Tâm sự xúc động về một cô giáo không hoàn hảo

06/11/2012 16:51
Theo VNN
Mỗi lần về quê có dịp đi ngang qua trường cũ tôi thường nán lại một lúc để lắng nghe những tiếng giảng bài của cô vọng ra từ trong những lớp học. Giọng cô vẫn vậy, sang sảng mà hùng hồn, khúc triết. Tự nhiên, những lo âu, muộn phiền như lắng xuống... lại ước được một lần trở về cái thời học trò ngô nghê ngày nào.
Có lẽ cô là giáo viên dạy văn “lạ lùng” nhất mà tôi từng gặp. Thế nhưng có một điều mà tất cả những ai đã từng được cô dạy đều nhận thấy cô có một tình yêu văn chương mãnh liệt và luôn tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Và cô, một cô giáo dạy văn với phong cách đặc biệt ấy đã cho chúng tôi một nền tảng tri thức vững chắc, một niềm tin vào cuộc sống, một nghị lực để vươn lên và một ước mơ để theo đuổi.
Cô giáo như mẹ hiền - Ảnh minh họa, nguồn internet
Cô giáo như mẹ hiền - Ảnh minh họa, nguồn internet

Những ngày cô mới về trường, đám học trò chúng tôi được một một dịp “buôn dưa lê” thỏa thích. Đó là bởi câu chuyện về cô giáo văn mới về thật khó tin với cả những đứa giỏi tưởng tượng nhất. Cô cao gầy, khuôn mặt xương xương, gò má cao, đôi tai xòe và đôi mắt mở to, rất sáng. Hơn nữa, giọng cô không ngọt ngào, dịu dàng mà sang sảng, đôi khi còn gào thét, chanh chua. Những bài giảng của cô hùng hồn, mạch văn chặt chẽ, sắc xảo đôi khi rất hốm hỉnh khiến cho đứa ghét môn văn nhất cũng không thể ngủ gật được. 

Về trường chưa được bao lâu cô đã xin chủ nhiệm một lớp cá biệt, nổi tiếng về lười học và nghịch ngợm. Cả trường bắt đầu xì xào về những “phi vụ ầm ĩ” mà mấy đứa học trò ngỗ ngược sắp làm và cùng chờ xem cô sẽ xử lý ra sao. Có lẽ cô sẽ “mếu máo” xin thôi quản lý lớp ấy. Nhưng sự thể lại khác hẳn. Đầu tiên là việc cô yêu cầu một cậu học trò là con cán bộ huyện mời phụ huynh đến gặp. Rồi hai tuần sau đó, cái lớp ấy đã được xướng tên trong bài tuyên dương thứ hai đầu tuần của thầy hiệu trưởng về thành tích học tập và sự nề nếp. 

Cô đã thổi một luồng sinh khí mới vào những tiết học văn buồn tẻ. Giờ văn của cô hiếm có chuyện ai đó ngủ gật hay làm việc riêng. Những bài giảng của cô có một sức hút lạ kỳ. Việc kiểm tra miệng không còn cứng nhắc và nhiều lo âu nữa bởi cô không bắt chúng tôi phải học thuộc lòng mà chịu khó lắng nghe những cảm nhận, những ý kiến đôi khi rất ngộ nghĩnh của học trò chúng tôi. Cô muốn chúng tôi học theo những bài văn mẫu cũng như có thể bắt trước một điều gì đó nhưng “đừng bao giờ là một bản sao cứng nhắc” mà hãy thoải mái thể hiện cá tính, suy nghĩ của mình. Giờ lên lớp của cô, lũ học trò chúng tôi có thể “nói leo”, có thể tranh luận về tác phẩm và cô sẽ là người giải đáp mọi thắc mắc nếu có. 

Với cô, chúng tôi không chỉ là những đứa học trò mà còn là những người bạn, những đứa em thân thiết. Cô có thể vô tư nhận thanh kẹo khi thắng cược với lớp và sẵn sàng mua quẩy khao cả lớp khi thua cược. Nhiều khi ngồi cả giờ ra chơi để “buôn dưa lê” về tất cả những chuyện của cái tuổi” ẩm ương” mà chúng tôi đang trải qua còn cô thì đã trải qua, về tình yêu, về ước mơ, về sự nghiệp sau này. Cô cũng không ngại ngần tâm sự với chúng tôi những trăn trở thường nhật và sẵn sàng lắng nghe lời góp ý ngô nghê nhất. Với cô sự trưởng thành, sự kính trọng của học trò mới chính là thước đo giá trị của một nhà giáo” và để có được điều đó thì trước hết “nhà giáo phải là một tấm gương”.

Trong mắt của nhiều người, có lẽ cô không phải là một cô giáo mẫu mực. Cô sẵn sàng mang đên lớp những câu chuyện, những cử chỉ, lời nói hài hước mà chắc chỉ trên Chương trình Gala Cười mới có. Cô luôn tự tin với ngoại hình không được bắt mắt cho lắm của mình và sẵn sàng đem sự thô kệch đó ra bình phẩm, gây cười để tạo không khí sảng khoái cho cả lớp. Cách giảng bài của cô của cô thường không được đánh giá cao về tính mô phạm, chuẩn mực. Bởi vì khi đứng trên bục giảng cô không dịu dàng, nhã nhặn, lãng mạn mà như một ca sĩ nhạc Rock đang “gào thét” còn chúng tôi là những fan cuồng nhiệt nhất. 

