Tầm Thủ đô, lo dạy hay-học giỏi, nghĩ gì đến học phí cao hay thấp

08/12/2015 07:07
Thùy Linh
(GDVN) - Hà Nội vừa chính thức thông qua phương án học phí mới với mức tăng từ 10.000đồng - 20.000 đồng/tháng từ 1/1/2016.

Tại Kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội khóa XIV vừa thông qua Nghị quyết Quy định về mức học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của TP.Hà Nội từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. Theo đó, các mức học phí đều được tăng lên để đạt “mức sàn” của Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Cụ thể, trong năm học 2015 - 2016 mức học phí cấp mầm non, trung học, GDTX công lập ở khu vực thành thị từ 40.000 đồng/tháng lên 60.000 đồng/tháng; học phí ở khu vực nông thôn tăng từ 20.000 đồng/tháng lên 30.000 đồng/tháng; học phí ở khu vực miền núi là 8.000 đồng/tháng.

Tầm Thủ đô, lo dạy hay-học giỏi, nghĩ gì đến học phí cao hay thấp ảnh 1
Hà Nội cần chú trọng chất lượng giáo dục chứ không cần phải lo học phí quá thấp (Ảnh: vietnamnet.vn)

Riêng các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao vẫn giữ nguyên mức thu học phí như hiện tại: Trường mầm non và tiểu học thu 3,2 triệu đồng/tháng. THCS và THPT có mức thu 3,4 triệu đồng/tháng.

Theo Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội, các mức tăng trên chỉ đạt “mức sàn” - mức thấp nhất theo quy định của Nghị định 86, tạo điều kiện cho mọi trẻ em có cơ hội tới trường, thể hiện chính sách ưu đãi của thành phố Hà Nội dành cho giáo dục.

Từ năm học 2016 - 2017, sẽ giao các sở, ngành tiến hành rà soát, tính toán đề xuất mức thu học phí phù hợp điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng và cũng là Đại biểu duy nhất đứng lên đưa ý kiến chưa tán thành với tờ trình Nghị quyết của TP.Hà Nội cho rằng:

Tôi mong muốn Thủ đô Hà Nội cần chú trọng chất lượng giáo dục chứ không cần phải lo học phí quá thấp.

Do hiện nay, đổi mới giáo dục phổ thông đòi hỏi nhiều hoạt động Nhà trường mà các Nhà trường không đủ nguồn lực để làm tất cả các hoạt động đó nên muốn tăng học phí lên. Ví dụ, học phí tại TP. Hồ Chí Minh đã là 120.000 đồng từ năm học 2014-2015 và chưa biết chừng năm học 2015-2016 còn tăng nữa”. 

Theo thầy Tùng Lâm, trong Kỳ họp, Hội đồng nhân dân cũng như đồng chí Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội có đưa ra ý kiến đồng tình về Nghị quyết “tăng nhẹ” học phí như đã tờ trình ra Sở GD&ĐT Hà Nội vì họ cho rằng: 

Thứ nhất, tại Hà Nội ngân sách đảm bảo chi trả lương là 70%, còn 30% chi cho các hoạt động giáo dục trong khi các tỉnh 90% chi lương, 10% chi hoạt động giáo dục. Như vậy có nghĩa là, ngân sách Nhà nước đã đảm bảo cho nhu cầu tối thiểu của giáo dục. 

Thứ hai, do Hà Nội sáp nhập với Hà Tây nên còn nhiều vùng khó khăn, họ không muốn tạo sự khác thường. 

Tuy nhiên, trả lời trên báo điện tử Một Thế giới, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng với mức học phí hiện tại chỉ có 40.000 đồng/học sinh/tháng (ở mầm non) không đủ để các trường công lập đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dạy học.

Vì vậy, nhiều trường đã nghĩ ra nhiều cách như phối hợp các trung tâm đào tạo, các cơ sở chụp ảnh… để kêu gọi phụ huynh đóng góp cho con học thêm, mua sắm đồng phục, đi tham quan, chụp ảnh lưu niệm...

Đồng tình với quan điểm này rằng mức tăng trên liệu có giúp các trường tăng chất lượng dạy và học, cũng như hạn chế được tình trạng lạm thu diễn ra lâu nay? Chưa kể đến việc trường lợi dụng tự chủ để lạm thu thì Tiến sỹ Tùng Lâm cho rằng: Cố gắng đẩy học phí lên và yêu cầu các trường không thu thêm khoản nào nữa. Chỉ có như vậy mới không thể nảy sinh nhiều khoản thu “huy động” theo nhiều cách khác nhau ở các trường. 

Thùy Linh