Tăng giá điện: Trường học “oằn lưng cõng” thêm khoản phụ trội

27/12/2012 07:24
Theo GD TPHCM
Ngày 20-12, Bộ Công thương đã ban hành thông tư quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện. Theo đó, giá điện bình quân tăng từ 1.369 đồng/kWh lên 1.437 đồng/kWh (tăng khoảng 5%) và được áp dụng từ ngày 22-12.
Như vậy, trong năm 2012, giá điện có hai lần điều chỉnh mức tăng 5% (lần tăng trước là ngày 1-7). Điều này khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng đáng kể, trong đó có trường học...
“Mệt” với giá điện
Ngày 25-12, có mặt tại Trường Tiểu học Trưng Trắc (Q.11, TP.HCM) khi tiết học cuối buổi sáng gần kết thúc, chúng tôi thấy anh bảo vệ đang trú nắng dưới bóng cây bàng bên hông phòng bảo vệ vì… nguồn điện dành cho quạt máy trong phòng đã được tắt. Cô Phạm Thị Ngọc Anh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Sau khi báo chí đưa thông tin giá điện tiếp tục tăng trong năm nay, nhà trường rất âu lo. Trước mắt chúng tôi chưa biết sẽ lấy nguồn tiền ở đâu để thanh toán khoản chi phí phát sinh này!”. Cô Hiệu trưởng cho biết thêm: “Kế hoạch hiện nay của trường là khi chưa có tiết hoặc không có việc quan trọng tất cả cán bộ, giáo viên đều tập trung làm việc trong một phòng (thư viện) như chấm bài, soạn giáo án… Tất cả thiết bị điện liên quan tới việc học và sinh hoạt bán trú của học sinh (HS) đều được giữ nguyên. Khi HS ra về hoặc học xong, bảo vệ và giáo viên phải có trách nhiệm kiểm tra và ngắt cầu dao tổng để tiết kiệm”.

Một số trường học cho rằng việc tăng giá điện vừa qua khiến họ phải gánh thêm các khoản phụ trội (Ảnh minh họa, nguồn internet)
Một số trường học cho rằng việc tăng giá điện vừa qua khiến họ phải gánh thêm các khoản phụ trội (Ảnh minh họa, nguồn internet)
Tương tự, thầy Trương Thành Diễn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Âu Cơ (Q.11), cho biết: “Nhà trường không thể tắt bớt đèn, quạt trong phòng học của HS do phòng rộng (trên 20m2) và chỉ có duy nhất một cửa chính cho thầy - trò vào học. Trường Âu Cơ là trường “hạng 3” chỉ biết trông chờ vào nguồn ngân sách do trên cấp. Nếu bây giờ vận động phụ huynh hỗ trợ… chắc không ai còn muốn cho con tới học”.
Còn tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), do đây là ngôi trường “điểm”, HS đông và các hạng mục được thiết kế đồng bộ nên thầy và trò nhà trường đều triệt để tiết kiệm điện. Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Năm 2011 khi giá điện tăng 15,28%, nhà trường đã gặp rất nhiều khó khăn. Năm nay sau hai đợt tăng là 10%, với trên 1.000 HS bán trú, hàng tháng riêng tiền điện đã phải chi trên 16 triệu đồng. Chắc chắn trường chúng tôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, do không thể cứ “có chuyện” là vận động Ban đại diện cha mẹ HS được. Nhà trường dự tính sẽ làm công văn gửi lãnh đạo quận để xin hỗ trợ thêm ngân sách, bù cho những khoản phát sinh này. Trước mắt, trường đã tính tới việc sắp xếp lại hệ thống máy điều hòa và hệ thống thiết bị phục vụ ánh sáng. Các bóng đèn đôi (neon 1,2m) ở các hành lang hay khu vực không cần thiết sẽ được thay thế bằng bóng đèn compact tiết kiệm điện”.
“Ăn theo” giá điện
Cô Trần Thị Lan,Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Q.4), lo lắng: “Tổng số HS toàn trường trên 1.400 em, số HS bán trú tại trường cũng gần 50%. Thời gian qua nhà trường đã chuyển đổi hình thức từ nấu ăn sang ăn suất ăn công nghiệp, sau khi Nhà nước thông báo kế hoạch tăng giá điện thì ngay lập tức phía doanh nghiệp (đơn vị cung cấp suất ăn và nước uống) đã gửi công văn đề nghị được tăng giá suất ăn và bình nước từ 1.000 đến 3.000 đồng. Khoản tiền này trước mắt nhà trường phải tự xoay xở và đợi đến khi họp thông báo với phụ huynh để được hỗ trợ, may ra mới giải quyết được”.
Trong khi đó, thầy Lại Tấn Bán, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thi (Q.11), cho biết: “Bình quân một tháng Trường Nguyễn Thi phải trả tiền điện trên 4 triệu đồng (20 phòng học và các phòng chức năng) và tiêu thụ trên 180 bình nước. Với mức giá 15.000 đồng/bình, nhà trường đã rất khó khăn trong việc thanh toán, nhưng khi giá điện tăng, đơn vị cung cấp nước gây áp lực và đòi tăng thêm 2.000 đồng/bình. Như vậy khoản tiền chênh lệch trên, chắc nhà trường đành phải “ôm””.
Có thể nói, mỗi lần điện tăng giá là trường học lại “oằn lưng cõng” thêm những khoản phụ trội không mong muốn!
Theo GD TPHCM