Cô một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi: Đó là lần cô có một tiết hội giảng tại lớp tôi. Vì có nhiều lãnh đạo, đồng nghiệp trên Sở giáo dục và đào tạo xuống, cô buộc phải nói chậm lại và “dịu dàng” hơn. Hôm đó lớp tôi buồn thiu, có đứa lén đưa tay che miệng ngáp. Sau giờ giảng, chúng tôi tôi than vãn sao cô giảng thiếu “lửa” vậy. Cô “nũng nịu”: “Hôm nay cô nữ tính vậy mà còn bị nhắc là giảng nhánh quá đấy nha!”. Và cô trò cùng nhau cười sảng khoái.

Tuy nhiên, có một điều mà đồng nghiệp luôn luôn ngưỡng mộ ở cô, đó là chất lượng kết quả môn văn các lớp cô dạy đều tăng lên rõ rệt. Đội tuyển học sinh giỏi của cô năm nào cũng rinh về giải cao nhất, có năm vượt qua cả trường chuyên, đứng đầu toàn tỉnh. Lớp luyện thi đại học của cô phải chia thành nhiều ca và lúc nào cũng chật kín. Học sinh các trường xung quanh nghe tiếng tăm cô ùn ùn kéo đến xin học. Cô vẫn luôn niềm nở và tự tin giảng hết mình như thường ngày. 

May mắn nhất của cuội đời tôi là được cô dạy những năm cấp III trước khi bước vào ngã rẽ quan trọng của cuộc đời mình. Có lẽ tôi cũng là một trong những đứa học trò cô nhớ nhất. Bởi tôi chính là đứa đã lấy từ cô điểm mười trong một lần thách đố để đòi lại “danh dự” từ cái vụ mất thanh kẹo Sôcôla của lớp. Tôi cũng là đứa con trai thường xuyên “đấu khẩu” và cũng hay tâm sự với cô nhất, ngay cả khi đã lên đại học hay ra đi làm như bây giờ.

Cô từng nói với tôi rằng: “Cứ đi đi, đường ở dưới chân mình ấy”. Và tôi đã quyết chọn cho mình những bước đi như thế. Tôi, cậu học trò mê Toán đã khám phá ra môn văn rất nhiều điều thú vị, học văn còn là học làm người, để rồi đậu vào đại học khối C. Tôi từ khi còn là một anh lính – một sinh viên trong quân ngũ đã từng đi phát tờ rơi, đi làm cửu vạn, đi nhập dữ liệu thuê... Rồi sau này, khi tôi đã là một anh cán bộ ở một cơ quan nhà nước nhưng vẫn đi gia sư, tập tành viết báo kiếm tiền, tham gia công tác xã hội như thường. Và cô luôn là người cổ vũ tôi nhiều nhất. Cô thường bảo: “Đi nhiều chỉ làm đôi chân mình rắn rỏi hơn thôi”. Tôi đã vững vàng hơn từ những câu nói đơn giản như thế.

Ngày nhận quyết định đi làm, tôi gọi điện ngay cho cô. Cô nghiêm nghị nói: “Đi làm, lương cao thấp cô không biết, ăn chơi gì cô không biết nhưng mỗi tháng phải dành vài trăm nghìn biếu bố mẹ, nghe không?”. Khi tôi cò đang bối rối cô lại bảo: “Tiền có thể là điều kiện sống nhưng đừng bao giờ coi nó là mục đích sống”. Đó là bài học sâu sắc nhất cô tặng tôi khi chuẩn bị bước vào cuộc sống tự lập hoàn toàn. Để tôi đến giờ phút này, sau bao nhiêu va vấp, giữa cám dỗ phù du vật chất vẫn gắng giữ cho lòng mình luôn thanh sạch.

Có lần, cô thỏ thẻ gọi điện nhờ tôi tìm nguồn giúp đỡ cho một em học trò khó khăn lớp cô đang dạy. Tôi lại thêm một lần bất ngờ về cô. Sau đó không lâu, em học trò ấy đã được báo Tuổi trẻ trao một suất học bổng xứng đáng. Cô còn tâm sự với tôi rằng muốn lập một quý học bổng cho các em học sinh khó khăn của trường. Dù giá trị vật chất sẽ không lớn nhưng đó sẽ là sự ghi nhận, là động lực để các em vươn lên. Cái dự định ấy của cô đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Nhưng tôi tin, với tâm huyết của cô thì vào một ngày không xa điếu đó sẽ trở thành hiện thực.

Lần khác, cô xin email và gửi cho tôi một bài chính luận cô viết. Còn cô cười xòa bảo: “Góp ý cho cô nhé”. Tôi ngạc nhiên vô cùng: “Em sao dám góp ý chứ?”. Cô nói như đùa: “Ngày xưa cô dạy em, giờ em dạy lại cô, cuộc đời là vậy “nửa chữ cũng là thầy” có phải không em?”. Câu trả lời của cô khiên tôi không khỏi bất ngờ. Điều khiến tôi khâm phục và càng kính trọng cô không phải ở những lời khen mà bởi sự thẳng thắng, dám thừa nhận những khiếm khuyết của bản thân để vươn lên ở cô. Cũng như ngày xưa cô hay nói: “Trên đời này không có ai là hoàn hảo cả, phải biết cảm thông, bao dung và yêu cả những tật xấu của người khác”. Chính đức tính ấy đã bao lần khiến lũ học trò chúng tôi cảm phục cô và thấy mình tự tin hơn trong cuộc sống. 

Tôi và lứa học trò của cô năm nào giờ đã lớn khôn, nhiều đứa giờ còn là đồng nghiệp của cô nữa. Thế nhưng với chúng tôi, cô mãi là một tấm gương sáng để noi theo học tập. Cảm ơn cô – một cô giáo không – hoàn – hảo đã làm cho môn văn không còn “chán ngấy” mà trở nên hấp dẫn và đầy cảm xúc. Cảm ơn cô những bài học sâu sắc mà rất đời thường. 

Theo VNN