tây Nguyên nỗ lực không ngừng. Bắt đầu học tiếng Pháp từ con số 0, thời gian còn lại Thanh vừa gia sư tiếng Anh, làm thêm ở tiệm bánh để kiếm đồng ra đồng vào đỡ đần bố mẹ ở quê. 
Hơn 1 năm sống ở Hà Nội, Thanh chỉ dám về quê 2 lần vào dịp hè và tết vì chi phí đi lại đắt đỏ. Thanh kể: “Ba hay nói rằng tại sao được học bổng và học tiếng còn tốn hơn cả học đại học. Nhưng em luôn trấn an ba rằng, mình cứ cố gắng, sau này sẽ được nhà nước chu cấp”.

Được nửa năm, Thanh và các bạn trong lớp nghe được thông tin các bạn học Y sẽ phải chuyển địa điểm du học sang Rumani và chỉ cấp kinh phí đến năm 2014 đã khiến gần 50 sinh viên hoang mang, không thể tin được vì đây là học bổng của chính phủ cơ mà.

Ngày 17/04, Thanh yên tâm, phấn khởi khi nhận được thư tiếp nhận từ Trường ĐH Paris 10 (Pháp). Mọi thủ tục đã hoàn thành, Thanh cùng mấy bạn cũng đang liên hệ để thuê nhà bên Pháp, chuẩn bị tháng 8 nhập học. Đến ngày 11/05, Thanh nhận được điện thoại của chuyên viên bên Cục hướng dẫn những thủ tục nhập học. Nhưng...

“15/05 nhận được thông báo chúng em không được đi nữa. Em không dám tin vì em nghĩ sẽ có cách giải quyết. Nhưng sau khi lãnh đạo Cục đào tạo nước ngoài trả lời trên báo chí quyết định dừng dự án. Lúc đó em thực sự rất sốc”, Thanh nghẹn ngào kể lại.

Không chỉ Thanh mà hơn 40 bạn nữa cũng đang rất hoang mang, lo lắng và gần như mất niềm tin, vì ước mơ vụt tắt chỉ trong tích tắc. “Em không thể tin được một cơ quan nhà nước lại có thể thất hứa như thế. Chúng em không biết sẽ đi đâu về đâu nữa…”, Thanh lặng người đi sau câu nói.

Báo GDVN xin trích đăng lá thư của bạn Dương Thị Thanh để độc giả hiểu rõ hơn nỗi niềm của cô sinh viên Tây Nguyên khi ước mơ… bị dập tắt:

Chuyện "Tôi được nhận học bổng"
Tôi sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở Tây Nguyên. Mẹ tôi đau bệnh nằm nhà suốt mấy năm nay. Kinh tế gia đình tôi trông cậy cả vào một vườn cà phê nhỏ. Ba tôi vất vả từ sáng sớm và qua cả đêm khuya, kiếm tiền thuốc thang cho mẹ và lo cho chị em tôi ăn học. Khổ là thế nhưng lúc nào ba tôi cũng vui vẻ và tự hào, vì “con gái đầu của ba được học bổng đi học ở nước ngoài”!

Từ nhỏ, dù vất vả đến đâu ba mẹ tôi cũng cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho tôi học tập. Đến tận bây giờ bên tai tôi vẫn còn văng vẳng giọng nói khàn khàn của ba, cái câu mà tôi đã từng nghe không biết bao nhiêu lần: “Phải học giỏi thì mới đổi đời được nghen chưa con!”... Và sự thật là, nhờ động lực ấy, tôi đã đạt được khá nhiều thành tích cao trong học tập. Đầu năm 2011, tôi nhận được học bổng 322 – học bổng đi học đại học ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà Nước. Cả nước chỉ có 94 sinh viên được chọn, đó là những sinh viên xuất sắc nhất! Chưa bao giờ tôi thấy ba mẹ tôi vui đến như thế!

Tôi khăn gói từ Sài Gòn ra Hà Nội để tham gia khoá bồi dưỡng ngoại ngữ của Bộ. Một năm học tiếng là một năm khó khăn chồng chất. Tôi nhận được học bổng đi Pháp nên phải học tiếng Pháp từ đầu. Vừa học tôi lại vừa phải đi gia sư, kiếm việc làm thêm để trang trải sinh hoạt phí đắt đỏ ở Hà Nội, rồi thì tiền học phí, tiền thi lấy chứng chỉ, tiền phỏng vấn với đại diện campusfrance... bao nhiêu là thứ tiền! Tôi vẫn hay bấm bụng chặc lưỡi: “Thôi thì ráng hết năm nay, năm sau sang Pháp rồi Nhà nước sẽ chu cấp cho mình, sẽ tập trung được vào việc học!”. Sau bao cố gắng, tôi nhận được thư chấp nhận từ một trường đại học khá tốt ở Pháp. Lại một lần nữa, tôi được nhìn thấy nụ cười hạnh phúc trên mặt ba mẹ.

Một năm ở Hà Nội tôi cũng quen được với nhiều bạn cùng đạt học bổng giống mình. Tôi hay thường kể cho ba tôi nghe về họ. Có một cậu bạn người Quảng Ngãi bố mất sớm, nhà nghèo lắm, nhưng rất giàu nghị lực, luôn là người chăm chỉ nhất trong lớp. Có một cậu bạn theo học Y, mà học Y bên Pháp thì vô cùng khó. Biết vậy mà cậu ấy vẫn tràn đầy niềm tin vào lí tưởng của mình. Lí tưởng chữa bệnh cứu người không màng danh lợi của một người trẻ trong thời đại này thật đáng quý biết bao, ba nhỉ! Ba tôi cười khà khà: “Những người trẻ muôn năm! Đảng muôn năm!”.

Tôi tủm tỉm cười với cái khẩu hiệu quen thuộc “Đảng muôn năm” của người cha nông dân xuất thân từ bộ đội. Nhưng... cha tôi không giữ được nụ cười nữa, khi đùng một cái, tôi nhận được tin dữ.

Ngày 15/5/2012, tôi nhận được thông báo dừng học bổng. Cục Đào tạo nước ngoài giải thích là kinh phí đã hết nên chúng tôi chỉ còn 3 lựa chọn. Một là, quay trở lại trường Đại học mà tôi đã bỏ dở 2 năm. Hai là, trong vòng 15 ngày chúng tôi phải quyết định chuyển sang các nước Lào, Campuchia, Srilanka, Ma-rốc, Nga, Cuba... khi mà mọi thủ tục với trường ở Pháp của tôi đã hoàn tất. Ba là, Bộ sẽ không còn trách nhiệm và chúng tôi phải tự chèo chống đi học bằng tiền của gia đình mình. Cả 3 khả năng đều quá khó để chấp nhận với tôi!

Thông báo của Cục gây ra một cúc sốc lớn cho hơn 40 sinh viên đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục du học trong năm nay tại các nước Pháp, Canada và Mỹ. Một khi đã gieo vào những người trẻ niềm hy vọng, rồi đột nhiên dập tắt thì không gì có thể làm cho họ suy sụp hơn! Chúng tôi liên tục gửi mail hỏi chuyên viên yêu cầu được làm rõ, liên tục gọi điện thoại lên Cục đào tạo nước ngoài. Câu trả lời chúng tôi nhận được là tất cả đã được nêu rõ trong thông báo. Chúng tôi gửi thư cầu cứu, gửi đơn kiến nghị nhưng vẫn chưa thấy kết quả. Thời gian thì không còn nhiều...

Ba tôi từ quê gọi điện ra bảo “Thôi con à, mình thấp cổ bé họng không làm gì được đâu. Thôi coi như ba con ta xui xẻo. Cũng đừng tiếc nữa, trở về nhà với ba thôi con!”. Tôi nghe vậy mà cổ họng nghẹn ứ, không cất nổi thành lời: “Lẽ nào... không ai có thể lấy lại công bằng cho chúng con sao ba?”...

Tôi không biết những dòng tâm sự đây liệu có thể đến với dư luận không, và liệu đến được với dư luận thì hơn 40 sinh viên chúng tôi có được cứu hay không... Nhưng đây là tất cả những gì tôi có thể làm được lúc này. Từ sâu thẳm, tôi vẫn giữ niềm tin về một ngày trở về góp phần phát triển mảnh đất Tây Nguyên nắng gió của quê hương, làm giàu cho đất nước...
Mọi thông tin phản ánh, khiếu nại tiêu cực trong giáo dục, mời quý độc giả gửi về địa chỉ email của tòa soạn:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hom-thu-bay-to-y-kien-to-giac-tieu-cuc-trong-giao-duc/161144.gd

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

PGS. Văn Như Cương: "Dừng Đề án 322, ngoài cuộc như tôi còn thấy cáu"

Chùm ảnh: Hộp cơm của học sinh Nhật Bản có hình Tổng thống Mỹ 

Chùm ảnh: Nhễ nhại đưa đón con giữa mùa hè (P4)

Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan "cháy" cùng Style JC 2012

“Bộ GD & ĐT cần giải quyết và phải xin lỗi những nhân tài như bọn em…”

Vụ tạm dừng Đề án 322: Cục Đào tạo nước ngoài không giữ lời hứa?

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

K. Ngân (ghi)